Xử lý nghiêm nạn trộm cắp hàng hóa tại cảng Sài Gòn
Trắng trợn ăn cắp hàng hóa
Cảng Sài Gòn (CSG) có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của TP Hồ Chí Minh và cả khu vực phía nam, với tổng diện tích mặt bằng là 570 nghìn m2 gồm năm bến cảng (Nhà Rồng, Khánh Hội, Tân Thuận I, Tân Thuận II và Cần Thơ) với 2.830 m cầu tàu, 250 nghìn m2 bãi, và 80 nghìn m2 kho hàng, mỗi năm bốc dỡ hàng chục triệu tấn hàng hóa các loại.
Tuy nhiên, tại đây đang phải đối phó với tình trạng trộm cắp, gian lận hàng hóa làm ảnh hưởng đến uy tín hoạt động của cảng. Kết quả điều tra mới đây của lực lượng bảo vệ cảng và các đơn vị chức năng cho thấy, phần lớn đối tượng trộm cắp, gian lận hàng hóa để trục lợi thường là công nhân thuê thời vụ từ bên ngoài, lái xe, thậm chí cả chủ hàng đã câu kết với nhau. Thủ đoạn của chúng là lợi dụng những kẽ hở trong khâu bốc xếp, đo đếm hàng hóa, phương tiện đo đạc hoặc sự kiểm soát không chặt chẽ của cán bộ giám sát để ăn bớt, thu giấu hàng hóa rồi tuồn ra ngoài bán lấy lời. Với những thủ thuật tinh vi, kẻ gian đã nhiều lần ăn bớt số lượng hàng rất lớn.
Thí dụ: Một tàu nhập 10 nghìn tấn phân bón từ nước ngoài về nhưng khi về đến cảng lại khai làm mất giấy tờ và khai số hàng chở chỉ khoảng chín nghìn tấn. Số lượng một nghìn tấn hàng dư ra sẽ được đơn vị vận chuyển, chủ hàng câu kết để ăn bớt đồng thời làm thủ tục để đơn vị bảo hiểm xác nhận và đền số tiền đúng bằng số lượng hàng hóa đã bị “bốc hơi”.
Ngày 22-4-2011, đội bảo vệ và trực ban cảng Tân Thuận II đã bắt quả tang lái xe Cù Văn Thế, người giao hàng Nguyễn Hương và tổ trưởng tổ bốc xếp Phạm Thị Huệ đã câu kết gian lận tổng cộng 203 kg trong lô hàng phân bón của Công ty Nguyên Ngọc. Mặc dù đã bị lập biên bản xử phạt nhưng chỉ sau đó hai ngày, các đối tượng này lại tiếp tục móc nối với nhau tiếp tục gian lận thêm của chủ hàng 290 kg phân đạm đưa ra ngoài tiêu thụ.
Ngoài ra, nhiều kiểu gian lận khác cũng được các đối tượng “áp dụng” như: Xe nhận hàng bao thì gian lận số bao bằng cách giảm số lượng kg trong bao nhưng lại tăng số lượng bao lên. Thí dụ một xe 800 bao thì khi lên cân khoảng 40 tấn (một bao khoảng 50 kg) chưa kể trọng lượng số bao bì. Công nhân đóng bao sẽ giảm số lượng kg trong một bao để tăng số bao. Khi lên cầu cân điện tử của cảng số lượng vẫn giữ nguyên. Số thừa ra các đối tượng bán và chia lời. Ngoài ra, lái xe chở hàng cũng thường ăn cắp hàng bằng cách gian lận trọng lượng xe bằng cách, trước khi xe lên cân điện tử tại cảng lái xe cho bơm nước vào thùng chứa nước của xe, trong khi chờ lấy hàng thì xả nước ra. Như vậy, trung bình một xe chở khoảng 40 tấn nhưng với hành vi trộm cắp này, số hàng chất lên xe sẽ vượt quá con số trên. Lượng hàng chênh lệch này dĩ nhiên sẽ bị ăn cắp. Trên các tàu chở hàng cập bến, nếu ăn bớt hàng hóa, các đối tượng lại lợi dụng đo trọng lượng hàng theo mớn nước. Đây là cách đo phổ biến hiện nay trên các tàu nhưng do sai số rất lớn nên hàng vẫn liên tục bị thất thoát…
Tình trạng ăn cắp hàng đã đóng gói trong công-ten-nơ diễn ra còn trắng trợn hơn. Trong tháng 8, Hiệp hội Điều Việt Nam đã gửi văn bản “kêu cứu” tới Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công an về tình trạng trên. Mới đây, Công ty Donafood Đồng Nai đã bị các đối tượng “rút ruột” mất 538 thùng điều xuất khẩu trị giá hơn 1.000 USD; tháng 10-2010, Công ty Long Sơn cũng báo mất hơn 16 tấn hàng, trị giá 135 nghìn USD. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, từ năm 2007 đến nay, hơn 20 doanh nghiệp khi xuất hàng ra nước ngoài đã bị bọn trộm cắp dùng dụng cụ phá niêm phong và ăn cắp lượng hàng trị giá hơn 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý các đối tượng này rất khó khăn vì chúng ra tay rất chuyên nghiệp và có tổ chức. Điều này không chỉ làm các doanh nghiệp thiệt hại về doanh thu mà còn mất uy tín với các đối tác nước ngoài vì khi bị mất hàng họ thường nghĩ, phía doanh nghiệp Việt Nam không trung thực. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những loại hàng nhập khẩu dạng rời, chưa đóng gói như: Phân bón, đường, gạo, bã cám, đậu… thường bị các đối tượng tìm cách ăn bớt nhất.
Cần các giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn
Theo lãnh đạo cảng Sài Gòn, tình trạng nhức nhối này đã diễn ra nhiều năm nay, doanh nghiệp cũng áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn chưa giảm. Thủ đoạn trộm cắp ngày càng tinh vi nên rất khó phát hiện. Đội bảo vệ của Cảng cho biết, khi những hành vi gian lận này được phát hiện và ngăn chặn thì các đối tượng lại thay cách khác tinh vi, khó phát hiện hơn.
Nhiều năm qua, CSG đã tiến hành lập biên bản và xử lý nhiều trường hợp nhưng còn quá ít so với thực tế các vụ trộm cắp, gian lận xảy ra. Các vi phạm chưa được xử lý theo đúng quy định, người giải quyết không đúng thẩm quyền, mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, việc phát hiện các sà-lan, xe tải lấy cắp hàng hóa cũng rất khó khăn vì thủ đoạn rất tinh vi, trong khi nhiều nguyên nhân gây thất thoát hàng hóa nằm ngoài khả năng và trách nhiệm của CSG.
Một cán bộ bảo hiểm của một công ty bảo hiểm tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Không chỉ ở CSG, tình trạng ăn cắp còn diễn ra ở các cảng khác nên trong những năm qua, đơn vị này luôn phải thực hiện các hợp đồng đền bù mất mát hàng hóa dẫn đến thua lỗ trong kinh doanh, nhiều đơn vị bảo hiểm đã cắt hợp đồng với chủ hàng hoặc chỉ ký với những chủ hàng uy tín.
Để chấn chỉnh và hạn chế tình trạng mất cắp trên, CSG đã áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ như xây dựng quy chế phối hợp, quy trình giao nhận hàng đồng thời triển khai, giám sát chặt chẽ và thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm. Khi phát hiện hành vi gian lận, trộm cắp hàng hóa sẽ tiến hành xử lý đúng quy trình nghiệp vụ. Hằng tháng, hằng tuần, cảng tổ chức họp lực lượng bảo vệ, đơn vị giao nhận để đề ra các biện pháp ngăn ngừa kịp thời; đã thành lập ban “Giảm thiểu hao hụt hàng hóa” gồm lãnh đạo cảng với chủ hàng, giám định, bảo vệ… để đề ra các giải pháp ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận; lắp đặt thêm hệ thống an ninh như: ca-mê-ra, cân treo điện tử đồng thời thường xuyên luân chuyển nhân viên làm việc tại cầu cân; phối hợp với công an tiến hành xử lý các vụ gian lận khi lập biên bản xử lý vi phạm.
Theo chúng tôi, ngoài những giải pháp CSG đang thực hiện, lực lượng công an cần vào cuộc phối hợp hiệu quả hơn nữa để sớm ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời cảng cần cải tiến, hoàn thiện khâu nhập hàng, bốc xếp, đóng gói với nhiều quy trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Giáo dục ý thức trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng khâu bốc xếp, lưu kho, vận chuyển hàng hóa. Xử lý nghiêm, buộc thôi việc và truy tố những kẻ cố tình trộm cắp, gây hậu quả nghiêm trọng
Ý kiến ()