Xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ có hành vi tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ
Thuốc an thần dùng để tiêm vào heo tại một lò mổ ở TP. Hồ Chí Minh bị phát hiện
Ngày 28/9, Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) cùng một số cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện số lượng lớn heo tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ ở một lò mổ tại TP. Hồ Chí Minh. Mục đích hành vi trên là để cho thịt heo có màu sắc thật bắt mắt, đỏ tươi hơn bình thường, ít mỡ, tươi dẻo…
Việc tiêm thuốc an thần ngay trước khi giết mổ là hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đồng thời lượng thuốc tồn dư trong thịt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Để chấm dứt hành vi tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai ngay việc tổ chức tuyên truyền cho các cơ sở giết mổ và đối tượng liên quan về nguy cơ, tác hại của việc tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ; các chế tài xử lý khi phát hiện hành vi trên.
Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm; tổ chức cho các cơ sở giết mổ ký cam kết không thực hiện việc tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ, công bố công khai các cơ sở giết mổ đã ký cam kết trên địa bàn. Tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ của cơ quan thú y trong việc giám sát hoạt động của các lò mổ, kiểm soát giết mổ tại các lò mổ; kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh các sản phẩm thuốc an thần dùng trong thú y.
Tổ chức các đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ có hành vi tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ, đồng thời thông báo cơ sở sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động thanh, kiểm tra đột xuất, liên ngành thực hiện dựa trên việc thu thập và xử lý nguồn thông tin trinh sát của lực lượng công an, các kênh tiếp nhận tố giác hành vi vi phạm tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ của các tổ chức, cá nhân,…
Tổ chức thực hiện có hiệu quả theo điểm b khoản 1 của Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước cấp dưới, kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Lãnh đạo các cấp từ xã…phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn./.
Ý kiến ()