Xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề Đông Mai
Không chỉ trẻ em, mà người lớn ở làng nghề tái chế chì Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) khi xét nghiệm đều có kết quả lượng chì trong máu cao hơn mức cho phép. Đáng lo ngại, người bị nhiễm chì, nhất là trẻ em thường dẫn đến suy giảm chức năng gan, suy thận, mất trí nhớ... nếu ngộ độc nặng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đây được coi là hồi chuông cảnh báo các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, sớm có các giải pháp đồng bộ để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng nhiễm độc chì tại xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Nguyễn Đăng Anh cho biết: Xã Chỉ Đạo là một xã nông nghiệp, với số dân khoảng 2.600 người, hiện đang sinh sống ở bốn thôn: Trịnh Xá, Nghĩa Lộ, Cát Lư và Đông Mai. Đối với làng nghề tái chế chì Đông Mai, được hình thành cách đây 30 năm, ban đầu chỉ có một số hộ thu mua ắc-quy hỏng, phá dỡ, lấy chì, nấu chì bằng phương pháp thủ công. Sau một thời gian, nghề tái chế chì phát triển ra cả thôn, thời điểm cao nhất có gần 200 hộ làm nghề, thu mua phá dỡ phế liệu, với sản lượng hàng nghìn tấn/năm, nhờ đó đã mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động trong xã.
Tuy nhiên, nghề tái chế chì theo phương pháp thủ công đã gây ra những hệ lụy tiêu cực, bởi công việc phá dỡ phế liệu, chủ yếu là pin, bình ắc-quy để lấy chì hầu như làm tại nhà; các hóa chất a-xít, chì… từ phế liệu bốc hơi vào không khí; chảy ra ngấm vào đất, theo hệ thống thoát nước chảy vào hệ thống kênh, mương trong thôn, xã. Việc nấu chì ở ngoài cánh đồng tuôn ra khói, bụi chì… bao phủ nhiều khu dân cư trong khu vực.
Vì vậy, tất cả những chất thải từ hoạt động tái chế chì đã làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề, lâu dài đến đời sống và sức khỏe của nhân dân chung quanh khu vực này.
Kết quả nghiên cứu thực trạng môi trường và tình hình sức khỏe học sinh tiểu học và THCS tại xã Chỉ Đạo, trong đó có thôn Đông Mai do Viện Sức khỏe, nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) thực hiện, cho thấy: Xét nghiệm sàng lọc 266 em, trong đó có 105 em có nồng độ chì trong máu (chì máu) từ 45àg/g/dL trở lên. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Anh cho biết: Nhiều trẻ em ở xã Chỉ Đạo hiện nay bị phơi nhiễm chì, nhất là những em bị phơi nhiễm nặng (có nồng độ chì trong máu lớn hơn 70àg/g/dL). Nhiễm độc mãn tính, sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các em, với các triệu chứng suy sụp thể lực, mệt mỏi, ngủ ít, nhức đầu, đau cơ, xương khớp, có nguy cơ tổn thương thần kinh… Trước tình trạng nêu trên, ngành y tế tỉnh Hưng Yên đã phối hợp các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế thực hiện các biện pháp điều trị, thải độc chì trong máu, bước đầu đã mang lại một kết quả hết sức khả quan như: Chì máu của 85,2% trẻ em đã giảm, lượng giảm là 35,17% tính theo giá trị trung vị chì máu của toàn bộ trẻ em; tỷ lệ trẻ em có mức chì máu cao hơn 45àg/g/dL giảm rõ rệt…
Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng, nhất là Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), tiến hành giải độc cho 33 trẻ bị nhiễm độc chì cao và kiểm tra 27 trẻ thiếu máu chưa rõ nguyên nhân, để có các biện pháp hỗ trợ, điều trị, thải độc chì cho trẻ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các bậc cha mẹ cải thiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với nguồn chì…
Phó Giám đốc Sở TN và MT Nguyễn Đăng Anh cho biết thêm: Thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tỉnh Hưng Yên có bốn làng nghề, trong đó có làng nghề tái chế chì Đông Mai trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý. UBND tỉnh Hưng Yên đã quy hoạch và triển khai xây dựng cụm công nghiệp làng nghề ở xã Chỉ Đạo, với quy mô 21 ha, để đưa các hộ sản xuất tái chế chì vào cụm công nghiệp làng nghề. Chi cục Bảo vệ môi trường Hưng Yên phối hợp Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) thực hiện Dự án khắc phục ô nhiễm chì trong đất tại thôn Đông Mai và đã lấy hàng nghìn mẫu đất để tiến hành phân tích, đánh giá hàm lượng chì. Sau khi có kết quả phân tích mẫu, dự án đã lựa chọn 41 hộ có hàm lượng chì cao trong đất để thực hiện xử lý ô nhiễm chì. Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường Hưng Yên đã xây dựng trạm cấp nước sạch tập trung cho nhân dân trong khu vực.
Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như nâng cao sức khỏe của người dân, Sở TN và MT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý những vi phạm về môi trường; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp tái chế chì thực hiện nghiêm túc việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; các biện pháp phòng tránh phơi nhiễm chì và có trách nhiệm tẩy độc cho người lao động, nếu phát hiện nồng độ chì trong máu cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những tác hại do việc tái chế chì đến sức khỏe cộng đồng và môi trường; vận động nhân dân không thực hiện phá dỡ phế liệu có chứa chất độc hại, tái chế chì trong khu dân cư. Tiếp tục phối hợp với Viện Sức khỏe, nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) tiến hành khám, lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ em để xác định nồng độ chì trong máu, để có biện pháp hỗ trợ, điều trị, thải độc chì kịp thời cho người dân trong khu vực… Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH làng nghề Đông Mai khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở cụm công nghiệp làng nghề, nhất là các công trình thu gom, xử lý chất thải; di dời toàn bộ các hộ sản xuất, kinh doanh tái chế chì trong khu dân cư vào cụm công nghiệp làng nghề trong năm 2015.
Với những giải pháp đồng bộ mà các cơ quan chức năng đã và đang triển khai, hy vọng thời gian tới, tình trạng ô nhiễm môi trường và ô nhiễm chì trên địa bàn xã Chỉ Đạo, sẽ được giải quyết một cách triệt để.
Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ TN và MT) Hoàng Dương Tùng cho biết: Liên quan đến thông tin phản ánh thực trạng ô nhiễm chì, do hoạt động tái chế phế liệu tại xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và gây nhiễm độc cho trẻ em trong khu vực, Tổng cục có Công văn đề nghị Sở TN và MT tỉnh Hưng Yên, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường và nhiễm độc của người dân trong khu vực để Tổng cục báo cáo về Bộ TN và MT, tìm các giải pháp nhằm xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn… |
Kết quả khảo sát tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước do Bộ TN và MT thực hiện cho thấy: Có đến 46% số làng nghề bị ô nhiễm nặng; 27% số làng nghề bị ô nhiễm vừa. Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, chất thải rắn, tiếng ồn… Đáng chú ý, tại các làng nghề sản xuất kim loại, tỷ lệ người mắc bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, điếc, ung thư… thường cao hơn các khu vực không có làng nghề. Đối với các làng nghề tái chế giấy, có từ 16 đến 53,7% số dân bị mắc bệnh phổi, thần kinh do chịu sức ép từ khói, bụi, ô nhiễm không khí, hóa chất; có 58,8% số dân mắc bệnh đường ruột và 44% số dân bị mắc bệnh hô hấp ở các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm… |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()