Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn thường xuyên xảy ra ngập úng mỗi khi mưa lớn. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc đi lại cũng như sinh hoạt của người dân, thậm chí gây thiệt hại về kinh tế cho nhiều gia đình trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý ngập úng vẫn chỉ dừng lại ở mức cục bộ. Do vậy, các đơn vị liên quan rất cần có giải pháp giải để từng bước quyết tình trạng trên.
Tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố đã xảy ra hàng chục năm nay. Thế nhưng, tình trạng trên không những giảm đi mà ngày càng có phần nghiêm trọng hơn. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần có giải pháp xử lý mang tính đột phá hơn.
Theo ghi nhận từ nhiều người dân sinh sống tại khu vực cầu chui đường Ngô Quyền, phường Vĩnh Trại, tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn xảy ra tại đây đã hàng chục năm. Theo nhiều người dân sinh sống tại đây, chỉ cần mưa lớn kéo dài trong khoảng 1 - 2 giờ đồng hồ, nước mưa sẽ tích tụ tại điểm trên và gây ách tắc giao thông. Anh Dương Công Khanh, người dân sinh sống tại khu vực này cho biết: Cứ có mưa lớn là đường lại ngập, nước có khi lên cao đến hơn nửa mét. Trong khi đó, đây là tuyến đường chính có lượng phương tiện qua lại hằng ngày rất lớn, nhất là giờ cao điểm. Mỗi khi ngập úng như vậy, chúng tôi khi đi qua tuyến đường này lại phải đi đường vòng cách cả 2 - 3km, rất bất tiện. Tình trạng này diễn ra từ rất nhiều năm nay, nhưng đến giờ vẫn chưa được khắc phục.
Chỉ 1 điểm ngập úng tại cầu chui đường Ngô Quyền đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân cũng như hệ thống giao thông của khu vực. Tuy nhiên, theo thống kê của Chi nhánh Cấp thoát nước đô thị (phụ trách địa bàn thành phố), hiện toàn thành phố có đến 7 điểm thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ mỗi khi mưa lớn. Ngoài cầu chui đường Ngô Quyền, còn nhiều vị trí đã xảy ra ngập úng từ lâu nhưng những năm qua vẫn chưa được xử lý dứt điểm như: đường Lê Lợi (khu vực trước cổng ga Lạng Sơn); một số điểm trên đường Trần Đăng Ninh; đường Nguyễn Phi Khanh; Lê Hồng Phong; đường Nhị Thanh; đầu đường Mỹ Sơn - Ngô Quyền;... Bên cạnh đó, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, còn một số khu vực khác cũng thường xảy ra ngập úng nhưng chưa được thống kê như: Khu tái định cư Mỹ Sơn; tuyến đường Tam Thanh - Ngô Thì Sỹ;...
Đáng nói, việc xử lý các điểm ngập úng lâu năm chưa xong thì trên địa bàn lại xuất hiện thêm những điểm tương tự. Điển hình phải kể đến điểm ngập úng đường Bà Triệu (đoạn qua quán phở vịt Hải Xồm) và khu vực thôn Bản Viển (đặc biệt là khu dân cư ngõ 2), xã Hoàng Đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại khu dân cư ngõ 2 thôn Bản Viển, từ năm 2022 đến nay, khu vực trên thường xuyên bị ngập úng nặng. Trong đợt mưa ngày ngày 10/5/2022 và đợt mưa ngày 24 - 25/6/2023, khoảng 20 gia đình tại khu dân trên bị ảnh hưởng, nhiều tài sản có giá trị như: xe ô tô, xe máy, máy giặt, máy trộn bê tông, máy bơm, máy phát điện... bị hư hỏng nặng. Đến trận mưa ngày 30/7/2024 vừa qua, nước lại tiếp tục ngập úng trên 50cm, gây ảnh hưởng đến nhiều vật dụng, thiết bị của các hộ dân.
Qua khảo sát thực tế của chúng tôi về hệ thống thoát nước tại khu vực trên, nhiều đoạn mương, cống thoát nước từ khu vực cổng chào thôn đến sau Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng và khó có thể đảm bảo năng lực tiêu thoát khi xảy ra mưa lớn. Trong khi đó, khu vực trên có vị trí trũng so với các khu vực lân cận nên mỗi khi mưa lớn, phần lớn nước mưa từ các khu vực xung quanh đổ về đây gây ngập úng nặng.
Không chỉ xuất hiện các điểm ngập úng mới, một số vị trí ngập úng đã xuất hiện nhiều năm qua nhưng tình trạng trên càng nghiêm trọng hơn. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại khu vực ngã tư Phai Trần (đoạn nối từ đường Trần Đăng Ninh ra quốc lộ 1A), trận mưa lớn xảy ra ngày 30/7 vừa qua đã khiến khu vực trên ngập đến trên gần 1 mét và tràn vào nhà một số ngôi nhà. Tuy nhiên, vào khoảng 16 giờ ngày 1/8, sau khi mưa đã dừng 2 ngày thì nước tại khu vực trên vẫn chưa rút đáng kể. Qua quan sát tại thời điểm trên, khu vực bị ngập kéo dài khoảng 40 mét và chiều rộng khoảng 10 mét. Tại vị trí giữa lòng đường, mức độ ngập ước tính sâu khoảng 50cm. Nhiều xe máy, xe đạp điện qua đây đều phải chen chúc nhau lên vỉa hè, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh đó, nhiều xe ô tô khi đi qua tuyến này đều phải "ngậm ngùi" quay đầu đi đường vòng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Cư, chủ kinh doanh quán ăn tại đây bức xúc: Trước đây, mỗi khi mưa lớn thì chỉ khoảng 2 tiếng là nước rút hết. Đến năm nay thì mưa dứt 2 ngày rồi vẫn ngập. Đây là đường lớn mà cứ có mưa là ngập, nhìn giống một chiếc ao vậy, mỗi khi có xe ô tô tải đi qua, sóng nước lại từ lòng đường "lao" thẳng vào nhà tôi. Vì vậy mà việc kinh doanh của gia đình đã phải dừng hơn 2 ngày nay.
Từ thực tế có thể thấy, tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đang ngày càng có phần nghiêm trọng hơn so với những năm trước đây, gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống giao thông của thành phố cũng như sinh hoạt của người dân. Trước tình trạng trên, từ tháng 9/2023, Sở Xây dựng tỉnh đã chủ trì phối hợp với UBND thành phố, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn và một số đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát đối với 7 điểm ngập úng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Qua công tác khảo sát, đánh giá, đơn vị đã đưa ra nguyên nhân chính khiến tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn ngày càng nghiêm trọng. Theo nội dung tại Báo cáo số 326/BC-SXD ngày 18/9/2023 của Sở Xây dựng về việc xử lý ngập úng cục bộ khi có mưa lớn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, nguyên nhân lớn nhất đến từ việc tốc độ đô thị hóa tại thành phố ngày càng tằng nhanh dẫn đến nhiều ao, hồ, ruộng lúa với vai trò là "túi trữ nước" khi mưa lớn bị san lấp. Do đó, khi có mưa với cường độ lớn, mưa kéo dài thì tình trạng ngập úng cục bộ lại xảy ra, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, những năm qua, hệ thống thoát nước tại nhiều khu đô thị trên địa bàn như Khu đô thị Nam Hoàng Đồng, Khu đô thị Phú Lộc I, II, III, IV và một số khu đô thị khác đã được đấu nối vào hệ thống chung của thành phố từ lâu, dẫn đến tình trạng hệ thống thoát nước xuống cấp và không đảm bảo về khả năng tiêu thoát khi xảy ra mưa lớn.
Kết quả khảo sát của Sở Xây dựng chỉ rõ, giữa hệ thống thoát nước của nhiều khu đô thị và hệ thống thoát nước chung của thành phố chưa có sự đồng bộ. Đơn cử như đối với Khu đô thị Phú Lộc IV, phần lớn nước từ Khu đô thị Phú Lộc IV được thoát ra đường Trần Đại Nghĩa theo tuyến cống D1500 (cống có đường kính 1.500mm), sau đó thoát qua cống D800 rồi ra cửa xả suối Lao Ly. Khi có mưa lớn, do tiết diện cống tại hạ lưu bị thu nhỏ nên không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, khiến nước chảy tràn ngược lên đường Trần Đại Nghĩa gây ngập úng cục bộ.
Một ví dụ khác là tại điểm ngập úng đường Bà Triệu (đoạn qua quán phở vịt Hải Xồm). Khu vực trên tập trung nước mưa từ Khu Đô thị Nam Hoàng Đồng I và Dự án Điều chỉnh, mở rộng Khu đô thị Nam Hoàng Đồng I theo tuyến cống D1500 và một số tuyến lân cận sử dụng cống D1000. Tuy nhiên, tại khu vực hạ lưu tuyến thoát nước tại đường Bà Triệu, hiện trạng hệ thống vẫn đang sử dụng cống D1200. Do thu nước từ nhiều khu vực với lượng nước lớn nên sự thu nhỏ về tiết diện cống tại phía hạ lưu khiến hệ thống không đảm bảo về khả năng tiêu thoát. Do vậy, từ năm 2022 đến nay, mỗi khi mưa lớn, nước mưa không thoát kịp lại tràn ngược lên đường Bà Triệu gây ngập úng, ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sinh hoạt của các hộ dân tại đây.
Được biết, để xử lý tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố, từ cuối năm 2023, Sở Xây dựng tỉnh đã tích cực phối hợp với UBND thành phố và các đơn vị liên quan đánh giá tình hình ngập úng trên địa bàn thành phố. Qua nghiên cứu các kết quả khảo sát, tháng 9/2023, Sở Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp khắc phục đối với 7 điểm ngập úng đã khảo sát với khái toán mức kinh phí cụ thể.
Được biết, trên cơ sở nghiên cứu các đề xuất của Sở Xây dựng tỉnh, UBND thành phố Lạng Sơn đã giao Phòng Quản lý đô thị khảo sát, xây dựng phương án xử lý đối với một số điểm ngập úng trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào những giải pháp như: xây dựng các tuyến cống thoát nước mới; cải tạo lại hệ thống thoát nước tại một số khu đô thị; thay thế, cải tạo các tuyến cống thoát nước một cách đồng bộ, đảm bảo khả năng tiêu thoát...
Trên cơ sở đó, đến tháng 4/2024, Phòng Quản lý đô thị thành phố đã hoàn thành xây dựng phương án xử lý đối với các điểm ngập úng và triển khai một số dự án đầu tư xây mới, nâng cấp hạ tầng thoát nước trên địa bàn thành phố. Qua khái toán kinh phí, tổng mức đầu tư cho việc xử lý tại 6 điểm ngập úng là 37,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối với các điểm ngập úng cục bộ khác như: cầu chui đường Ngô Quyền; điểm ngập úng ngã tư Phai Trần; điểm ngập úng đường Bà Triệu (đoạn qua quán phở vịt Hải Xồm), hiện nay Phòng Quản lý đô thị thành phố đã khảo sát và có phương án sơ bộ và có khái toán với tổng mức đầu tư tương đối lớn. Do đó, Phòng đã tham mưu UBND thành phố trình UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn, đồng thời, tham mưu lãnh đạo UBND thành phố cân đối nguồn ngân sách để bổ sung. Bên cạnh đó, Phòng tiếp tục khảo sát tình trạng ngập úng tại một số vị trí khác trên địa bàn thành phố và sẽ sớm trình lãnh đạo UBND thành phố xem xét phương án xử lý.
Như vậy có thể thấy, đến nay, về cơ bản phương án xử lý đối với các điểm ngập úng nghiêm trọng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đều đã được các cấp, ngành xây dựng và triển khai bước đầu. Tuy nhiên, trước thực tế người dân vẫn phải "sống chung" với ngập úng từ năm này qua năm khác, các đơn vị liên quan cần chủ động các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng hệ thống thoát nước đã được phê duyệt, bố trí vốn. Đồng thời, có giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng thoát nước chung của thành phố đảm bảo về năng lực tiêu thoát cũng như đảm bảo tính đồng bộ. Từ đó, từng bước xử lý tình trạng ngập úng trên địa bàn, góp phần đảm bảo cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân, nhất là vào mùa mưa bão như hiện nay.
Ý kiến ()