Thứ 3, 26/11/2024 00:40 [(GMT +7)]
Xử lý dứt điểm những sai phạm ở Trường đại học Quảng Bình
Thứ 4, 21/07/2010 | 09:19:00 [(GMT +7)] A A
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường đại học Quảng Bình (ĐHQB) trên cơ sở của Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Bình. Trong quá trình hoạt động, Trường ĐHQB đã mắc những sai phạm, gây bức xúc trong cán bộ, giảng viên và dư luận nhân dân địa phương.
Thu, chi không minh bạch
Trường ĐHQB ra đời, hoạt động theo các quy định đối với trường đại học trực thuộc tỉnh, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu học tập của con em trong tỉnh và nhiều nơi trong cả nước. Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng từ khi thành lập đến năm 2009, Trường ĐHQB mắc nhiều sai phạm. Trường đã ban hành nhiều văn bản, thông báo quy định về thu lệ phí, cấp phát bằng, chứng chỉ, bảng điểm… để thu tiền của học sinh, sinh viên một cách trái phép. Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, tổng số tiền thu sai quy định lên tới hơn 1,173 tỷ đồng. Sau khi phát hiện sai phạm, lãnh đạo nhà trường có chủ trương dừng thu nhưng không có văn bản chỉ đạo nên vẫn để xảy ra việc một số khoa, phòng tiếp tục thu tiền của học sinh, sinh viên sai quy định. Ngoài ra, trường còn tự ý thu thêm ngoài hợp đồng đã ký kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên ở Quảng Bình mở các lớp đào tạo trung cấp mầm non, cao đẳng sư phạm mầm non, cao đẳng tiểu học… với số tiền hơn 263,7 triệu đồng. Từ năm 2007 đến năm 2009, Trường ĐHQB xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ nhưng nhiều nội dung không phù hợp, chi chưa đúng chế độ nhà nước quy định. Cán bộ kiêm nhiệm trưởng các khoa, phòng ngoài phụ cấp trách nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm còn được hỗ trợ bằng hệ số phụ cấp chức vụ của chức danh kiêm nhiệm, thanh toán chi phí nghiệp vụ chuyên môn trùng với nhiệm vụ đã được hưởng lương như: biên soạn tài liệu, bài giảng, chương trình, công tác coi thi, chấm thi… Số tiền trường đã chi sai chế độ quy định cho một số cá nhân lên tới hơn 689 triệu đồng.
Khuyết điểm về công tác tổ chức, cán bộ
Khi thực hiện tuyển dụng cán bộ, công chức, thay vì có những cơ chế để thu hút người tài, tại Trường ĐHQB có tình trạng hạn chế đối tượng tuyển dụng phải là những người đã được trường ký hợp đồng hoặc có thời gian giảng dạy, công tác tại các trường đại học, cao đẳng. Vì vậy, sinh viên mới ra trường tốt nghiệp loại giỏi, kể cả người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cũng khó có điều kiện dự tuyển. Trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, giảng viên vì thế mà có nhiều hạn chế. Trong số 49 giảng viên được tuyển dụng từ năm 2007 đến giữa năm 2009, không có tiến sĩ, trong khi có tới 36 người tốt nghiệp đại học loại khá, góp thêm vào tình trạng “đại học dạy đại học” ở Trường ĐHQB. Trong tổng số 133 người trực tiếp giảng dạy và 24 giảng viên kiêm nhiệm, thì chỉ có mười tiến sĩ và 52 thạc sĩ. Những hạn chế về đội ngũ giảng viên còn được thể hiện trong một thời gian dài ngành xây dựng dù được mở ra nhưng không có giảng viên cơ hữu nào. Trong khi chỉ tiêu biên chế được giao từ năm 2007 thì trường không tổ chức tuyển dụng.
Đáng chú ý, ngày 24-10-2006, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định thành lập Trường ĐHQB nhưng ngày 1-10-2006, Hiệu trưởng Nguyễn Huỳnh Phán đã sử dụng con dấu dưới danh nghĩa Trường ĐHQB để ký hợp đồng lao động với Nguyễn Phi Long, sinh viên hệ vừa học, vừa làm. Tại hợp đồng có thời hạn 15 tháng, dù chưa được hưởng lương bậc một nhưng Nguyễn Phi Long đã được Hiệu trưởng “đặc cách” xếp mức lương bậc hai, hệ số 1,83 nhóm viên chức C1. Đến ngày 1-1-2008, dù chưa được tuyển dụng nhưng Nguyễn Phi Long tiếp tục được ký hợp đồng không xác định thời gian và được hưởng mức lương bậc một, hệ số 2,34 của nhóm viên chức A1 sai quy định. Trong khi các cán bộ, nhân viên chỉ được hưởng hỗ trợ hằng tháng là 17% đến 30% thì Nguyễn Phi Long dù chưa được tuyển dụng chính thức, mới chỉ hợp đồng lại tiếp tục được “đặc cách” xếp hưởng phụ cấp tới 40% trên mức lương cơ bản.
Tùy tiện trong thi, tuyển sinh
Nằm trong khối các trường đại học, thực hiện thi, tuyển sinh theo hình thức “ba chung” nhưng Hội đồng tuyển sinh của trường đã “phóng tay” áp dụng mức chênh lệch điểm không theo quy chế năm 2008 để tuyển hàng trăm thí sinh sai quy định. Quy chế thi, tuyển sinh chỉ cho phép các trường vận dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là một điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là nửa điểm. Tuy nhiên, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐHQB lại áp dụng mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp lên tới 1,5 và hai điểm cho 16 mã ngành. Việc “đứng ngoài” quy chế trong cách tính điểm đã giúp cho 302 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng một sai quy định. Trước những sai phạm trong tuyển sinh, Bộ GD và ĐT đã có công văn yêu cầu tuyển sinh theo đúng quy chế nhưng Trường ĐHQB vẫn tiếp tục tuyển sinh nguyện vọng hai và nguyện vọng ba cho 90 thí sinh với mức chênh lệch 1,5 điểm. Trong số những thí sinh trúng tuyển sai quy chế có một số thí sinh điểm thấp, thậm chí ba môn thi chỉ đạt 6 – 6,5 điểm cũng được gọi nhập học đại học và đạt 4,5 điểm được tuyển sinh vào học cao đẳng. Ngoài ra, Trường ĐHQB còn tự ý thay đổi cơ cấu, tuyển sinh so với kế hoạch được giao. Cụ thể, hệ đại học ngành nuôi trồng thủy sản tuyển sinh 134/100, ngành kế toán 233/200; hệ cao đẳng ngành công tác xã hội 209/100, ngành tiếng Anh 178/100… Tại kỳ thi tuyển sinh đợt hai năm 2009, Hiệu trưởng Nguyễn Huỳnh Phán vừa là Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh lại vừa làm Trưởng ban ra đề thi. Do đó, trong thời gian phải cách ly (đối với trưởng ban ra đề thi) thì Hiệu trưởng Nguyễn Huỳnh Phán vẫn ra khỏi khu vực cách ly gây bức xúc trong cán bộ, giảng viên.
Cùng với những sai phạm trong kỳ thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng thì trong tổ chức thi hết học phần, Trường ĐHQB cũng có những cách xử lý khiến cho sinh viên chỉ còn biết “dở khóc, dở cười”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, kỳ thi vấn đáp hết học phần môn Vật lý lớp đại học sư phạm Sinh khóa 50, dù không xác định được thí sinh nào vi phạm quy chế, cũng như không xác định được thí sinh nào mang tài liệu vào phòng thi mà chỉ nhận thấy “trước giờ thi, thí sinh mang nhiều tài liệu vào khu vực thi” cho nên cả lớp sư phạm Sinh khóa 50 đã bị hoãn thi. Hơn nữa, trước giờ thi vấn đáp môn “Toán và Phương pháp cho trẻ làm quen với những biểu tượng ban đầu” của lớp Cao đẳng Sư phạm mầm non khóa 48 (hệ vừa học, vừa làm), Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Lê Thị Thu Hà đã tự ý phô-tô đáp án và hướng dẫn chấm bài thi để phát cho học viên nhưng cũng không bị xử lý kỷ luật.
Những sai phạm kéo dài ở Trường ĐHQB gây nên tình trạng bức xúc trong cán bộ, giảng viên và dư luận xã hội cần được xử lý nghiêm túc.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()