Xử lý rác thải y tế: Vấn đề cần quan tâm
(LSO) – Chất thải y tế là nguồn thải độc hại, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Mặc dù vấn đề xử lý rác thải, chất thải y tế trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều bất cập trong quản lý và thu gom xử lý.
Hiện Lạng Sơn có gần 500 cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân với gần 2.000 giường bệnh. Theo tính toán, trung bình mỗi ngày các cơ sở này thải ra môi trường trên 2.000 kg rác thải rắn và hơn 1.000 m3 chất thải lỏng.
Nhân viên vận hành máy móc tại trạm xử lý nước thải, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Để bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, các đơn vị khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện đã được trang bị hệ thống lò đốt rác đạt tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật quốc gia về môi trường, phần rác còn lại được xử lý theo hình thức chôn lấp. Còn lại, 100% cơ sở y tế tư nhân chưa có lò đốt rác, phải hợp đồng với các đơn vị y tế có năng lực trong tỉnh để xử lý rác thải nguy hại. Tuy nhiên, việc các cơ sở y tế tư nhân tự thu gom, phân loại, đưa rác thải y tế nguy hại đi xử lý rất khó quản lý vì lượng chất thải phát sinh không lớn. Điều này phụ thuộc vào ý thức, tự nêu cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ cơ sở.
Đối với chất thải lỏng, các bệnh viện từ tuyến tỉnh, tuyến huyện có lượng nước thải phát sinh lớn đều đã có hệ thống bể phốt, bể lắng xử lý nước thải bằng các hóa chất. Về cơ bản, lượng nước thải đó sau khi xử lý đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường.
Là cơ sở y tế lớn của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có lưu lượng người đến khám chữa bệnh trung bình 700 lượt người/ngày. Do vậy, lượng nước thải, chất thải y tế, rác thải thông thường phát sinh là rất lớn. Ông Phan Thanh Huy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Công tác quản lý, xử lý rác thải được bệnh viện chú trọng triển khai thực hiện, bệnh viện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên xử lý rác; tiến hành phân loại rác ngay tại chỗ. Rác thải sinh hoạt được bệnh viện hợp đồng với công ty môi trường đến thu gom xử lý, còn rác thải y tế được xử lý tại lò đốt rác 2 buồng. Qua những lần giám sát của các cơ quan chuyên môn thì mẫu nước thải của bệnh viện đều đạt yêu cầu, đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường.
Được sự quan tâm của Nhà nước, các ban ngành từ trung ương đến địa phương, cuối năm 2016, ngành y tế tỉnh đã tiếp nhận vốn sự nghiệp môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế cho 4 bệnh viện tuyến tỉnh và 10 bệnh viện tuyến huyện với tổng vốn đầu tư 76 tỷ đồng. Các nhà thầu hiện đang tiến hành thi công, hoàn thiện, xây lắp các hạng mục sau đó sẽ lắp đặt các thiết bị mới – công nghệ làm lạnh thân thiện với môi trường.
Ông Triệu Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc sử dụng công nghệ không đốt vào xử lý rác thải y tế sẽ giải quyết triệt để những khó khăn, bất cập trong công tác xử lý rác thải y tế ở thời điểm hiện tại, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường cho cộng đồng. Trong thời gian tới, sở chỉ đạo thanh tra sở tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định quản lý rác thải y tế từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý.
Sở Y tế đang phối hợp với các sở, ngành liên quan và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đi vào hoạt động 2 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền. Các bệnh viện trên khi hoàn thành đều có lò đốt rác, hệ thống xử lý nước thải hiện đại, bảo vệ môi trường.Ông Phan Thanh Huy cho biết thêm: Để giảm chi phí xử lý chất thải y tế và góp phần bảo vệ môi trường trong sạch nên xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo từng cụm địa bàn và phù hợp với quy hoạch địa phương với mức chi phí hợp lý. Như vậy mới có thể góp phần giảm gánh nặng cho các đơn vị y tế, giúp họ tập trung nâng cao chuyên môn.
Trên thực tế, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm quy định về xử lý chất thải y tế. Tuy nhiên, trước thực trạng còn nhiều kẽ hở trong quản lý loại chất thải được xếp vào diện nguy hại này rõ ràng là một mối lo đối với cộng đồng. Theo các chuyên gia y tế, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, có thể thâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường khác nhau. Nước thải từ bệnh viện mang theo nhiều loại vi rút nguy hại như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, E.coli… có khả năng xâm nhập các loại thủy sản, vật nuôi, rau thủy canh. Do vậy, các cấp, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp kiểm tra, đặc biệt là đối với các cơ sở y tế quy mô nhỏ nhằm xử lý các vấn đề phát sinh, xử lý nghiêm khắc các vi phạm. Đồng thời cần tăng cường giám sát việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải…
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()