LSO-Trong một sớm đẹp trời, tôi may mắn lại được nghe phóng viên ảnh Vũ Bách kể về Mùa xuân lịch sử ấy. Đã 36 năm trôi qua nhưng cảm xúc về thời khắc thiêng liêng đó vẫn vẹn nguyên trong trái tim của nhà báo đã ngoại tuổi cổ lai hy.Chưa bao giờ ông xúc động đến thế! 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chỉ sau đó 30 phút, ở nơi địa đầu của tổ quốc, nhân dân Lạng Sơn đã nhận được tin thông qua Đài Tiếng nói Việt Nam. “Lúc ấy tôi mới thấy được sống, sống trong một niềm hạnh phúc trọn vẹn…”, ông Vũ Bách nghẹn giọng, giọt nước mắt xúc động khẽ lăn trên khoé mi đã hằn lên những vết chân chim, người phóng viên chiến trường năm xưa chìm đắm trong cảm xúc về một Mùa xuân kỳ diệu. Xúc cảm của ông lan truyền sang cả tôi, kẻ hậu bối cũng như đang được sống trong thời khắc lịch sử ấy. Quân và dân Lạng...
LSO-Trong một sớm đẹp trời, tôi may mắn lại được nghe phóng viên ảnh Vũ Bách kể về Mùa xuân lịch sử ấy. Đã 36 năm trôi qua nhưng cảm xúc về thời khắc thiêng liêng đó vẫn vẹn nguyên trong trái tim của nhà báo đã ngoại tuổi cổ lai hy.
Chưa bao giờ ông xúc động đến thế! 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chỉ sau đó 30 phút, ở nơi địa đầu của tổ quốc, nhân dân Lạng Sơn đã nhận được tin thông qua Đài Tiếng nói Việt Nam. “Lúc ấy tôi mới thấy được sống, sống trong một niềm hạnh phúc trọn vẹn…”, ông Vũ Bách nghẹn giọng, giọt nước mắt xúc động khẽ lăn trên khoé mi đã hằn lên những vết chân chim, người phóng viên chiến trường năm xưa chìm đắm trong cảm xúc về một Mùa xuân kỳ diệu. Xúc cảm của ông lan truyền sang cả tôi, kẻ hậu bối cũng như đang được sống trong thời khắc lịch sử ấy.
|
Quân và dân Lạng Sơn dồn sức người sức của cho tiền tuyến (ảnh chụp năm 1965) – Ảnh: Vũ Bách |
Từ cuối năm 1964, đầu 1965, máy bay Mỹ đã liên tiếp xâm phạm vùng trời Lạng Sơn. Xứ Lạng chuyển từ thời bình sang thời chiến. Tỉnh uỷ đã đề ra nhiệm vụ cụ thể cho công tác quân sự địa phương chủ động đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại. Phóng viên ảnh Vũ Bách lúc này, theo nhiệm vụ phân công của tổ chức, làm công tác tuyên truyền trên mặt trận quân sự tại Lạng Sơn. Bám sát các trận địa, những bức ảnh của ông đã phản ánh một cách chân thực và sinh động nhất sự anh dũng, sáng tạo của nhân dân Lạng Sơn trong thời kỳ kháng chiến. Lúc này một mặt Lạng Sơn kiên cường chống chiến tranh phá hoại, một mặt hăng say lao động sản xuất, chi viện sức người, sức của cho các mặt trận khác. Nếu như những hình ảnh chiến đấu bên các chiến hào, hình ảnh du kích Chi Lăng bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh…thể hiện tinh thần anh dũng, kiên cường, sáng tạo của quân và dân Xứ Lạng trong chiến đấu, thì Vũ Bách cũng rất quan tâm đến ghi lại những hình ảnh bình dị, đời thường như hình ảnh các nữ dân quân đọc thư bên bờ suối, khung cảnh sản xuất ở các làng quê…Tất cả những hình ảnh ấy thể hiện một tinh thần lạc quan, niềm tin tất thắng trong mỗi người dân Xứ Lạng.
Năm 1972, đế quốc tiếp tục đánh bom rải thảm, Đèo Bén (Chi Lăng) sau trận bom huỷ diệt trở nên tan hoang và vắng lặng. Nhưng bỗng đâu trong cái tĩnh mịch ấy lại văng vẳng tiếng sáo, du dương, tha thiết mà không yếu đuối, không uỷ mị. Vũ Bách tìm đến và ông nhìn thấy một cậu bé đang ngồi trên miệng hầm thổi sáo, ngay cạnh đó là những hố bom huỷ diệt. Bức ảnh “sức sống trong vùng huỷ diệt” của Vũ Bách đã cho cả cộng đồng quốc tế thấy được tinh thần và ý chí của quân và dân ta. Bức ảnh sau này đã đoạt giải thưởng trong triển lãm ảnh quốc tế tại Praha. Tháng 9/1972 chiếc máy bay thứ 3.900 của Mỹ đã bị bắn hạ trên đất Lạng Sơn – Lời cảnh tỉnh cho đế quốc xâm lược. Cũng trong thời gian này, Lạng Sơn trở thành “cảng nổi”, vận chuyển chi viện hàng vạn tấn hàng hoá cho chiến trường miền Nam; trên 26.000 thanh niên Lạng Sơn ra tiền tuyến, đóng góp quan trọng vào đại thắng Mùa xuân năm 1975.
Khi nhận được tin toàn thắng, ông kể: Thị xã Lạng Sơn như mở hội, người già, thanh niên, trẻ con đều đổ ra đường, vừa chạy vừa hô vang “Giải phóng miền Nam, thống nhất! Thống nhất rồi”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Bác Hồ muôn năm”… Chưa kịp chuẩn bị, nên lúc ấy, nhà nào còn pháo thì mang ra đốt, nhộn nhịp nhất là ở phố chợ Kỳ Lừa. Hoà vào dòng người nô nức ấy, Vũ Bách xách theo “vũ khí” là chiếc máy ảnh đã theo ông đi khắp các chiến trường trên mảnh đất Xứ Lạng. Ông bảo: Tôi phải ghi lại những hình ảnh này, đây sẽ là thời khắc hào hùng nhất, tự hào nhất không chỉ của Lạng Sơn, mà của cả dân tộc, tôi vừa chụp ảnh, vừa khóc, khóc trong niềm vui sướng, hạnh phúc đến tột cùng.
Ngày Quốc khánh 2/9 năm ấy, bên cầu Kỳ Lừa, bầu trời Xứ Lạng rực rỡ pháo hoa. Quốc khánh đầu tiên của một nước Việt Nam thống nhất 2 miền báo hiệu một thời kỳ mới, thời kỳ của độc lập, thống nhất, kỷ nguyên của phồn vinh và hạnh phúc. Hồi ức của một nhà báo đã từng kinh qua các cuộc kháng chiến vệ quốc thần thánh của dân tộc về Xứ Lạng trong Mùa xuân đại thắng năm ấy như một nốt nhạc điểm thêm cho bản hùng ca thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()