Xử lý tham nhũng phải công khai, công tâm, nghiêm minh, bình đẳng
Công tác phòng, chống tham nhũng thu hút sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu Quốc hội. Các ý kiến cho rằng, trong xử lý tham nhũng phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc là không để xuất hiện “vùng cấm”, xử lý trên tinh thần công tâm, công khai, minh bạch, nghiêm minh, tất cả đều phải bình đẳng trước pháp luật.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng.
Các đại biểu đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua; trong đó, việc công khai các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc xử lý nghiêm các vụ tham nhũng nghiêm trọng phức tạp, kỷ luật nghiêm cán bộ vi phạm kể cả cán bộ cấp cao, cán bộ nghỉ hưu đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của người có chức vụ, quyền hạn; tạo được niềm tin trong nhân dân và thúc đẩy ý chí quyết tâm chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế, bất cập bởi các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp; những đối tượng tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có địa vị để tác động, can thiệp, có trình độ để đối phó; tiến độ xử lý nhiều vụ án tham còn chậm, nhiều bản án được tuyên dư luận cho rằng chưa đủ sức răn đe nên gây bức xúc trong nhân dân. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp; một số văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng, thiếu khả thi, chồng chéo dẫn đến dễ bị lợi ích nhóm, lợi dụng để tham nhũng…
Đề cập về tính công khai, minh bạch trong công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhận định: “Dường như rất ít cơ quan thực hiện công khai, minh bạch và chỉ coi đó là một việc thiếu sót, chứ không phải vi phạm pháp luật và thiếu sót thì chỉ đến mức rút kinh nghiệm, xin lỗi, xin lỗi chưa đủ thì thành thật xin lỗi. Vì vậy việc chấp hành pháp luật không nghiêm, người dân dị nghị về chuyện tham nhũng, tiêu cực không được chú ý đấu tranh phòng, chống”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) và một số ý kiến cho rằng, trong xử lý tham nhũng phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc là không để xuất hiện “vùng cấm”, xử lý xử lý trên tinh thần công tâm, công khai, minh bạch, nghiêm minh và xử lý “quan chức” cũng phải như dân, tất cả đều phải bình đẳng trước pháp luật.
Nhìn từ tình trạng “cả họ làm quan” ở một số cấp chính quyền cơ sở có, trong 1 xã có tới gần nửa số cán bộ là anh em, họ hàng; hoạt động công vụ nhưng thu vén thứ nọ, việc kia cho anh em, họ hàng nhà mình, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng đây chính là tham nhũng, tuy là tham nhũng vặt song cũng cần phải nhận diện rõ và xử lý nghiêm minh, bởi nếu không, hệ lụy sẽ là khôn lường.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề nghị các báo cáo cần thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn nội dung công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì cho rằng, việc tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của các cơ quan dân biểu cũng là một trong những giải pháp hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục tập trung xây dựng các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, tránh nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()