Xứ Lạng hân hoan trong ngày vui đại thắng
LSO- Mốc thời gian 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Sài Gòn (Gia Định) - thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn giải phóng và đúng vào kỷ niệm Quốc tế Lao động 1/5, miền Nam gồm 44 tỉnh và 220 quận hoàn toàn giải phóng - mãi mãi ghi vào trang sử huy hoàng của dân tộc và in đậm trong ký ức của thế hệ những người cùng thời, là bài học lịch sử truyền thống đối với các thế hệ mai sau.
Trong 50 ngày đêm từ 10/3/1975 đến 30/4/1975, với sự hiệp đồng chiến đấu dũng cảm của quân và dân miền Nam – mở đầu là chiến thắng Buôn Ma Thuột (12/3/1975), bình quân mỗi ngày có một tỉnh được giải phóng. Với khí thế áp đảo, 5 giờ chiều 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh được mở màn, huy động tổng lực quân dân đã đánh thẳng sào huyệt cuối cùng của địch, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài, gian khổ và thắng lợi vẻ vang, giang sơn thu về một mối.
Xứ Lạng cách miền Nam hàng ngàn cây số. Những ngày quân dân miền Nam đánh thắng kẻ thù xâm lược; nhân dân các dân tộc Lạng Sơn tự hào đã góp phần làm tròn nghĩa vụ của hậu phương với tiền tuyến theo khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đã dành bao tâm huyết để theo dõi tin thắng lợi từ chiến trường. Đặc biệt không khí hân hoan chào mừng thắng lợi của những ngày cuối tháng 4 trên mảnh đất Xứ Lạng thật sôi động, náo nức.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) về thực hiện công tác tuyên truyền chiến thắng trên địa bàn trung tâm như thị xã, thị trấn, trụ sở cơ quan, xã, phường đều chuẩn bị sẵn khẩu hiệu, băng zôn từ trước ngày 30/4 với nội dung: “Nhiệt liệt chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Trưa ngày 30/4/1975, được tin Sài Gòn giải phóng, cờ, khẩu hiệu được treo rợp trời! Nhiều loạt súng nổ rền vang, những đoàn người đổ ra đường ca hát, hô vang mừng chiến thắng! Những nụ cười rạng rỡ niềm tin hát theo đài bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng!”. Những giọt nước mắt xúc động và niềm ước ao, mong đợi được đón chồng, con, người thân trở về.
Lạng Sơn đổi mới, phát triển và hội nhập Ảnh: PV
Hôm nay, giữa những ngày chiến thắng của tháng 4 năm ấy, lớp người hôm nay đã trên 60 tuổi trở lên đều hồi tưởng có được niềm vui, hạnh phúc là do chiến thắng 30/4 mang lại. Trong đó có hàng vạn người là bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ và nhân dân đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến trường miền Nam và bảo vệ miền Bắc XHCN lại càng hiểu rõ hơn giá trị lớn lao của sự hòa quyện giữa hy sinh gian khổ với hạnh phúc của toàn dân tộc.
Nhớ lại năm ấy – 1975, đất nước còn nghèo, Xứ Lạng còn nghèo. Mọi người phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vui lòng thực hiện cơ chế bao cấp để tất cả cho chiến thắng: Mọi người chia sẻ nhau từng cân thịt, lạng muối, mét vải, cân thóc. Mọi người, mọi cơ quan, tổ chức, hợp tác xã tự nguyện “nhường cơm, sẻ áo” để gửi ra tiền tuyến đánh thắng. Cơ chế bao cấp của một thời đã phát huy được sức mạnh tổng hợp và hợp với lòng dân, ý Đảng, hợp với thực tế khách quan để đem về đáp số: Một nước nghèo, nhỏ bé đã đánh thắng đế quốc to, giàu có. Đó là kết quả của phương pháp cách mạng của Đảng, kết hợp hài hòa kinh tế với xã hội để tạo ra sức mạnh của toàn dân tộc gắn với sức mạnh của thời đại.
Một góc thành phố Lạng Sơn hôm nay Ảnh: BT
Thời đó kinh tế – xã hội tỉnh ta còn nghèo, lại phải tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh với trăm công nghìn việc. Theo số liệu thống kê năm 1975, tỉnh ta có khoảng 40 vạn dân; giá trị tổng sản lượng trong nông – lâm – ngư nghiệp mới đạt 116,924 triệu đồng, tổng sản lượng lương thực quy ra thóc đạt 99.167 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 237 kg. Bộ mặt nông thôn trên 80% còn là những xóm nghèo; mạng lưới giao thông chưa được đầu tư mở rộng, trên đường 4A, 4B, 1A, 1B, mặt đường gập ghềnh, đều có những đường tránh, đường ngầm để đối phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (ngầm Bản Trại, Tràng Định, ngầm Pò Lọi, Lộc Bình, ngầm Thác Trà, TP Lạng Sơn, Khánh Khê, Văn Quan, ngầm Cầu Bến Lường, đường tránh Gốc Hồng, Hữu Lũng…) và rất nhiều cầu phao, cầu treo, đường xuyên rừng, lên núi phục vụ mục đích quân sự trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những tuyến đường này đã góp phần quan trọng vào công tác giao thông vận tải thông suốt chi viện sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng, nổi bật phục vụ vận chuyển khối lượng lương thực, hàng quân sự khổng lồ vào Nam trong những năm 1972, 1973 – thời điểm chiến trường diễn ra ác liệt, hầu hết các cảng biển ngoài Bắc bị địch phong tỏa, đánh phá. Thời kỳ ấy, Lạng Sơn, Đồng Đăng được cả nước gọi là “cảng nổi”. Công tác bưu điện, y tế, giáo dục nhìn chung đã có nhiều phương án tích cực để đảm bảo vừa ưu tiên cho phục vụ chiến đấu, vừa chăm lo sức khỏe cho quân dân, lấy khẩu hiệu “Quân dân một ý chí” làm nội dung phối hợp hành động, vẫn đảm bảo trường lớp tại nơi sơ tán cho thầy, trò các trường duy trì giảng dạy và học tập…
Những năm chiến tranh ác liệt đã qua, cả nước sống trong hòa bình, thực hiện lời dạy của Bác Hồ… “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh khóa V, khóa VI (1967-1971 và 1971-1976) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã giành được thắng lợi trong hai nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, chi viện cho miền Nam ruột thịt. Kế thừa truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng bộ, quân dân trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Xứ Lạng tiếp tục bắt tay vào thời kỳ hòa bình, phát triển, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ năm 1986 đến nay, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh ta tiếp bước trên chặng đường của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo.
Sau 41 năm từ ngày đất nước hòa bình thống nhất, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Xứ Lạng đã giành được nhiều thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh.
Tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 9,67%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.875 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực đạt 305 ngàn tấn. Đời sống nhân dân được cải thiện. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã có 11 xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới. Quốc phòng – an ninh được ổn định, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, đảm bảo độc lập chủ quyền quốc gia. Hạ tầng giao thông Xứ Lạng có thể kết nối với mọi nẻo đường, tạo cơ hội thuận lợi đi lại nội bộ và hội nhập giao lưu với cả nước.
Ngày 30/4/1975 đã ghi dấu ấn hào hùng của dân tộc – mốc son chói ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng mang tính thời đại – là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, cùng với toàn Đảng, toàn dân trong cả nước, Đảng bộ và nhân dân Lạng Sơn đã giành được thành tựu rất tự hào. Trước mắt, tuy còn không ít khó khăn thử thách nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất định Đảng bộ và nhân dân xứ Lạng tiếp tục vươn lên, giành được thành tựu lớn, vững chắc hơn, xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh.
ĐINH ÍCH TOÀN
Ý kiến ()