Xử lý chất thải nguy hại: Cần giải pháp dài hơi
– Mỗi năm, trung bình lượng chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 400 tấn và có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây, trong khi việc xử lý hiện còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Các cấp, ngành, doanh nghiệp cần có những giải pháp lâu dài nhằm quản lý, hạn chế và xử lý loại chất thải này, tránh để gây hại cho môi trường.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT), năm 2020, tổng lượng CTNH phát sinh trên địa bàn tỉnh hơn 430 tấn. Trong đó, phát sinh từ loại hình y tế gần 300 tấn, chiếm 68,28%, tỷ lệ xử lý đạt 97,8%; phát sinh từ loại hình sản xuất kinh doanh và sản xuất nông nghiệp gần 140 tấn, chiếm 31,72%, khối lượng xử lý đạt hơn 124 tấn, đạt 90,3%. Lượng CTNH còn tồn được các đơn vị lưu giữ để chờ xử lý.
Tuy tỷ lệ xử lý khá cao nhưng trên đây chỉ là số liệu được tổng hợp từ 124 đơn vị thực hiện báo cáo định kỳ về xử lý CTNH. Trong khi trên địa bàn tỉnh có tới hơn 1.100 cơ sở (900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và nông – lâm nghiệp, hơn 200 hợp tác xã nông nghiệp 18 cơ sở y tế công lập) có thể phát sinh CTNH trong quá trình hoạt động. Như vậy có thể thấy vẫn có thể còn nhiều CTNH chưa được xử lý từ các cơ sở, doanh nghiệp không thực hiện báo cáo định kỳ về xử lý CTNH.
Công nhân Công ty than Na Dương kiểm tra kho lưu trữ CTNH của công ty
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: nguyên nhân dẫn đến thực tế trên là do các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, lượng phát sinh CTNH của từng đơn vị rất ít. Vì thế, các chủ nguồn thải gặp khó khăn trong phân loại, bảo quản và chuyển giao xử lý. Bên cạnh đó, việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, rất khó để quản lý các đơn vị có lượng CTNH phát sinh. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có đơn vị đủ chức năng được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp giấy phép xử lý các loại CTNH. Nhiều cơ sở y tế, doanh nghiệp phải ký hợp đồng với các đơn vị ngoài tỉnh, khiến việc vận chuyển, xử lý CTNH không thuận lợi. Đơn cử như Công ty Than Na Dương – một trong những DN có lượng CTNH phát sinh lớn của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc công ty cho biết: Trung bình mỗi năm, công ty phát sinh khoảng 50 tấn CTNH, chủ yếu là dầu máy thải, dầu hộp số, vỏ phuy dính dầu… Hiện nay, chúng tôi hợp đồng với 1 doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa để xử lý. Do quãng đường xa nên khoảng 3 tháng, công ty mới vận chuyển CTNH đi xử lý 1 lần. Vì thế, khi lượng CTNH phát sinh, tồn đọng công ty phải mở rộng kho chứa và cử người trông coi.
Đối với ngành y tế, toàn ngành hiện có 4 đơn vị y tế công lập có lò đốt, 10 đơn vị y tế công lập xử lý chất thải bằng phương pháp không đốt. Ông Phạm Đức Cơ, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y dược, Sở Y tế cho biết: Với điều kiện bình thường thì tỷ lệ CTNH được xử lý hằng năm có thể đạt trên 90%. Khi có dịch bệnh hoặc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thì lượng CTNH tăng mạnh khiến các đơn vị y tế bị “quá tải” trong xử lý chất thải.
Để quản lý tốt và hạn chế tối đa lượng CTNH vào môi trường, thời gian qua, cũng như khắc phục những khó khăn, hạn chế hiện nay, Chi cục BVMT tỉnh đã tham mưu Sở TN&MT triển khai các giải pháp như: rà soát thông tin, xác định đối tượng phải thực hiện đăng ký chủ nguồn thải CTNH theo quy định; tập huấn cho chủ các đơn vị có phát sinh nguồn thải về pháp luật BVMT, công tác quản lý chất thải nói chung và CTNH nói riêng; kiểm tra định kỳ và đột xuất các đơn vị có phát sinh CTNH… Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Chi cục trưởng Chi cục BVMT cho biết: Về lâu dài, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho sở đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được thuận tiện trong quá trình xử lý CTNH.
Hiện nay, các cấp, ngành trong tỉnh đang tích cực thu hút đầu tư; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chắc chắn không thể tránh khỏi những tác động tới môi trường. Nếu có sự chủ động từ sớm, các cấp, ngành, địa phương sẽ thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý đối với chất thải nói chung, CTNH nói riêng, để phát triển kinh tế vẫn gắn với BVMT.
CTNH là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ gây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác. CTNH có thể tồn tại ở dạng lỏng, rắn, bùn, khí hoặc các dạng khác. |
ĐẶNG DŨNG
Ý kiến ()