Xử lý dứt điểm sau thanh tra Trường đại học Kinh tế quốc dân
Ngày 5-12-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) kết luận thanh tra một số hoạt động của Trường đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) và chỉ ra hàng loạt các sai phạm kéo dài, liên quan đến hiệu trưởng và một số cán bộ quản lý nhà trường. Tuy nhiên, sau khi công bố kết luận thanh tra, việc xử lý sau thanh tra đối với Trường ĐHKTQD của Bộ GD và ĐT kéo dài, khiến dư luận hoài nghi tính hiệu quả của việc thanh tra.
Kết luận thanh tra số 1255/KL-BGDĐT đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Trường ĐHKTQD do thiếu công bằng, có biểu hiện thiếu dân chủ, vi phạm quyết định của Bộ Chính trị về Quy chế đánh giá cán bộ, công chức; thu sai quy định hơn 51 tỷ đồng (Báo Nhân Dân đã có bài viết phản ánh). Những cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm về bốn nội dung sai phạm (công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, thu chi tài chính, xây dựng cơ bản) ở trường gồm: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách tài chính, Phó Hiệu trưởng phụ trách xây dựng cơ bản, Đảng ủy trường và Phòng Tổ chức – Cán bộ… Trong đó, Bộ GD và ĐT khẳng định: Hiệu trưởng với tư cách là người đứng đầu nhà trường, chịu trách nhiệm chung về mọi thiếu sót, sai phạm trong quản lý ở cả bốn nhóm nội dung thanh tra; đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động một cán bộ, gửi học của 54 sinh viên, chịu trách nhiệm với tư cách là chủ đầu tư các công trình xây dựng, chủ tài khoản số một của trường. Bộ cũng giao các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ xử lý sau thanh tra. Trong đó, “Vụ Tổ chức – Cán bộ căn cứ vào các thiếu sót, sai phạm thuộc trách nhiệm của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, đề xuất biện pháp xử lý kỷ luật theo đúng quy định pháp luật”.
Sự việc sai phạm kéo dài ở Trường ĐHKTQD tưởng chừng đã có hồi kết nhưng sau khi công bố kết luận thanh tra, các bước xử lý lại gây nhiều điều khó hiểu. Ngày 28-12-2012, trên trang thông tin điện tử của Bộ GD và ĐT đăng tải Công văn số 8774/BGDĐT-TTr về việc xử lý sau thanh tra đối với Trường ĐHKTQD. Trong đó, thay vì giao Vụ Tổ chức – Cán bộ căn cứ vào các thiếu sót, sai phạm đề xuất biện pháp xử lý kỷ luật theo đúng quy định pháp luật, Bộ GD và ĐT lại giao Vụ Tổ chức – Cán bộ “Hướng dẫn Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến những thiếu sót, sai phạm thuộc bốn nhóm vấn đề đã nêu trong Kết luận thanh tra và đề xuất phương án xử lý kỷ luật theo đúng quy định pháp luật (hoàn thành trong tháng 2-2013)”. Theo Phó Vụ trưởng Tổ chức – Cán bộ (Bộ GD và ĐT) Trần Kim Tự: “Kết luận như thế rồi, thì bây giờ là công việc của họ, họ phải thực hiện theo cam kết đó và mình giám sát”. Như vậy, dù sai phạm đã “hai năm rõ mười” nhưng việc xử lý kỷ luật lại kéo dài thời gian bằng việc để Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường tiến hành tự kiểm điểm. Mặt khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi có kết luận thanh tra cũng là thời điểm Trường ĐHKTQD tổ chức việc thí điểm giảng viên tham gia đánh giá Hiệu trưởng theo quy định của Bộ GD và ĐT. Mặc dù nhiều sai phạm được kết luận thanh tra chỉ ra nhưng trong phần tự đánh giá, Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD vẫn khẳng định làm đúng. Điển hình như, trong kết luận thanh tra nêu “công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, chưa thực hiện đánh giá cán bộ bằng văn bản và không lấy phiếu tín nhiệm nguồn tại chỗ là không đúng…” thì trong phần báo cáo của Hiệu trưởng về kết quả thực hiện nhiệm vụ Trường ĐHKTQD giai đoạn 2008 – 2012 khẳng định: “Trường thực hiện thuyên chuyển, điều động cán bộ theo đúng quy định, xuất phát từ đề đạt của đơn vị…”. Như vậy, việc kiểm điểm, đánh giá của lãnh đạo Trường ĐHKTQD có thật sự cầu thị, nhìn nhận rõ sai phạm? Việc để cho các cá nhân tự kiểm điểm trách nhiệm và Bộ đưa ra phương án xử lý liệu có khách quan, đúng với những sai phạm trong kết luận thanh tra?
Đáng chú ý, ngay khi đưa ra phương án xử lý sau thanh tra, ngày 28-12-2012, Bộ GD và ĐT tiếp tục công bố kết luận thanh tra về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ở một số trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên cả nước. Trong đó, có bảy Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ (đều không do Bộ GD và ĐT trực tiếp quản lý) chỉ mắc lỗi “tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 vượt năng lực đào tạo thực tế…” đã bị đề nghị xử lý kỷ luật cảnh cáo và khiển trách. Trong khi đó, kết luận thanh tra Trường ĐHKTQD (trường trực thuộc Bộ GD và ĐT trực tiếp quản lý) với hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng lại phải qua thủ tục “hướng dẫn Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng kiểm điểm trách nhiệm”. Điều đó cho thấy, việc xử lý sau thanh tra của Bộ GD và ĐT vẫn còn khập khiễng, khó hiểu, thiếu minh bạch. Một số ý kiến cho rằng, Bộ GD và ĐT đang “nhẹ tay” với trường ĐH, CĐ mà Bộ trực tiếp quản lý. Mặt khác, một số ý kiến băn khoăn, phải chăng, vì một số cán bộ sai phạm (trong kết luận thanh tra Trường ĐHKTQD) chỉ còn một vài tháng là hết nhiệm kỳ, cho nên nói như Phó Vụ trưởng Tổ chức – Cán bộ (Bộ GD và ĐT) Trần Kim Tự thì “động chạm đến kỷ luật nó là cả một vấn đề”?
Có thể nói, việc Bộ GD và ĐT đẩy mạnh công tác quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường, gắn với đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra là hết sức cần thiết. Nhất là trong năm 2012, hàng loạt các vấn đề “nóng” trong giáo dục liên tiếp được phanh phui, cho thấy quyết tâm đổi mới giáo dục của Bộ GD và ĐT đã từng bước đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, việc xử lý sau thanh tra cũng cần được thực hiện một cách quyết liệt, thấu đáo. Trong khi cả nước đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng thì những sai phạm trong quản lý, có biểu hiện thiếu dân chủ, vi phạm quy định của Bộ Chính trị thuộc trách nhiệm của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Thường vụ Đảng ủy, Phòng Tổ chức – Cán bộ… Những sai phạm ở Trường ĐHKTQD cần được Bộ GD và ĐT sớm xử lý dứt điểm, kiên quyết sau thanh tra, tránh kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Ý kiến ()