Xử lý dứt điểm việc khai thác vàng trái phép ở vùng Loan
Tỉnh trạng đào đãi vàng trái phép ở vùng Loan đã tồn tại gần 30 năm qua. Rất nhiều lần tỉnh Lâm Đồng, huyện Đức Trọng đã chỉ đạo xử lý nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Giải quyết tình thế, năm 2007, hơn 1,1 triệu m2 đất trong vùng có vàng được giao cho Công an huyện và Ban chỉ huy quân sự huyện Đức Trọng thành lập dự án khôi phục hiện trạng, trồng cây xanh và cỏ chăn nuôi nhưng không hiệu quả. Từ cuối năm 2009 đến nay, các đối tượng ở khắp mọi miền tràn về đào đãi vàng trái phép cả trong và ngoài vùng dự án. Những tháng cuối năm 2010, có lúc tại khu vực xã Đa Quyn xuất hiện 400 đến 500 người đào vàng trái phép. Với sự hỗ trợ của phương tiện cơ giới, tình trạng đào đãi vàng sa khoáng trái phép ở khu vực này bùng phát và trở thành điểm nóng tại địa phương. Tranh thủ dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, 'vàng tặc' khai thác mạnh hơn. Đến nay, khu vực bị đào bới dài hơn 10 km, rộng trung bình 200m với tổng diện tích bị tác động đến hàng trăm héc-ta. Từ xã Đà Loan đi vào các xã Tà Năng, Đa Quyn, địa bàn nào cũng có nạn 'vàng tặc' với rất nhiều hầm hố bị đào sâu, cày xới…
Những mảnh vườn cà-phê, cây trái ở xã Đa Quyn chỉ còn thấp thoáng bên cạnh những hố đào vàng nham nhở, bạc trắng một mầu đất. Dòng sông Đa Quyn Zon không còn dòng để chảy. Trên bờ, dưới sông vô số hầm hố, có những nơi sâu tới cả chục mét với bờ vực dựng đứng nguy hiểm. Gần như toàn bộ bờ đất dài hơn tám km chảy qua xã Đa Quyn của dòng sông Đa Quyn Zon đã bị đào bới tan tành. Đã có nhiều trâu bò của dân uống phải nước nhiễm hóa chất đãi vàng mà chết. Không chỉ là thảm họa đối với cảnh quan, môi trường, tình trạng đào đãi vàng sa khoáng trái phép đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm gia đình bên bờ sông. Có hàng chục hộ đồng bào dân tộc nghèo đã bị các đối tượng đào đãi vàng dụ dỗ sang nhượng đất canh tác bên bờ sông khu vực K65, K67 để đào vàng. Ông Kon Să Ha Ngân ở thôn Toa Cát, nói: 'Nhà mình vừa bán 500 m2 đất với giá 15 triệu đồng, bán xong họ khai thác ngay. Tiền bán đất rồi cũng hết, giờ chẳng biết phải làm gì!'. Ông Ha Ngân cũng cho biết, trong số 43 hộ dân mới tái định cư trong thôn Toa Cát này, nhiều hộ đã bán hết đất, giờ chỉ còn biết đi mót xái vàng. Trong khi đó, ở Đa Quyn vẫn còn nhiều nông dân thiếu đất sản xuất, trong đó có 18 hộ với gần 100 nhân khẩu chưa có một mảnh đất nào…
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Trọng, 'vàng tặc' chủ yếu hoạt động vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Khi lực lượng của cơ quan chức năng kiểm tra có ít người, họ thường huy động đông người để uy hiếp, chống trả, tẩu tán tang vật, phương tiện gây khó khăn cho công tác xử lý. Có trường hợp đe dọa cán bộ địa phương. Qua nhiều lần truy quét đã thu giữ tám máy múc, phá hủy 30 lều chòi, hơn 60 máy nổ, các loại ống dây, máng đãi phục vụ khai thác vàng sa khoáng…
Tình trạng đào đãi khoáng sản trái phép từ Đa Quyn đã lan ra các xã giáp ranh như Tà Năng, Đà Loan. Không chỉ dân nghèo khốn đốn vì vàng, cả cơ quan chính quyền và nhiều cán bộ trực tiếp kiểm tra, xử lý công việc cũng chùn tay vì sự hù dọa của các đối tượng giang hồ. Có trường hợp tổ tuần tra công an xã đi chặn bắt, xử lý các đối tượng vi phạm vào đêm khuya bị chúng lao thẳng cả xe vào người.
Sau một đợt kiểm tra vào giữa năm 2010, suốt mấy tháng, cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Đức Trọng đã 'hạ quyết tâm' bằng mọi cách phải 'giảm nhiệt' bãi vàng K, kết quả mang lại là tình hình tạm lắng xuống. Nhưng điều cơ quan chức năng không thể lường được là 'vàng tặc' ngay lập tức chuyển hướng hoạt động đến những vùng khác như suối Ka Zon, chảy qua xã Đà Loan. Con suối này là nguồn cung cấp nước tưới cho hàng trăm héc-ta cà-phê và hoa màu của vài trăm hộ dân trong vùng. Trong những ngày nắng hạn vừa qua, nhiều vườn cà-phê 'chịu khát', vì suối Ka Zon đã bị băm nát và khô kiệt.
Sau Tết Nguyên đán Tân Mão, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã trực tiếp kiểm tra thực trạng đào đãi vàng sa khoáng trái phép ở vùng Loan. Ngày 28-2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng, huyện Đức Trọng và các ngành chức năng nghiêm túc xử lý dứt điểm nạn 'vàng tặc' ở đây. Tỉnh ủy yêu cầu xử lý dứt điểm, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Ban thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, các xã nằm trong vùng khai thác khoáng sản và các ngành chức năng, những cá nhân vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng đào đãi vàng trái phép…
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, huyện Đức Trọng đã vào cuộc lập lại trật tự. Ông Phạm Thanh Quan, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, huyện đã tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng và ba xã nói trên để kiểm điểm, đánh giá tình hình từ đó đề xuất giải pháp ngăn chặn tình trạng đào đãi vàng trái phép. Huyện chỉ đạo các xã tiến hành san lấp hầm, hố đào đãi, khai thông dòng chảy sông Đa Quyn Dơn. Yêu cầu Công an huyện, Ban chỉ huy Quân sự huyện san lấp mặt bằng, trồng cây xanh ở những vị trí bị 'vàng tặc' khai thác trong diện tích đất huyện giao cho hai đơn vị quản lý. Đối với các xã, phải lập kế hoạch, giải tỏa triệt để các chòi, lều trong khu vực, kiên quyết tịch thu toàn bộ dụng cụ, phương tiện đào đãi vàng. Tiến hành kiểm tra hộ khẩu, trục xuất khỏi địa phương đối với người nhập cư có hành vi đào đãi vàng trái phép. Các xã phải kiểm tra việc sử dụng đất của các hộ dọc suối Đa Quyn Dơn, nếu phát hiện tình trạng sang nhượng đất trái phép thì làm thủ tục thu hồi theo quy định. Các xã duy trì lực lượng, phối hợp với Tổ phản ứng nhanh của huyện túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, giám sát, xử lý các đối tượng. Từ nay trở đi, xã nào để xảy ra tình trạng khai thác, đào đất trái phép thì bí thư, chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm. Lãnh đạo các xã đã có cam kết bằng văn bản trước Huyện ủy, UBND huyện không để xảy ra tình trạng khai thác sa khoáng trên địa bàn quản lý.
Huyện cũng chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, các xã Đà Loan, Tà Năng và Đa Quyn tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tập thể báo cáo UBND huyện. Trước mắt UBND huyện ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Công Hiệp – Chủ tịch UBND xã Đà Loan để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ có hình thức xử lý kỷ luật.
Với những giải pháp cụ thể nêu trên, liệu nạn đào vàng trái phép ở ba xã vùng Loan có được ngăn chặn ?
Ý kiến ()