Xử lý thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu: Khó từ nhà kho, khó ra tiêu hủy
LSO - Ngăn chặn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu đã là một cái khó, bởi mặt hàng này thường nhập lậu lẻ tẻ qua các đường mòn, lối tắt. Về đến nội địa hàng lại được xé lẻ thêm cho các gánh hàng rong, hay đóng gói gửi theo xe vận chuyển. Thế nhưng sau khi ngăn chặn, bắt giữ, thì câu chuyện bảo quản, tiêu hủy ra sao lại càng khó bội phần.
Lực lượng liên ngành kiểm tra kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại chợ xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng
Sống chung với ô nhiễm
Trong khuôn viên Chi cục Bảo vệ thực vật, dãy nhà để xe hiện nay vẫn chừa lại một gian nhỏ hẹp, gian này suốt ngày đóng cửa im ỉm. Đây đã từng là nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu tạm thời. Nói là tạm thời, nhưng thời gian lưu chứa của các loại thuốc trừ sâu lên đến hơn 5 năm trời. Ngay gần sát vách với nhà kho này là gần 10 hộ gia đình thuộc tổ 4, khối 2, đường Yết Kiêu, phường Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn).
Gia đình chị Đặng Vân Anh, số 39, đường Yết Kiêu liền kề ngay với gian nhà kho nên bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chị Vân Anh cho biết: khi kho chứa hàng, cả gia đình phải chịu đựng mùi thuốc trừ sâu, trời hanh, trời nồm, mùi càng nồng nặc. Đặc biệt là trong đợt lụt năm 2008, thuốc theo nước, nổi váng nồng nặc vào nhà.
Anh Linh Quang Hà, Tổ trưởng Tổ 4 bộc bạch: gia đình tôi ngăn cách với kho chứa thuốc của Chi cục Bảo vệ thực vật cả một dãy nhà dân cư mà khi nồm ẩm vẫn cảm giác mùi thuốc trừ sâu nồng nặc. Khổ nhất là dãy gần 10 hộ gia đình liền kề gian nhà kho. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri trong tổ bức xúc nhất là kho chứa thuốc trừ sâu này.
Chẳng riêng gì khu dân cư, mà ngay cả các cán bộ làm việc trong Chi cục Bảo vệ thực vật cũng chịu ảnh hưởng. Ông Trần Đại Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: từ năm 2004, tiếp nhận thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ các đơn vị thu giữ, Chi cục đã phải sử dụng một gian nhà xe để lưu giữ. Đến năm 2006, đống thuốc độc hơn chục tấn này mới được đưa đi tiêu hủy. Vừa tiêu hủy xong thì đến năm 2007, đơn vị lại phải tiếp nhận thêm gần 8,5 tấn cả thuốc bảo vệ thực vật và bao bì nhập lậu. Mãi đến tháng 9/2013 vừa qua mới có kinh phí để đưa số thuốc này đi tiêu hủy và xử lý nền gian nhà kho.
Xử lý nền kho tạm chứa thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu tại Chi cục Bảo vệ thực vật
Thu tiền triệu, tiêu hủy tiền tỷ
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: ngăn chặn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu ở khu vực biên giới rất khó khăn và phức tạp. Mặc dù không hình thành điểm nóng và cũng không có tình trạng nhập lậu ồ ạt nhưng mặt hàng này thường nhập lậu lẻ tẻ qua các đường mòn, lối tắt, rất khó phát hiện. Về đến nội địa, hàng lại được xé lẻ thêm cho các gánh hàng rong, hay đóng gói gửi theo xe vận chuyển về các tỉnh phía xuôi.
Theo số liệu tổng hợp, từ năm 2000 đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và thu giữ gần 54.000 kg thuốc và bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. Trong đó có 38.000 kg thuốc và trên 15.700 kg bao bì. Thực chất giá trị thu giữ của mặt hàng này rất thấp nhưng chi phí để xử lý lại rất cao. Khi các lực lượng thu giữ, việc tìm địa điểm rất khó khăn, thường phải bàn giao, hoặc để nhờ các nhà kho của trạm bảo vệ thực vật các huyện, tại các đội quản lý thị trường hay cảnh sát môi trường…
Cũng bởi tính chất nguy hiểm, độc hại mà việc tiêu hủy cũng rất khó khăn. Tại Lạng Sơn không có địa điểm tiêu hủy nào đủ điều kiện, tất cả hàng hóa thu giữ đều phải lưu chứa nhiều năm rồi đưa xuống Hải Phòng tiêu hủy. Như năm 2013 vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật đã thu gom tất cả thuốc bảo vệ thực vật lưu chứa tại nhiều địa điểm trên địa bàn với tổng trọng lượng hơn 13 tấn, chưa nói đến việc phải xử lý nền các nhà kho tạm chứa, chỉ riêng kinh phí vận chuyển, tiêu hủy đã lên đến gần 1 tỷ đồng.
Thí điểm xây dựng kho chứa
Khó khăn về xử lý thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đấu tranh, ngăn chặn mặt hàng này. Thực tế, các cấp ở trung ương và tỉnh cũng đã phân tích và nhận diện rõ vấn đề này. Trong thời gian qua, trong các cuộc làm việc với bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh cũng đã nhiều lần đề xuất về hỗ trợ kinh phí xây dựng kho lưu chứa và tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu trên địa bàn Lạng Sơn.
Ngày 5/11/2014, theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ thí điểm tỉnh Lạng Sơn dự án xây dựng kho chứa và 1 xe ô tô chuyên dụng để thu gom, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. Thủ tướng yêu cầu thời gian hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động trong năm 2015. Sau 1 năm thực hiện đánh giá, nếu có hiệu quả sẽ nhân rộng đến các địa phương khác.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường khẳng định: chắc chắn nếu đảm bảo được công tác lưu chứa và xử lý thì việc đấu tranh, ngăn chặn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều. Việc đấu tranh, ngăn chặn mặt hàng này ngay từ khu vực biên giới sẽ có ý nghĩa rất lớn trong đảm bảo an toàn nông sản cho các tỉnh miền xuôi, đặc biệt là các tỉnh sản xuất nông sản hàng hóa, thường xuyên phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với số lượng lớn.
Bài, ảnh: Vũ Như Phong
Ý kiến ()