Xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn: Cách làm của Sơn Hà
– Trong khi các địa phương khác trên địa bàn huyện Hữu Lũng còn đang vướng mắc về vấn đề xử lý rác thải khu vực nông thôn thì tại xã Sơn Hà, việc phân loại, xử lý rác thải đã trở thành nền nếp.
Với 1.200 hộ dân và trên 5.000 nhân khẩu, ước tính mỗi ngày trên địa bàn xã Sơn Hà phát sinh trên 5 tấn rác thải các loại. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, từ năm 2018 đến nay, chính quyền xã Sơn Hà đã tích cực tuyên truyền về những nguy hại của các loại rác thải, vận động người dân thu gom chai nhựa, túi nilon, vỏ thuốc bảo vệ thực vật để tập kết đúng nơi quy định và liên kết với các đơn vị có khả năng xử lý đến vận chuyển đem đi tiêu hủy.
Người dân thôn Trường Sơn, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng đổ rác vào thùng thu gom
Cụ thể từ năm 2018 (khi được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh), UBND xã đã liên kết với Công ty TNHH MTV Tâm Đức Lạng Sơn thực hiện dịch vụ thu gom rác thải. Theo đó, các hộ dân sinh sống tại 6/8 thôn ven Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1A cũ và đường 242 được thu gom hằng ngày bằng xe đẩy. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, công ty thu gom trên 4,4 tấn rác thải, bên cạnh nguồn kinh phí được Nhà nước hỗ trợ, các hộ dân trên địa bàn đóng phí vệ sinh môi trường 72.000 đồng/người/năm, riêng năm 2021, số tiền người dân đóng góp là trên 152 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Nghiệp, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trường Sơn, xã Sơn Hà cho biết: Thôn Trường Sơn có 123 hộ dân. Từ năm 2018 đến nay, được sự quan tâm của Nhà nước, doanh nghiệp, toàn thôn được bố trí 20 thùng thu gom rác dọc theo các tuyến đường chính của thôn. Từ khi có thùng thu gom rác, mỗi người dân đều có ý thức trong việc phân loại đổ rác và duy trì vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; trồng hoa 2 bên đường, góp phần để thôn xây dựng thành công mô hình điểm khu dân cư xanh – sạch – đẹp.
Hai thôn còn lại (thôn En và thôn Ngòi Na) mặc dù chưa được doanh nghiệp đến thu gom rác tận nơi nhưng chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã có cách làm riêng để tuyên truyền người dân xây dựng lò đốt rác tại gia đình và xử lý rác tại nhà. Cùng đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã còn hỗ trợ người dân xây dựng lò đốt rác. Theo đó 4 năm qua, 201/201 hộ dân của cả 2 thôn này đều có lò đốt rác tại gia đình. Không chỉ tự phân loại và xử lý rác tại nhà, các hộ dân của 2 thôn còn tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm 1 lần/tuần.
Ông Trần Doãn Bình thôn Ngòi Na cho biết: Được cán bộ xã tuyên truyền, chúng tôi tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh để đảm bảo sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Cụ thể, gia đình luôn chủ động phân loại những thứ có thể tái chế thì để gọn lại để dùng hoặc bán cho những người thu gom phế liệu. Các loại túi bóng, rác khó phân huỷ để gọn và đốt trong lò đốt rác, rác hữu cơ được để riêng và đốt riêng. Hằng tuần, các thành viên trong gia đình cùng bà con trong khu dân cư vệ sinh đường làng, ngõ xóm đảm bảo xanh, sạch, đẹp.
Đối với rác thải khác phát sinh trong quá trình sản xuất, chủ yếu là bao bì thuốc trừ sâu, UBND xã Sơn Hà đã đầu tư kinh phí bố trí 60 bể bê tông để thu gom tại ở các cánh đồng và liên kết với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để thu gom xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Phúc Thật, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết: Trong thời gian tới, UBND xã sẽ đăng ký thêm một số tuyến đường mới sử dụng dịch vụ thu gom rác thải. Đối với các gia đình thì tiếp tục tuyên truyền để bà con phân loại và xử lý rác thải một cách hợp lý nhất. Chúng tôi tập trung lãnh đạo chỉ đạo các tổ chức ở xã đặc biệt là các câu lạc bộ phụ nữ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phân loại, xử lý rác thải nhằm đảm bảo các tiêu chí về môi trường, góp phần giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Ý kiến ()