Xử lý nợ xấu: Nỗ lực của Lạng Sơn
LSO-Nếu như tính tới tháng 7/2013, tổng nợ xấu trên địa bàn toàn tỉnh vẫn ở mức 716 tỷ đồng, thì chỉ 2 tháng sau, con số này đã giảm xuống chỉ còn 587 tỷ đồng. Đến ngày 28/12/2013 nợ xấu tiếp tục giảm xuống, còn ở mức 557,5 tỷ đồng. Tuy con số này vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2012 tới 63,4%, nhưng trong bối cảnh khó khăn như năm qua, đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành hữu quan trong tỉnh.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 phê duyệt đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và đề án thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch số 86/KH-UBND đề ra mục đích, yêu cầu cụ thể là tập trung xử lý và ngăn chặn nợ xấu của các chi nhánh, tổ chức tín dụng trên địa bàn. Trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ cơ bản xử lý xong số nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn hiện nay. Theo đó, trong năm 2013, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Lạng Sơn |
Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện các biện pháp nhằm huy động các nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; thực hiện phân bổ vốn đầu tư tập trung cho các dự án tạo sức lan tỏa lớn; tích cực triển khai đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND còn chỉ đạo các ngành hữu quan nắm bắt thông tin về tình hình hàng tồn kho tại một số doanh nghiệp. Ví dụ như đối với doanh nghiệp khai thác quặng bauxit, UBND tỉnh đã có phương án và trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho xuất khẩu lượng quặng đã khai thác. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện nhiều chương trình khác như tạm ứng vốn cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trong các tháng cuối năm; tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại… Những biện pháp được thực hiện, triển khai đồng bộ và có hiệu quả đã giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giảm các nguy cơ nợ xấu. Tính đến thời điểm này, nợ xấu trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung vào Nhà máy xi măng Đồng Bành với tổng số 454 tỷ đồng, chiếm 83,15% tổng nợ xấu trên toàn địa bàn.
Tuy nhiên, theo phân tích của bà Trương Thu Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu – Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thì thực chất không phải tất cả trong số đó đều là nợ xấu. Đó là do quy định, trong phân kỳ trả nợ, nếu chưa thanh toán được một phần thì tất cả đều tính vào nợ xấu. Trong số nợ xấu của Nhà máy xi măng Đồng Bành, có 247,4 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Lạng Sơn. Số này đã được các bên liên quan thống nhất kiến nghị với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trình Ngân hàng Nhà nước kiến nghị với Chính phủ cho chủ trương để được cơ cấu nợ bằng cách kéo dài thêm thời hạn trả nợ. Nếu đề xuất này được chấp thuận, thì trong thời gian tới nợ xấu trên địa bàn tình sẽ tiếp tục giảm sâu thêm 247,4 tỷ đồng.
Bà Trương Thu Hòa cho biết: với vai trò là Thường trực tổ công tác của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện nhiều biện pháp tích cực. Các ngân hàng trên địa bàn đã rất nỗ lực và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay; tái cơ cấu thời hạn trả nợ; giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ…đồng thời rà soát, cảnh báo kịp thời các khả năng rủi ro có thể xảy ra.
Trong chuyến thăm và làm việc của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Lạng Sơn vào cuối tháng 12 vừa qua, các đại biểu đại diện cho các bộ ngành trung ương đã đánh giá cao Lạng Sơn trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, ngăn ngừa và xử lý nợ xấu. Với mục tiêu đặt ra là đến 2015 cơ bản xử lý xong số nợ xấu trên địa bàn hiện nay, Lạng Sơn đã thể hiện quyết tâm cao và quyết tâm ấy đang được cụ thể hóa bằng các biện pháp, giải pháp hữu hiệu, đồng bộ của các cấp, ngành hữu quan.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()