Xử lý rác thải y tế Còn nhiều khó khăn
– Toàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở y tế thực hiện công tác khám, chữa bệnh. Trong đó, có 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 11 trung tâm y tế (TTYT) huyện, thành phố; 200 trạm y tế xã và hơn 300 phòng khám tư nhân. Điều này đồng nghĩa với việc lượng rác y tế thải ra môi trường mỗi ngày khá lớn. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống xử lý rác thải tại nhiều đơn vị chưa đáp ứng được nhu cầu. Phần lớn các đơn vị phải thuê đơn vị khác đến thu gom, xử lý rác thải y tế nguy hại. Điều này dẫn tới nhiều khó khăn, bất cập trong công tác xử lý rác thải y tế trên địa bàn.
Nhân viên phụ trách kiểm tra hệ thống xử lý chất thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế khá hiện đại với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng.
Bác sỹ Trương Quý Trường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hiện nay, bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng bằng công nghệ vi sinh và lò đốt chất thải y tế rắn (chất thải rắn nguy hại) bằng công nghệ đốt nhiệt phân với công suất xử lý đạt tối đa 600 kg rác/ngày. Về cơ bản, hệ thống lò đốt đảm bảo đáp ứng đủ và xử lý được triệt để lượng rác thải nguy hại phát sinh thường xuyên của bệnh viện và hơn 100 kg rác thải y tế nguy hại của 10 đơn vị y tế chưa có hệ thống xử lý rác trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc.
Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Y tế, ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đều đã được đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế. Tuy nhiên, do quá trình đầu tư chưa đồng bộ, một số đầu tư đã lâu và xuống cấp… nên hệ thống chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về xử lý rác thải y tế theo quy định, vì vậy hiện nay một số đơn vị y tế công lập phải thuê doanh nghiệp tư nhân đáp ứng đủ điều kiện từ các tỉnh khác tiến hành xử lý rác thải ở một số khâu khác nhau.
Bác sỹ Bùi Huynh Định, Giám đốc TTYT huyện Bình Gia cho biết: Hiện nay, TTYT huyện có 2 hệ thống xử lý chất thải lỏng nên loại chất thải này cơ bản được xử lý tốt. Còn đối với rác thải y tế rắn, từ cuối năm 2019, đơn vị được Sở Y tế đầu tư hệ thống lò hấp ướt. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, rác thải nguy hại sau khi được xử lý qua hệ thống sẽ được tiệt trùng toàn bộ, đảm bảo như rác thải rắn thông thường. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay đơn vị gặp phải đó là không có đơn vị thu gom, xử lý rác thải nào trên địa bàn nhận xử lý phần “hậu kỳ” sau khi rác thải nguy hại đã được tiệt trùng qua lò hấp. Do vậy, đơn vị phải hợp đồng với 1 công ty môi trường tại tỉnh Hải Dương vận chuyển, xử lý phần “hậu kỳ” này. Trung bình mỗi tháng, đơn vị phân loại, thu gom và xử lý khoảng 600 kg rác thải y tế nguy hại. Kinh phí thuê doanh nghiệp xử lý phần “hậu kỳ” này khoảng 120 – 150 triệu đồng/năm và được trích từ quỹ tự chủ khám, chữa bệnh của đơn vị. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc chi trả lương, thù lao hằng tháng cho cán bộ, nhân viên của đơn vị.
Không chỉ TTYT huyện Bình Gia, hiện nay, tại một số TTYT huyện như: Bắc Sơn, Tràng Định, Văn Lãng… cũng phải hợp đồng thuê một số công ty môi trường tại các tỉnh khác vận chuyển, xử lý rác thải y tế nguy hại đã qua xử lý bước đầu. Điều này khiến chi phí xử lý rác thải y tế đội lên rất cao. Theo chia sẻ của lãnh đạo một số TTYT huyện, việc thuê đơn vị đủ điều kiện xử lý rác thải nguy hại phần “hậu kỳ” mất chi phí từ 20 đến 23 nghìn đồng/kg.
Theo số liệu từ Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 18 đơn vị y tế phải thực hiện hồ sơ quản lý về chất thải y tế. Qua theo dõi, chỉ có 14/18 đơn vị có hệ thống xử lý nước thải, trong đó chỉ có 11/14 đơn vị có kết quả quan trắc nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định; 12/18 cơ sở có sử dụng lò đốt để xử lý chất thải y tế nhưng chỉ có 5/12 đơn vị có kết quả quan trắc khí thải lò đốt đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, hiện tại một số bệnh viện vẫn còn lượng rác thải rắn nguy hại không lây nhiễm như: bóng đèn huỳnh quang hỏng, vỏ chai đựng thuốc có chất độc tế bào… đang bị tồn lại các kho do không có đơn vị nào nhận hợp đồng xử lý. Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh còn tồn trên 5.000 tấn rác thải rắn nguy hại không lây nhiễm chưa được xử lý.
Cùng đó, việc các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh không có hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại cũng khiến việc xử lý gặp khó khăn nhất định. Tìm hiểu được biết, để xây dựng được một hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại đảm bảo, kinh phí đầu tư ít nhất từ 10 tỷ đồng trở lên. Do vậy, các cơ sở y tế tư nhân chưa thể tự đầu tư xây dựng được hệ thống này. Việc hợp đồng với các đơn vị y tế có hệ thống xử lý rác thải nguy hại để xử lý là quy định bắt buộc, nhưng quá trình này phát sinh một số khó khăn như: công suất hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại của các cơ sở y tế công lập được đầu tư căn cứ theo công suất, lượng rác phát sinh của từng đơn vị và các trạm y tế cấp xã; việc phải “gánh” thêm lượng rác từ các cơ sở y tế tư nhân khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở những thời điểm lượng rác thải y tế nguy hại tăng đột biến như thời gian cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và thời điểm đầu năm 2022… khiến việc xử lý quá tải, lượng rác tồn chờ xử lý khá lớn, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Do tính chất nguy hại nên tất cả các loại rác thải y tế đều phải được xử lý triệt để và nghiêm ngặt, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng. Để đạt được điều đó, các cơ sở y tế phải thu gom và xử lý rác thải y tế đúng và triệt để, đặc biệt là đối với rác thải nguy hại. Tuy nhiên, hiện nay nguồn ngân sách Nhà nước dành cho việc đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế công lập trên địa bàn tỉnh còn hạn hẹp. Cùng đó, kinh phí đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế nói chung là rất lớn nên số cơ sở y tế có đầy đủ, đồng bộ hệ thống xử lý rác thải trên địa bàn còn ít. Về lâu dài, sở sẽ tham mưu với tỉnh cần thực hiện đầu tư bài bản và kêu gọi “nguồn xã hội hóa” để đầu tư xây dựng một khu xử lý rác thải y tế nguy hại tập trung trên địa bàn tỉnh.
Được biết, hiện trung bình mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh phát sinh trên 2 tấn chất thải y tế rắn và một lượng lớn chất thải y tế lỏng cần phải xử lý. Do vậy, vấn đề xử lý rác thải y tế cần được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm hơn nữa. Trong đó, cần khẩn trương tháo gỡ những khó khăn trong việc xử lý rác thải y tế, đặc biệt đối với chất thải nguy hại ngay từ các cơ sở y tế. Có như vậy mới hạn chế được nguy cơ lây nhiễm bệnh, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân.
Ý kiến ()