Cảnh sát giao thông phối hợp Thanh tra giao thông kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở của lái xe.
Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng chỉ xảy ra tám vụ tai nạn giao thông. Các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông với việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông.
Nâng cao ý thức người tham gia giao thông
Thực hiện Tháng An toàn giao thông (ATGT) năm 2011, Hà Nội và Đà Nẵng là hai thành phố triển khai mạnh mẽ chuyên đề: “Phòng, chống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Tại Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử lý số người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn từ 0,25- 0,4mg/lít. Tại các quán bia, Phòng CSGT phối hợp các phường yêu cầu các chủ quán phải treo khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông”. Phòng CSGT đã bố trí lực lượng gần các khu vực có nhiều quán bia, quán nhậu để xử lý vi phạm. Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT, việc giải thích với người vi phạm trong tình trạng say xỉn thì rất khó khăn, vất vả. Đã có trường hợp phải bố trí tới 2-3 chiến sĩ và mất tới 30 phút, vừa yêu cầu thử nồng độ cồn, vừa giải thích cho người vi phạm nhìn thấy điểm sai, đồng ý ký biên bản. Đối với những trường hợp cố tình không chấp hành, hay có hành vi chống đối, chúng tôi sẽ lập thêm biên bản lỗi chống đối người thi hành công vụ, hay không chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát. Điều đáng ghi nhận là một số người đã có ý thức khi uống rượu, bia thì đi ta-xi. Số vụ tai nạn giao thông, số người chết, người bị thương trong toàn thành phố không tăng (xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông làm 26 người chết, năm người bị thương và giảm một vụ, so cùng kỳ năm 2010).
Với TP Đà Nẵng, trong hai nguyên nhân làm giảm tai nạn giao thông, thì việc phòng, chống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đặc biệt được coi trọng. Trong Tháng ATGT, Phòng CSGT phối hợp lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát trật tự, công an các địa phương và thanh tra giao thông lập các tổ kiểm soát, tổ tuần tra lưu động dừng xe kiểm tra 1.066 trường hợp, phát hiện và xử lý 31 trường hợp điều khiển phương tiện giao thông khi sử dụng rượu, bia quá mức độ cho phép, tạm giữ một xe ô-tô và 17 xe mô-tô. Lực lượng chức năng Đà Nẵng thực hiện tổng kiểm soát đối với xe ô-tô khách, ô-tô tải, xe ben chở đất và xe mô-tô, xử lý 3.210 trường hợp vi phạm. Các lỗi chủ yếu là xe không đủ điều kiện để lưu hành, chạy quá tốc đô quy định, lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô-tô, tránh, vượt sai quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, dừng đỗ sai quy định, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, biển số mờ, hoặc cố tình che lấp, xe thiếu các thiết bị an toàn, sai quy cách…
Trong Tháng ATGT, thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực nhờ Ban ATGT thành phố đã phối hợp các sở, ban, ngành thành phố thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Hưởng ứng hoạt động này, có 16 cơ quan, ban ngành thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện; có 19/24 quận, huyện lập chương trình kế hoạch và tổ chức lễ phát động. Từ đầu tháng 9-2011, các đơn vị, sở, ngành đã đồng loạt ra quân thực hiện Tháng ATGT. Công an thành phố tổ chức 18 buổi tuyên truyền cho các cơ quan, trường học, phát 200 tờ rơi tuyên truyền trong cuộc vận động xây dựng “Văn hóa giao thông”. Sở Giao thông vận tải đã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, kịp thời khắc phục các hư hỏng về mặt đường, kiểm tra hệ thống tín hiệu giao thông trên các trục đường; tiến hành kiểm tra xử phạt các nhà thầu, đơn vị thi công công trình đào đường vi phạm về tiến độ, chiếm dụng mặt đường… Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo 100% các trường học trong thành phố đều thành lập các Ban giáo dục trật tự ATGT; tổ chức đưa các hành vi vi phạm Luật ATGT vào trong những điều cấm đối với học sinh như một nội quy bắt buộc của nhà trường. Trong 15 ngày đầu, các đơn vị đã lập biên bản xử lý 63.365 trường hợp vi phạm, xử phạt 56.242 trường hợp với số tiền hơn mười tỷ đồng.
An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người
Chiều nào cũng vậy, giờ tan trường, tuyến phố Nhà Chung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thường xuyên ùn ứ giao thông và tắc đường. Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Quốc Khánh khẳng định: Nguyên nhân của tình trạng này là do, trên tuyến phố Nhà Chung có Trường tiểu học bán công Tràng An. Con phố vốn nhỏ, là đường một chiều, nhưng giờ tan trường phụ huynh đi đón con thường đỗ xe chiếm hết lòng, hè đường. Nhiều phụ huynh dừng xe máy, xe ô-tô giữa đường gây ùn tắc giao thông. Thậm chí, không chỉ bố, mẹ các cháu, có giáo viên trong trường cũng đi xe ngược chiều. UBND phường đã yêu cầu nhà trường phải cử các cô đưa đón các cháu, nhưng xem ra nhà trường phối hợp chưa tốt. Còn lực lượng công an và bảo vệ dân phố cũng chỉ có dăm người nên ngày nào đường không tắc thì cũng ùn ứ.
Câu chuyện kể trên chỉ là một thí dụ nhỏ trong vấn nạn của thành phố là “tan trường, tắc đường”. Có thể thấy, Tháng ATGT được phát động trong toàn thành phố chưa được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các cấp chính quyền, ban, ngành, cùng tình trạng thành phố có hơn 2.000 nút giao thông thì các nút đều vượt quá khả năng thông xe, nên tình trạng tắc đường có thể xảy ra bất kỳ tuyến đường nào do mưa ngập, tai nạn giao thông và nhất là ý thức người tham gia giao thông chưa tốt.
Song về tổng thể, chính quyền, lực lượng công an và chức năng có sự phối hợp đồng bộ. Vì vậy “Chúng tôi không “cô đơn” trong Tháng An toàn giao thông” – Đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng Công an quận Đống Đa khẳng định. Từ nhiều năm nay các phường Thổ Quan, Khâm Thiên và Ô Chợ Dừa đã có tổ tự quản đeo băng đỏ phối hợp Công an phường hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông đi đúng phần đường vào giờ cao điểm và tham gia giải quyết các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn, góp phần giảm bớt ùn tắc giao thông. Tại quận Hoàng Mai, Thượng tá An Thanh Bình, Phó trưởng Công an quận cho biết: Chúng tôi coi an toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người, cho nên lực lượng công an đã tham mưu cho các cấp chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền và phân công cụ thể. Đặc biệt, Công an quận đã liên tục ra quân “quét” các đối tượng “cò mồi” tại các Bến xe phía nam và Bến xe nước ngầm. Xử lý nghiêm các trường hợp lái, phụ xe ô-tô lòng vòng đón khách trên đường gây ùn tắc và tai nạn giao thông.
Từ ngày 1-9 đến nay, CSGT Hà Nội đã xóa bỏ các tụ điểm phức tạp về dừng, đỗ trái quy định ở 76-83 Nguyễn Chí Thanh; 42 Trần Phú; Cổng Bệnh viện Xanh Pôn; 40 Hàng Bài; Viện Mắt Trung ương… gây ách tắc giao thông; phạt tiền hơn sáu tỷ đồng (tăng 25% tổng số tiền phạt so cùng kỳ năm 2010); phối hợp cùng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động xử lý hơn 2.100 trường hợp thanh niên vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó đã bàn giao 267 vụ có dấu hiệu tội phạm để tiếp tục xác minh, điều tra, thu giữ 12 dao, lê, kiếm, mác, sáu dùi cui điện, ba bình xịt hơi cay, ba khóa số 8, hai gói tài mà, sáu bộ sử dụng ma túy (đập đá) và một bộ vam phá khóa…
Nhờ có giải pháp kiên quyết, triệt để và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương, nên trong Tháng ATGT, tại Đà Nẵng chưa xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt, tai nạn đường bộ giảm hẳn. Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng việc thực hiện Tháng ATGT ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế, trước hết là việc giám sát kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền thiếu sâu rộng, hầu hết người tham gia giao thông khi bị kiểm tra đều không hợp tác với lực lượng chức năng. Có trường hợp sáu cán bộ, chiến sĩ cảnh sát kiểm tra hai người điều khiển xe mô-tô trong tình trạng say xỉn, nhưng mất đến bốn giờ mà vẫn không đo được nồng độ cồn. Một vấn nạn nữa thành phố Đà Nẵng đang phải giải quyết đó là thành phố đang trong quá trình quy hoạch, chỉnh trang, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới, nên số lượng xe ben chở đất đá lưu thông quá lớn và có mặt ở hầu hết các tuyến đường. Vì lợi nhuận, chủ xe ben và tài xế đều cố tình sử dụng lốp quá kích cỡ, dùng còi hơi, cơi nới thùng xe, không phủ bạt che chắn, hoặc chỉ làm đối phó, để đất đá rơi vãi dọc đường, văng vào nhà dân, xe chạy thường lấn tuyến, phóng nhanh vượt ẩu… Phó Trưởng phòng CSGT, Công an Đà Nẵng Phan Văn Thương cho rằng: “Với xe ben chở đất, lực lượng chức năng sẽ phải làm thường xuyên và kiên quyết hơn. Đồng thời, cũng cần tuyên truyền, nâng cao ý thức của cả lái xe lẫn chủ xe. Sắp tới, chúng tôi sẽ tạm giữ phương tiện theo thời gian quy định để răn đe. Với những trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ rút giấy phép lái xe hoặc giấy phép kinh doanh đối với chủ xe”.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. Đối với đường bộ, trong 15 ngày đầu tháng 9 xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông, làm chết 26 người, bị thương 10 người (giảm chín vụ so với cùng kỳ) số người chết giảm năm người, bị thương giảm 11 người. Đặc biệt, trong hơn 15 ngày đầu tháng 9, thành phố chưa xảy ra vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 30 phút (giảm ba vụ so với năm cùng kỳ). Dù đã có một số chuyển biến đáng kể song nhìn lại, thành phố vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước hết là tình trạng tụ tập, lạng lách đánh võng gây mất trật tự an ninh đường phố đang có dấu hiệu “tái diễn” sau thời gian tạm lắng. Vào các tối cuối tuần, tại nhiều tuyến đường thuộc các quận 4, 5, 7, Bình Thạnh… nhiều tốp thanh niên vẫn ngang nhiên tổ chức đua xe trái phép. Hành vi này đã làm Thượng sĩ Lương Khánh Việt (sinh năm 1989), thuộc Đội CSGT Bến Thành hy sinh trong quá trình chống đua xe trái phép vào đêm 12-9-2011. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn liên tiếp diễn ra. Ngoài ra, thời gian qua, mặc dù không để xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài nhưng tại nhiều “điểm đen” vẫn thường xuyên xảy ra ùn ứ, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Điển hình như tại các tuyến đường: Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh vào lúc cao điểm hay xảy ra ùn tắc nhưng lực lượng CSGT chỉ có mặt khi đã xảy ra, thay vì có mặt trước đó để điều tiết.
Thời gian qua, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành lắp đặt các giải phân cách trên các tuyến đường đủ điều kiện như: quốc lộ 1A, Xa lộ Hà Nội… để hạn chế tai nạn giao thông. Hiệu quả của kế hoạch này thấy rõ nhất trên quốc lộ 22, sau khi lắp đặt dải phân cách số vụ tai nạn giao thông đã giảm từ 60 đến 70%.
Chỉ còn khoảng một tuần nữa Tháng ATGT sẽ kết thúc. Tuy nhiên, không chỉ ở các thành phố lớn, Ban ATGT, các đơn vị chức năng của các tỉnh, thành phố cần xác định các “điểm đen” và tuyến đường có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao để triển khai các giải pháp khắc phục. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm hạn chế tai nạn giao thông; phòng, tránh ùn tắc và phòng, chống đua xe trái phép. Và không chỉ triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong Tháng ATGT mà quan trọng hơn là rút ra được bài học kinh nghiệm và các giải pháp hiệu quả để làm chuyển biến tình hình ATGT theo hướng tích cực, bền vững trong thời gian tới.
Ý kiến ()