Xử lý rác thải chăn nuôi - mô hình cần nhân rộng
Hàng triệu tấn chất thải phát sinh mỗi năm từ các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn và hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ là nguy cơ về ô nhiễm môi trường ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay. Do vậy, việc xây dựng các mô hình biến rác thải chăn nuôi thành các sản phẩm hữu ích, bảo vệ môi trường đang được các cấp, ngành tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm, đầu tư phát triển.
Nhiều lượng chất thải chưa xử lý
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 256 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa, hàng trăm nghìn cơ sở chăn nuôi nông hộ. Phần lớn các trang trại chăn nuôi tập trung đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải với công nghệ phổ biến là bể biogas và hệ thống hồ sinh học. Một số trang trại lớn đã đầu tư hệ thống hút và xử lý mùi hôi, máy ép phân, hoặc hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ kết hợp bùn hoạt tính hiếu khí và bể lọc sinh học (MBBR) như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mitraco; Công ty Cổ phần Công-Nông nghiệp Lộc Trường; trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Thái Huy (xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ)…
Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Với tổng đàn hơn 400.000 con lợn, 235.000 con trâu, bò và hơn 10 triệu con gia cầm, hằng năm ước tính lượng chất thải phát sinh khoảng 1,5 triệu tấn chất thải rắn và gần 6,9 triệu mét khối nước thải. Lượng chất thải phát sinh cơ bản được xử lý bằng các phương pháp như biogas kết hợp ao sinh học, biogas cải tiến, ủ phân vi sinh, nuôi giun quế… Tuy nhiên, vẫn còn lượng lớn chất thải xử lý không triệt để hoặc chưa xử lý tại các cơ sở chăn nuôi, gây ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của người dân”.
Mô hình trồng giun quế của anh Thái Quang Nhật (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) tận dụng rác thải chăn nuôi. Ảnh: CHUNG THỦY |
Loại hình chăn nuôi theo quy mô dưới 50 con tại Hà Tĩnh hiện có gần 22.500 hộ, chiếm khoảng 42% tổng đàn, chủ yếu xen kẽ trong các khu dân cư. Bình quân mỗi con gia súc phát sinh khoảng 30 lít nước thải/ngày. Do thiếu nguồn vốn nên các hộ dân chưa đầu tư đầy đủ các công trình xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2018 đến 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 22 cơ sở chăn nuôi với tổng số tiền phạt 1,8 tỷ đồng. Đối với chất thải nguy hại, đa số cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chung, chưa thu gom triệt để, chưa phân loại, dán biển phòng ngừa, chưa hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý.
Coi chất thải như một loại tài nguyên
Trên địa bàn huyện Vũ Quang và các huyện Hương Sơn, Hương Khê có rất nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, nguồn chất thải này chưa được tận dụng. Xem chất thải chăn nuôi là một nguồn tài nguyên, anh Thái Quang Nhật (thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang) đã thu mua nguồn chất thải từ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn để nuôi giun quế, tạo ra nguồn phân hữu cơ sạch cho cây trồng. Sản phẩm giun quế do anh Nhật nuôi tạo ra phân bón hữu cơ cung cấp cho các trang trại trồng cây ăn quả, hoa màu theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Nhật cho biết, mỗi năm, anh xuất bán được hàng chục tấn phân vi sinh, giun thịt, bình quân thu về gần 300 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi giun quế của anh đã mang lại “lợi đơn, lợi kép”, vừa giúp các trang trại chăn nuôi giải phóng được một lượng lớn chất thải, vừa góp phần giảm nguồn ô nhiễm môi trường trên địa bàn, đồng thời mang lại nguồn thu nhập.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, hầu hết trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống xử lý chất thải bằng bể biogas, tận dụng năng lượng phục vụ sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 6.000 bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Đối với chăn nuôi nông hộ thì toàn tỉnh có hơn 2.500 bể biogas được lắp đặt và xây dựng. Nhờ công nghệ khí sinh học từ các bể biogas, hộ chăn nuôi trên địa bàn đã có khí để đun nấu và thắp sáng, bã thải khí sinh học được dùng vào việc bón cho cây trồng, nâng cao năng suất và cải tạo đất.
Mô hình biến rác thải chăn nuôi thành các sản phẩm hữu ích góp phần từng bước hóa giải áp lực cho vấn đề môi trường tại Hà Tĩnh, tuy chưa nhiều, chưa hình thành được chuỗi sản xuất hàng hóa với quy mô đáng kể. Việc biến rác thải chăn nuôi thành sản phẩm hữu ích là một giải pháp của kinh tế tuần hoàn, cần có cơ chế khuyến khích, nhân rộng để phát triển ngành chăn nuôi và bảo vệ môi trường bền vững.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xu-ly-rac-thai-chan-nuoi-mo-hinh-can-nhan-rong-761957
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()