Xử lý nghiêm hành vi sai phạm của tàu giã cào "bay" ở Bình Thuận
|
Để kéo GCB, các tàu cá phải có công suất lớn, phần lớn từ 90 CV trở lên. Ở thị xã La Gi (Bình Thuận), có tàu cá hành nghề GCB đã trang bị máy có tổng công suất lên đến 800 CV. Nhờ phần lưới giã được cải tiến nhẹ hơn, có tàu “khỏe” hơn, nên tốc độ kéo của GCB nhanh hơn từ 1,5 đến hai lần so với giã cào truyền thống (ngư dân gọi GCB là vậy, tức là nhanh hơn giã cào tầng đáy, đang kéo giã mà như là bay trên mặt biển). Nhờ vậy, nghề GCB khai thác hiệu quả hơn so với nghề giã cào truyền thống và nhiều nghề khác.
Từ năm 2000, vùng biển Bình Thuận có GCB từ các tỉnh khác đến khai thác. GCB là nghề được phép hoạt động, nhưng phải tuân thủ một số quy định chung. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 200 tàu cá hành nghề GCB, trong đó, ngành chức năng của tỉnh đã cấp phép cho 190 chiếc, tức 95 cặp GCB (để kéo GCB phải có hai tàu).
Theo Nghị định số 33 ngày 31-3-2010 của Chính phủ, trừ một số nghề khai thác đặc thù, thì các tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên chỉ được khai thác thủy sản ở vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Theo sự phân chia vùng biển này, vùng khơi ở Bình Thuận, nơi cách bờ gần nhất cũng khoảng 40 hải lý. Vào mùa cá nam hằng năm (từ tháng 7 đến tháng 10), khi nhiều loài thủy sản “ép” sát vào vùng biển ven bờ ở Bình Thuận đã “hút” theo nhiều loại thuyền nghề khai thác ở vùng biển này, trong đó có GCB. Cá nhiều, chi phí thấp, chỉ cần “tối đi, sáng về”, có chuyến biển, mỗi cặp GCB thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng, cho nên họ bất chấp việc vi phạm vùng biển cấm khai thác. Mùa cá nam cũng là thời điểm chính trong năm giúp số đông ngư dân nghèo chỉ có thuyền nhỏ, chuyên hành nghề câu, lưới rê… có thu nhập khá. Do vậy, đây cũng là thời điểm thường xuyên xảy ra va chạm, xung đột giữa những bà con ngư dân nghèo và các tàu GCB.
Khai thác ở vùng biển ven bờ, các tàu GCB gây tổn hại nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản trong mùa sinh sản. Có tốc độ lớn, thao tác nhanh và khai thác một cách vụng trộm, cho nên GCB sẵn sàng kéo phăng tất cả mọi thứ trong lúc hành nghề, dù đó là lưới rê, dây câu của bà con ngư dân khác… Ông Phạm Chín ở khu phố Hải Tân 2, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong cho biết: Sáng ngày 3-8 vừa qua, khi tàu cá của ông và một số ngư dân khác định ra khu vực thả chà cách bờ khoảng chín hải lý để đánh bắt, phát hiện một cặp GCB đã “hớt tay trên” và làm hư hại chín cội chà. Phí tổn để tạo ra mỗi cội chà như thế không ít hơn tám triệu đồng.
Liên quan vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Long, chủ tàu cá BTh 86876 TS ở thị trấn Phan Rí Cửa, cho biết thêm: Khi thấy các cội chà bị phá, tàu của ông đã chạy lại gần cặp GCB trên yêu cầu dừng lại, nhưng họ vẫn tăng tốc kéo giã và dùng hung khí đe dọa các tàu cá là chủ các cội chà. Một tàu trong cặp GCB này còn quay lại, lao thẳng vào tàu cá ông Long, làm cho tàu cá này bị vỡ lá phủ, gãy be vành, dự tính thiệt hại hơn mười triệu đồng.
Sự va chạm trên biển như vậy không còn là chuyện hiếm ở vùng biển Bình Thuận trong nhiều năm qua.
Nhiều năm qua, tỉnh Bình Thuận có sự quan tâm đúng mức trong việc chấn chỉnh hoạt động của GCB và đó là nhiệm vụ chính của lực lượng Thanh tra thủy sản (TTTS). Chánh TTTS tỉnh Bình Thuận Lê Thanh Bình cho biết: Mặc dù lực lượng mỏng, phương tiện hoạt động hạn chế, nhưng TTTS tỉnh thường xuyên bám biển tuần tra, kiểm soát nhằm hạn chế sự vi phạm của GCB. Bình quân mỗi năm, TTTS Bình Thuận bắt giữ, xử lý khoảng 100 vụ tàu cá hành nghề GCB vi phạm vùng biển không được phép khai thác. Cũng theo ông Bình, mức xử phạt của Bình Thuận đối với các cặp GCB vi phạm được cho là “nặng” so với nhiều tỉnh có biển khác. Vận dụng Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29-3-2010 của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản”, mức phạt thấp nhất của Chánh TTTS Bình Thuận đối với mỗi vụ GCB vi phạm là 20 triệu đồng. Vi phạm nặng hơn, tước giấy phép từ sáu tháng đến một năm. Nếu tái phạm (không có giấy phép), mức phạt sẽ gấp hai lần. Nhờ đó, phần nào hạn chế được sự lộng hành của GCB. Nhiều tàu GCB ở Hòa Phú đã trở lại hành nghề giã cào tầng đáy.
Tuy nhiên, do thu nhập của mỗi chuyến biển quá hấp dẫn (có lúc hơn 100 triệu đồng/chuyến), cho nên nhiều cặp GCB vẫn bất chấp, tìm mọi cách đối phó lực lượng chức năng. Đội trưởng Đội TTTS số 1 ở huyện Tuy Phong Nguyễn Bá Tuận cho biết: Các chủ tàu GCB luôn “cử” người theo dõi mọi động tĩnh của lực lượng TTTS 24/24 giờ. Khi TTTS chuẩn bị tuần tra kiểm soát, các tàu GCB đang khai thác vi phạm trên biển sẽ được “nối mạng”, tức tốc thu giã và di chuyển ra khỏi vùng biển bị cấm, trở nên vô can…
Không chỉ cố tình vi phạm và tìm cách đối phó, nhiều tàu GCB còn sẵn sàng chống trả lực lượng TTTS, coi thường pháp luật và tính mạng của những người đang thi hành công vụ. Vào trưa 28-7 vừa qua, xảy ra vụ GCB chống người thi hành công vụ ở vùng biển Cam Bình, thị xã La Gi. Theo TTTS Bình Thuận, khi phát hiện cặp GCB mang số hiệu BTh 98457 TS và BTh 98458 TS đang khai thác cách bờ chỉ 1,5 hải lý, ca-nô của Đội TTTS số 3 ở thị xã La Gi đã phát tín hiệu cập mạn kiểm tra. Thuyền trưởng tàu BTh 98458 TS Huỳnh Quốc Tạo đã cầm mảnh ván ra mạn tàu đe dọa và các thuyền viên dùng vòi nước xịt mạnh để ngăn ca-nô tiếp cận. Lúc ba cán bộ TTTS nhảy sang tàu này, ông Tạo cùng 14 thuyền viên xông vào đánh tới tấp và hất văng anh em xuống nước. Sau đó, những người trên tàu GCB này còn dùng hung khí, vật cứng ném sang ca-nô của TTTS và chạy ra khơi lẩn trốn. Hậu quả, ba cán bộ TTTS bị đa chấn thương do những người trên tàu GCB hành hung; một máy định vị trên ca-nô của TTTS hư hỏng do bị xịt nước và vật cứng ném trúng. Lực lượng chức năng xác định hai tàu GCB vi phạm trên là của ông Lê Ân Tình ở khu phố 7, phường Bình Tân, thị xã La Gi.
Rõ ràng, tình trạng tàu cá hành nghề GCB vi phạm vùng biển không được phép khai thác đã trở thành vấn nạn thật sự trên vùng biển Bình Thuận. Nguy hiểm hơn, nhiều người trên tàu GCB vi phạm còn hung hăng chống lại người thi hành công vụ. Ở đây, có một phần nguyên nhân: Do các cơ quan chức năng ở Bình Thuận chưa xử lý thỏa đáng đối với nhiều trường hợp tàu GCB chống người thi hành công vụ ở những năm trước, cho nên tạo tiền lệ xấu. Nhiều bà con ngư dân và lực lượng TTTS ở Bình Thuận mong các ngành chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm đối với những tàu GCB vi phạm. Có như vậy, mới đủ sức răn đe những kẻ coi thường pháp luật, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản, giữ gìn trật tự, trị an trên biển.
Ý kiến ()