Xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm Luật Ðất đai ở Tứ Kỳ
Những ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã được các hộ dân ở xã Ngọc Kỳ tự nguyện tháo dỡ. Huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) có 401 trường hợp xây dựng nhà ở và các công trình trên đất nông nghiệp, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai và Quy định của tỉnh, gây bức xúc trong dư luận. Năm 2012, huyện Tứ Kỳ kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm và giải quyết cơ bản tình trạng trên.Những năm qua, tình hình vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn huyện Tứ Kỳ rất nghiêm trọng do một thời gian dài UBND nhiều xã, thị trấn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai, thiếu trách nhiệm, chưa kiên quyết xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa tốt, rất nhiều trường hợp biết rõ là làm trái với quy định song vẫn cố tình vi phạm. Trong 401 công trình xây dựng kiên cố và bán kiên cố vi phạm sau ngày 13-5-2007 (thời điểm Quyết định số...
Những ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã được các hộ dân ở xã Ngọc Kỳ tự nguyện tháo dỡ. |
Những năm qua, tình hình vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn huyện Tứ Kỳ rất nghiêm trọng do một thời gian dài UBND nhiều xã, thị trấn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai, thiếu trách nhiệm, chưa kiên quyết xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa tốt, rất nhiều trường hợp biết rõ là làm trái với quy định song vẫn cố tình vi phạm. Trong 401 công trình xây dựng kiên cố và bán kiên cố vi phạm sau ngày 13-5-2007 (thời điểm Quyết định số 1654/2007/QĐ-UBND, ngày 3-5-2007 của UBND tỉnh Hải Dương ban hành quy định về quản lý và xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển đổi có hiệu lực) có 136 trường hợp xây dựng nhà nằm liền kề khu dân cư (KDC) và trong quy hoạch KDC, 264 trường hợp xây dựng công trình cách xa KDC và không nằm trong quy hoạch KDC.
Để xử lý những trường hợp vi phạm nêu trên, đồng thời ngăn chặn triệt để tình trạng xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp, Huyện ủy Tứ Kỳ ban hành Nghị quyết số 17-NQ/HU, ngày 14-10-2011 “Về tăng cường xử lý vi phạm trong việc xây dựng nhà ở và các công trình xây dựng khác trên đất nông nghiệp tại địa bàn huyện”. UBND huyện ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện, trong đó tập trung xử lý các công trình vi phạm Quyết định số 1654/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tứ Kỳ Nguyễn Hữu Thắng cho rằng: Công tác xử lý vi phạm được triển khai bài bản, đồng bộ và quyết liệt. Huyện ủy thành lập Ban chỉ đạo, UBND huyện thành lập Hội đồng xử lý vi phạm và tổ chuyên môn giúp việc. Ban chỉ đạo, Hội đồng xử lý vi phạm huyện phân công các thành viên phụ trách xã kiểm tra đôn đốc các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, trực tiếp chỉ đạo việc tháo dỡ công trình vi phạm, kiểm tra xác minh từng công trình liền kề KDC hoặc trong quy hoạch KDC để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Huyện đã coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân được làm thường xuyên, liên tục từ huyện tới các thôn, xóm, dòng họ, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, với phương châm đối thoại trực tiếp, giải đáp mọi thắc mắc của nhân dân để bà con tự nhận thức rõ sai phạm, tự giác chấp hành pháp luật, tránh phải cưỡng chế.
Trên thực tế, không ít hộ dân đã đầu tư nhiều công sức và tiền bạc xây dựng các công trình nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp. Đây là tài sản lớn đối với nhiều gia đình, do vậy, khi xử lý sai phạm buộc các hộ tự tháo dỡ công trình, gặp không ít khó khăn, phức tạp. Nhưng nhờ chủ trương đúng, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cho nên cả 15 gia đình xây dựng không đúng quy định trên đất nông nghiệp của xã đều tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ Phạm Văn Hội cho biết: Xã có bảy trường hợp xây dựng nhà ở vi phạm, công việc vận động nhân dân lúc đầu rất khó khăn, có những hộ phải tổ chức đối thoại đến hơn chục lần theo cách thức mềm mỏng và bền bỉ, thuyết phục có lý có tình, cuối cùng nhân dân cũng thấu hiểu và tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm.
Ông Vũ Quang Gang là một trong 17 hộ dân ở xã Tiên Động xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp, vi phạm quy định của tỉnh tâm sự: Do thiếu sự “xử lý” nghiêm từ đầu nên nhiều hộ dân trong xã đua nhau xây dựng các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái với quy định của Nhà nước. Đến khi được thông báo phải tháo dỡ thì “của đau, con xót”, ai cũng tiếc mồ hôi công sức và tiền bạc. Song qua tuyên truyền vận động của cán bộ các cấp, cả 17 hộ đã nêu cao ý thức công dân và tự giác tháo dỡ các công trình. Đây cũng là bài học lớn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc chấp hành kỷ cương, phép nước.
Từ một việc tưởng chừng rất khó, liên quan đến đất đai và tài sản của nhiều hộ dân ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện, nhưng do có chủ trương đúng đắn, cách làm bài bản của cấp ủy, chính quyền huyện Tứ Kỳ, đến nay, trong tổng số 264 công trình xây dựng vi phạm, không nằm trong quy hoạch khu dân cư, các chủ hộ đã tự nguyện tháo dỡ 244 công trình, đạt tỷ lệ 92%. Có 20/27 xã, thị trấn vận động được 100% số hộ vi phạm tự giác tháo dỡ các công trình. Nhiều hộ dân ở xã Hà Thanh như gia đình các ông Nguyễn Văn Nức, Nguyễn Văn Ngoạn, Nguyễn Đình Tuân, tuy không khá giả, đã đầu tư xây dựng công trình nhà ở diện tích hơn 40 m2 song đều tự giác tháo dỡ theo đúng quy định. Ông Hoàng Văn Khanh ở xã Quang Phục mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng đã tự nguyện tháo dỡ toàn bộ ngôi nhà rộng 55 m2.
Đối với 136 trường hợp vi phạm xây dựng liền kề và nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư (có 12 hộ tự tháo dỡ), Hội đồng xử lý vi phạm huyện Tứ Kỳ đã kiểm tra thực tế từng trường hợp và tổng hợp báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh xin chủ trương cho phép chuyển mục đích sang đất ở và thu tiền nộp ngân sách theo quy định.
Kết quả xử lý vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn huyện Tứ Kỳ trong năm 2012 là tích cực, cơ bản, đạt mục tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Việc xử lý các trường hợp vi phạm được số đông nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó đã lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý sử dụng đất, ngăn chặn vi phạm mới phát sinh. Hiện nay, huyện tập trung hoàn thiện thủ tục đề nghị UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của huyện tới năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất của huyện và các xã, thị trấn giai đoạn 2011 – 2015 làm căn cứ xét, giao đất thu tiền sử dụng đất đối với 136 trường hợp liền kề, xen kẹt và trong quy hoạch khu dân cư. Đối với 19 trường hợp cố tình không chấp hành, chưa đồng ý tháo dỡ công trình xây dựng sai phạm và một số công trình tháo dỡ chưa đạt yêu cầu, huyện tiếp tục chỉ đạo xử lý kiên quyết để bảo đảm công bằng xã hội. Kiên quyết xử lý các vi phạm mới phát sinh, địa phương nào để xảy ra vi phạm mới sẽ xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, quản lý theo quy định.
Theo Nhandan
Ý kiến ()