Xử lý, nghiêm trị những vụ buôn lậu lớn để làm gương
Xử lý, nghiêm trị những vụ buôn lậu lớn để làm gương cho đối tượng khác; địa phương nào để xảy ra buôn lậu lớn, lặp đi lặp lại, gây nhức nhối, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định. Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2015, diễn ra ngày 29/1.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước.
Diễn biến phức tạp
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, những tháng đầu năm 2014, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phức tạp trên các tuyến và địa bàn cả nước. Nổi bật là tình trạng vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường mòn, lối mở, sông, kênh biên giới, với thủ đoạn phổ biến là lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư với khu kinh tế cửa khẩu, hàng hóa trao đổi qua biên giới, hàng tạm nhập tái xuất, hàng xuất được hoàn thuế VAT…
Trong nội địa, tình trạng sản xuất, bày bán, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng diễn ra tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Qua công tác đấu tranh, chống buôn lậu, các lực lượng chuyên trách đã phát hiện, bắt giữ, thu nộp vào ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, một vấn đề nổi lên rất đáng quan tâm là số vụ xử lý hình sự chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số vụ việc vi phạm mà các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ. Đối với các vụ đã khởi tố thì chủ yếu liên quan đến tội vận chuyển ma túy, hàng cấm, rất ít vụ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tội trốn thuế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do việc thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi vi phạm rất khó khăn, công tác phối hợp xác minh, điều tra sâu giữa các cơ quan chức năng còn thiếu đồng bộ, chưa có kết nối tốt, dẫn đến nguy cơ có thể bỏ lọt tội phạm điển hình là vụ bắt giữ 8 tấn bao bì giả tại Hà Nội, 100 tấn hàng lậu tại Lạng Sơn.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, phải xử phạt hành chính thật nặng, nếu không đủ tiền nộp thì phải ngồi tù như vậy mới đủ sức răn đe các đối tượng buôn lậu.
Đẩy mạnh hợp đồng tác chiến giữa các lực lượng chống buôn lậu
Về giải pháp trong thời gian tới, BCĐ 389 quốc gia xác định cần xã hội hóa công tác chống buôn lậu qua việc trao đổi thông tin giữa các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính để phòng chống tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương, gắn trách nhiệm người đứng đầu và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hay tiếp tay, bao che cho buôn lậu; phối hợp với cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đưa tin ngay các vụ việc lên cơ quan truyền thông nhằm ngăn chặn “chạy chọt”, “xin xỏ” của các đối tượng buôn lậu.
Lãnh đạo tỉnh Long An ủng hộ chủ trương tiêu hủy thuốc lá nhập lậu của Chính phủ tuy nhiên, cần phải làm ngay vì các kho chứa thuốc lá nhập lậu của tỉnh Long An đã quá đầy, không còn nơi để. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ ứng trước tiền để cho địa phương tiêu hủy ngay thuốc lá nhập lậu không để tồn kho.
Còn theo Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Ngọc Túc, muốn chống buôn lậu hiệu quả, cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan đến công tác này. Như lực lượng hải quan khi phát hiện buôn lậu đã xử lý nghiêm, công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông.
Năm 2014, số thu ngành Hải quan vượt 29 nghìn tỷ, trong số đó có đóng góp lớn của công tác chống buôn lậu của hải quan với lực lượng công an như xe ô tô nhập lậu…
Xác định trách nhiệm người đứng đầu
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò, trách nhiệm, kết quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2014, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là thu nộp ngân sách, chống thất thu thuế, hỗ trợ sản xuất trong nước, giảm tác hại đến sức khỏe nhân dân với việc ngăn chặn dược phẩm, thực phẩm chức năng kém chất lượng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là, một số ít cấp ủy chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ để chỉ đạo, xử lý công tác này thật sự hiệu quả, có hiện tượng vì lợi ích cục bộ đã làm ngơ, bao che, trục lợi, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.
Về phương hướng năm 2015, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các lực lượng chức năng và địa phương cần nhận thức rõ hơn công tác này để đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời tuyên truyền rộng rãi để nhân dân nhận biết rõ hơn âm mưu, thủ đoạn của buôn lậu, không tiếp tay buôn lậu.
Phó Thủ tướng nêu rõ: đánh mạnh vào các đầu nậu, phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác buôn lậu, xử lý tội buôn lậu và gian lận thương mại phải nghiêm hơn, đồng thời hoàn thiện chính sách biên mậu, rà soát lại cơ chế chính sách pháp luật hiện hành để xem xét sửa đổi nếu thấy không hợp lý; xác định rõ vai trò và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
Cụ thể, địa phương nào để xảy ra buôn lậu lớn, lặp đi lặp lại, gây nhức nhối, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định. Giáo dục tư tưởng chính trị, đi liền với thanh tra, kiểm tra nội bộ các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, không để bị tha hóa, mua chuộc cán bộ tiếp tay cho buôn lậu.
Đồng thời, xử lý, nghiêm trị những vụ buôn lậu lớn để làm gương cho đối tượng khác; bắt được buôn lậu phải đăng báo ngay để không cho đối tượng phạm tội “chạy chọt”, “xin xỏ”.
Theo CPV
Ý kiến ()