Xử lý nợ: Nhiều cách làm hay ở Ngân hàng Chính sách Xã hội
LSO- Song song với việc cho vay vốn kịp thời, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã thực hiện nhiều cách làm trong công tác xử lý thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn. Từ đó, đảm bảo thu hồi vốn, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn.
Thực hiện các biện pháp xử lý, thu hồi nợ, những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã phối hợp thực hiện nhiều biện pháp: tuyên truyền, vận động, kiểm tra, kiện toàn, nâng cao vai trò của các tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện các đề án, phương án thu hồi nợ… Tuy nhiên, với dư nợ lớn, nợ quá hạn có nguy cơ tăng như thời điểm hai tháng đầu năm 2015, nợ quá hạn tăng 188 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2014 do vậy, để nâng cao hiệu quả xử lý, thu hồi nợ, từ năm 2014 đến nay, chi nhánh có thêm nhiều cách làm thiết thực, cụ thể hơn. Đó là thực hiện tổng hợp, phân tích các khoản nợ đến hạn, dự kiến trước biện pháp xử lý; giao chỉ tiêu giảm nợ quá hạn cho các phòng giao dịch và phân công lãnh đạo tham gia trực tiếp công tác xử lý nợ tại các địa bàn có nợ quá hạn lớn.
Người dân trả nợ vay tại điểm giao dịch xã Gia Cát, Cao Lộc
Theo đó, công tác phân tích nợ được thực hiện theo tháng, quý, năm của từng phòng giao dịch, từng địa bàn xã và tổ chức hội nhận uỷ thác. Đến nay, chi nhánh đã tổng hợp xong nợ đến hạn đến cuối năm, trong đó nợ đến hạn quý III/2015 là 8.009 món với số tiền 150.762 triệu đồng. Trên cơ sở những số liệu này, chi nhánh đang tích cực chỉ đạo các phòng giao dịch chủ động triển khai, thực hiện xử lý, thu hồi nợ.
Trong thực hiện chỉ tiêu giảm nợ quá hạn, chi nhánh giao cho mỗi đơn vị giảm 40% nợ quá hạn, tương ứng toàn chi nhánh phải giảm tối thiểu 3.205 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2014. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cao Lộc cho biết: Bám sát chỉ tiêu giao, phòng giao dịch đã phối hợp chặt chẽ với ban thu hồi nợ các xã, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện các các biện pháp xử lý, thu hồi nợ phù hợp, kịp thời. Đặc biệt là đối với các hộ vay có khả năng trả nợ nhưng chây ì, phòng giao dịch phối hợp với tổ chức hội mời lên trụ sở UBND xã, thị trấn động viên, nhắc nhở, cho viết cam kết trả nợ… Bên cạnh đó, thực hiện phối hợp với người thân trong hộ gia đình của người vay để nhờ động viên, nhắc nhở trả nợ.
Với công tác chỉ đạo, chi nhánh tăng cường việc chỉ đạo, giám sát trực tiếp về công tác xử lý, thu hồi nợ. Ngay từ năm 2015, Giám đốc Chi nhánh tỉnh đã phân công lãnh đạo chi nhánh và các trưởng, phó phòng chuyên môn nghiệp vụ trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ tại 10/10 phòng giao dịch huyện. Đối với địa bàn thành phố có nợ quá hạn cao, chi nhánh thành lập 2 tổ đôn đốc thu hồi nợ do 2 phó giám đốc làm tổ trưởng.
Ông Vương Văn Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Chi nhánh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời trong công tác xử lý, thu hồi nợ. Trong đó, tập trung chỉ đạo xử lý đối với những đơn vị có nợ quá hạn cao như: thành phố Lạng Sơn, Bình Gia, Tràng Định. Từ chỉ đạo sát sao, nhiều giải pháp tích cực, công tác xử lý, thu hồi nợ đã đạt những kết quả nhất định. Đến nay, 9/11 đơn vị có nợ quá hạn giảm. Tổng nợ quá hạn toàn chi nhánh còn 5.263 triệu đồng, giảm được 4.550 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2014, giảm 1.081 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2014 (tỷ lệ giảm từ 0,34% xuống còn 0,26%).
Hiện nay, Chi nhánh tiếp tục tăng cường các biện pháp xử lý, thu hồi nợ, phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm nợ quá hạn xuống dưới 0,2% tổng dư nợ.
Bài, ảnh: LÂM NHƯ
Ý kiến ()