Xử lý nợ xấu: Cần nhiều phương án giải quyết
LSO-Từ trước đến nay, nợ xấu luôn là vấn đề quan trọng mà bất cứ ngân hàng nào cũng quan tâm và tìm cách giải quyết. Giải quyết các món nợ xấu, nhất là trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn như hiện nay được các ngân hàng ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh.
LSO-Từ trước đến nay, nợ xấu luôn là vấn đề quan trọng mà bất cứ ngân hàng nào cũng quan tâm và tìm cách giải quyết. Giải quyết các món nợ xấu, nhất là trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn như hiện nay được các ngân hàng ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh.
Sản xuất gạch tại nhà máy gạch Hợp Thành |
Thực trạng nợ xấu các ngân hàng
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện nay tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 7% tổng dư nợ, trong đó, nợ xấu của các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các ngân hàng chiếm 95,8%. Nợ xấu của các ngân hàng chủ yếu là ở phía khách hàng doanh nghiệp, bởi với những khách hàng cá nhân có lượng vốn vay thường nhỏ, dễ quản lý và đánh giá tài sản thế chấp cũng như công tác thu hồi nợ. Trong thời gian qua, quan hệ tín dụng giữa hệ thống ngân hàng và cộng động doanh nghiệp có nhiều khó khăn, bất cập. Để phá vỡ tảng băng về tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp thì một trong những vấn đề cần giải quyết là xử lý nợ xấu. Ông Vi Văn Việt, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Tổng dư nợ của ngân hàng hiện nay khoảng 2.400 tỷ đồng, trong đó dư nợ của 17.958 khách hàng cá nhân, hộ gia đình khoảng 1.042 tỷ đồng, dư nợ của 194 khách hàng doanh nghiệp là 1.348 tỷ đồng, chiếm 56,4% tổng dư nợ. Hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản, xuất kinh doanh dẫn đến không thực hiện được việc trả nợ vay và lãi ngân hàng đúng theo thời hạn cam kết, từ đó chuyển sang nợ quá hạn, nợ xấu. Hiện tại có 8 đơn vị doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng đang rơi vào tình trạng nợ xấu. Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Lạng Sơn Hiện có 8 doanh nghiệp và một đơn vị hành chính nhà nước có quan hệ tín dụng, với tổng dư nợ hiện nay vào hơn 700 tỷ đồng. Trong đó có 4 doanh nghiệp tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, không có khả năng trả nợ đúng hạn theo cam kết. Ngoài các ngân hàng trên, thì hầu như ngân hàng thương mại nào trên địa bàn tỉnh cũng đang mắc những món nợ xấu, từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Vừa qua, các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại và cộng đồng doanh nghiệp tìm các giải pháp thiết thực để giải quyết tình trạng nợ xấu như hiện nay.
Các phương án giải quyết
Trong thời gian qua, nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra để xử lý vấn đề nợ xấu, gần đây nhất là Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 về Phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”. Theo Quyết định, mục tiêu của việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ. Phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay.
Đồng thời, đưa ra một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu đặt ra, như: các ngành công thương và kế hoạch đầu tư cần chú trọng thực hiện hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tổ chức, quản lý và phát triển có hiệu quả thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước. Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng sản xuất trong nước trên thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn, khuyến khích doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước và đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài, ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác. Tập trung mở rộng thị trường có tiềm năng, trình cấp có thẩm quyền quyết định. Thực hiện hiệu quả các giải pháp trên sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua cơn khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, từ đó nợ xấu sẽ dần được giải quyết. Về phía các ngân hàng tỉnh, từ đầu năm đến nay cũng đã tăng cường thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết nợ xấu. Các ngân hàng tích cực phân tích, đánh giá và cơ cấu lại các khoản nợ, điều chỉnh lãi suất.
Bà Trương Thu Hòa, Trưởng Phòng nghiên cứu tổng hợp và Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Đến nay, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 300 tỷ đồng, chiếm 3% tổng dư nợ toàn địa bàn, trong đó khách hàng doanh nghiệp là 225 tỷ đồng. Điều chỉnh lại lãi suất về 13%/năm là 3.406 tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp tham gia tổ chức nhiều buổi tọa đàm gặp mặt doanh nghiệp để cùng phân tích tìm những giải pháp giải quyết nợ cũ, nợ xấu và tiếp tục thực hiện quan hệ tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh. Sự phối hợp thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu một cách đồng bộ của các ngành chức năng và hệ thống ngân hàng, hy vọng rằng vấn đề nợ xấu sẽ sớm được giải quyết, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
ANH DŨNG
Ý kiến ()