Xử lý rác tại thành phố công nghệ của Ấn Ðộ
Rác thải trên đường phố Ben-ga-lu-ru (Ấn Độ). Ảnh INDIAN EXPRESS Trên con đường phát triển, Ấn Độ lại vấp phải những thách thức nan giải, một trong số đó là vấn đề xử lý rác thải. Tại Ben-ga-lu-ru, kinh đô công nghệ cao thuộc bang Các-ta-na-ca phía nam Ấn Độ, với tên gọi "thung lũng Xi-li-côn thứ hai của thế giới", rác thải đã trở thành mối lo thường trực đáng báo động.Bên ngoài bãi rác khu vực ngoại ô thành phố Ben-ga-lu-ru, hàng đoàn xe tải xếp hàng dài, chất đầy rác thải sinh hoạt đang phân hủy dưới ánh mặt trời. Bãi rác thải sinh hoạt khổng lồ tại đây là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và phát tán dịch bệnh. Vốn là thành phố có nhiều không gian xanh, nhưng rác thải đã thật sự trở thành nỗi ám ảnh, khi dần "nuốt chửng" môi trường tự nhiên, trở thành "nơi cư trú lý tưởng" cho côn trùng và động vật hoang. Khối lượng rác tại đây tăng quá nhanh và trở thành vấn đề nhức nhối cho người dân và chính quyền sở tại.Từ năm 1980 đến nay, số công ty công nghệ...
Rác thải trên đường phố Ben-ga-lu-ru (Ấn Độ). Ảnh INDIAN EXPRESS |
Bên ngoài bãi rác khu vực ngoại ô thành phố Ben-ga-lu-ru, hàng đoàn xe tải xếp hàng dài, chất đầy rác thải sinh hoạt đang phân hủy dưới ánh mặt trời. Bãi rác thải sinh hoạt khổng lồ tại đây là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và phát tán dịch bệnh. Vốn là thành phố có nhiều không gian xanh, nhưng rác thải đã thật sự trở thành nỗi ám ảnh, khi dần “nuốt chửng” môi trường tự nhiên, trở thành “nơi cư trú lý tưởng” cho côn trùng và động vật hoang. Khối lượng rác tại đây tăng quá nhanh và trở thành vấn đề nhức nhối cho người dân và chính quyền sở tại.
Từ năm 1980 đến nay, số công ty công nghệ ở Ben-ga-lu-ru đã lên tới gần 1.500. Đây là nguyên nhân chính của sự gia tăng chóng mặt lượng rác điện tử. Rác điện tử có thể được thải trực tiếp sau sản xuất hoặc mua lại từ các nước châu Âu để tái chế linh kiện và thiết bị tin học. Từ năm 2000, rác điện tử từ các công ty công nghệ, rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình trong thành phố được đưa đến khu vực ngoại ô để xử lý. Nhưng việc quản lý địa điểm tập kết và phương thức xử lý lại chưa được quan tâm đúng mức, nhất là phương pháp xử lý khoa học với rác điện tử. Các bãi đất trống, thậm chí đất trồng trọt cũng dần trở thành những bãi rác tự do, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe và điều kiện sống của người dân. Những người thu gom rác điện tử tự do thường đốt các bo mạch ở nhiệt độ thấp, dùng hóa chất tách vàng bạc từ linh kiện. Khí thải từ các phương pháp thủ công này mang theo hóa chất gây ung thư, gây nhiễm độc chì và thủy ngân. Lượng rác thải mỗi ngày tại Ben-ga-lu-ru lên tới 4.000 tấn, trong khi đó, bãi rác thành phố đang quá tải, thậm chí có nguy cơ đóng cửa vào đầu năm 2013.
Trong nhiều năm qua, chính quyền TP Ben-ga-lu-ru đã có nhiều biện pháp đối phó thực trạng đáng lo ngại nói trên và khôi phục vẻ đẹp vốn có của thành phố. Mới đây, Bru-hát Ben-ga-lu-ru Ma-ha-na-ga-ra Pa-lích (BBMP), cơ quan hành chính trực thuộc thành phố về tài sản công dân và cơ sở hạ tầng, tiến hành nghiên cứu và đề xuất biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt bằng hầm bi-ô-ga. Bằng cách này, rác sẽ phân hủy và chuyển hóa thành khí sinh học chỉ trong bốn tháng và không gây nguy hại môi trường. Chính phủ Ấn Độ thành lập một ủy ban nhằm nhanh chóng đánh giá và hoàn thiện những đề xuất xử lý rác thải bằng phương pháp bi-ô-ga, đồng thời yêu cầu BBMP thay đổi chiến lược phân cấp rác thải tại nhiều địa điểm khác nhau, hạn chế cao nhất ảnh hưởng tới môi trường. BBMP đã xác định diện tích 112 ha đất ở khu vực ngoại ô Ben-ga-lu-ru để xây dựng các khu xử lý rác, với khả năng tái chế và xử lý ở từng khu là 300 tấn rác mỗi ngày.
Thống đốc bang Các-ta-na-ca D.Xết-ta cho biết, Chính phủ Ấn Độ đã xem xét ứng dụng các công nghệ hiện đại, trong đó có hệ thống sản xuất năng lượng từ rác thải, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục một thành phố Ben-ga-lu-ru xanh, sạch, đẹp. Sự quan tâm từ chính quyền địa phương cũng như các công ty môi trường đô thị giúp Ben-ga-lu-ru khôi phục hình ảnh “thành phố xanh” với công nghệ cao tiêu biểu trên thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()