Xứ Lạng có “thành tiên xây”
– Đã từ lâu, nhiều người trong chúng ta thường được nghe nói: Lạng Sơn có Di tích “Thành Tiên xây”. Trong bài hát đến say đắm lòng người “Lạng Sơn quê tôi” của nhạc sĩ Phạm Tịnh cũng có lời ca: “Lạng Sơn, Lạng Sơn quê tôi /Nơi di tích Thành Tiên xây /dáng đứng Tô Thị còn đây…”. Vậy “Thành Tiên xây” là thành nào, ở đâu? Vì ở ngay trong trung tâm thành phố Lạng Sơn đã có hai thành cổ khá lớn, đều được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đó là “Đoàn Thành” hay còn gọi “Thành Cổ Lạng Sơn”, nằm ở phía Nam sông Kỳ Cùng – (khu vực các cơ quan hành chính của tỉnh), và “Thành Nhà Mạc” – ở phía Bắc sông Kỳ Cùng, cạnh tượng đá nàng Tô Thị và chùa Tam Thanh. Hơn nữa, nhiều người thắc mắc: Tại sao lại gọi là “thành Tiên xây”, nguồn gốc xuất sứ của nó như thể nào?
Thành nhà Mạc
Để tìm hiểu vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc, lai lịch của Đoàn Thành và Thành Nhà Mạc ở thành phố Lạng Sơn.
Đoàn Thành (thành cổ Lạng Sơn).
Theo trang điện tử của Bảo tàng Lạng Sơn, Thành cổ hay còn gọi là Đoàn Thành nằm trên địa bàn phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, thuộc loại hình di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Di tích này có những nét kiến trúc độc đáo riêng mà ít nơi khác có được và đến nay vẫn giữ được khá nguyên trạng và được bảo quản tương đối tốt.
Qua nghiên cứu các tài liệu lịch sử, Thành cổ Lạng Sơn được xây dựng từ rất lâu đời, tuy nhiên chưa có tư liệu nào ghi rõ cụ thể về năm xây dựng thành. Trong các tài liệu của Trung Quốc viết về thời nhà Tống, nhà Minh có ghi chép khá nhiều về vùng đất của nước Đại Việt. Khi đó, Trương Phụ (một vị tướng thời nhà Minh – Trung Quốc) sau khi đánh chiếm nước ta và đặt ách đô hộ đã tiến hành củng cố tổ chức bộ máy chính trị ở địa hạt. Tương truyền, trong thời gian này ông ta đã cho đắp thành Khâu Ôn (có lẽ vì việc này mà có ý kiến cho rằng thành cổ Lạng Sơn là do Trương Phụ xây). Về việc xây dựng Đoàn Thành còn có truyền thuyết khác cho rằng thành là do hai ông Tiên xuống giúp xây dựng, có lẽ vì vậy Thành cổ còn có tên gọi khác là “Thành Tiên xây”. Theo Đại Nam nhất thống chí viết: “… Năm Hồng Đức thứ 26, nhà Lê (1495) thành đã được tu bổ lại…”. Căn cứ vào một số tư liệu đã nêu trên, có thể dự đoán rằng Thành cổ Lạng Sơn được xây dựng vào thời nhà Lý hoặc nhà Trần vào khoảng thế kỷ XII, XIII.
Một số cuốn sách xuất bản gần đây cũng đều ghi theo thông tin này.
Thành nhà Mạc
Thành Nhà Mạc nằm tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, bên núi tượng đá nàng Tô Thị và chùa Tam Thanh. Theo các tài liệu đã công bố cho biết, tòa thành độc đáo này vẫn được lưu giữ qua hàng thế kỷ kể từ khi nhà Mạc cai trị vùng đất này. Nơi đây là tòa thành được Mạc Kính Cung cho xây dựng lên để chống lại Vua Lê – Chúa Trịnh vào thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII. Với cái thế tự nhiên của núi, của những bức tường thành đã tạo cho nơi đây cái thế “một người địch muôn người”, bởi vậy mà nhà Mạc mới có thể trấn giữ biên ải suốt gần một thế kỷ như vậy. Tòa thành được xây dựng rất kiên cố với thế 3 mặt dựa lưng vào núi. Những bức tường thành được xây dựng cao trên những ngọn núi cao đến hàng chục mét bao quanh một bãi đất trống bằng phẳng rộng tới hàng chục nghìn mét vuông. Những ngọn núi cao hiểm trở ấy đóng vai trò như những bức tường thành tự nhiên. Nơi đây trước kia là một căn cứ quân sự có vị thế đặc biệt quan trọng bởi nó là điểm chắn ngang con đường độc đạo từ Ải Bắc xuống phía Nam.
Sau những biến thiên của lịch sử, của thời đại, thành nhà Mạc Lạng Sơn đã được tu sửa và tôn tạo lại nhằm phục vụ mục đích du lịch và du khách tham quan. Diện tích tòa thành còn lại 2 đoạn tường có chiều rộng 1 m và chiều dài hơn 300 m nhưng khi tới đây du khách vẫn có thể thấy được phần nào độ hùng vĩ của thành cổ trước kia.
Năm 1962, thành nhà Mạc được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Năm 2010, tòa thành cũng được tu sửa lại để đảm bảo được nhu cầu tiếp đón những đoàn khách ghé tới tham quan. Trải qua nhiều lần tu sửa lại nhưng đến nay, thành vẫn giữ được những nét cổ kính và điêu tàn như xưa…
Những tài liệu này không nói gì đến thành nhà Mạc (Lạng Sơn) là thành Tiên xây. Tuy nhiên, trong cuốn sách “Hợp biên thế phả họ Mạc” do Ban Liên lạc họ Mạc hợp biên (theo tư liệu được ghi chép cẩn thận của một dòng họ vương triều), Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2001, phần nói về Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn viết:
“Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn (chưa rõ năm sinh, mất năm 1593). Ngài là con trai đầu của vua Mạc Mục Tông, được truyền ngôi ngày 26 tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592), đổi niên hiệu là Vũ An.
Ngài đang đóng binh ở Kim Thành, nghe tin vua cha bị thua ở huyện Yên Dũng, vội vàng đem binh đi tiếp ứng. Đi đến núi Đồ Sơn gặp quân Trịnh Tùng giáp công một trận rất hăng, quân Mạc cả thua. Ngài cùng với ba em là Chúa Anh, Chúa Tấn, Chúa Hoàng chạy vào rừng. Còn một em út là Chúa Thao (con thứ 18 của vua Thuấn Phúc) năm ấy mới 14 tuổi, chạy không kịp bị quân Trịnh bắt về.
Anh em vua bại trận ở Đồ Sơn chạy vào lâm phận Đông Triều rồi lại chạy qua My Thứ (tức làng Mè thuộc Hải Dương) định lên đóng trên núi Yên Tử, nhưng tướng sĩ vừa chết, vừa bỏ trốn còn được hơn ngàn quân mà các đường thủy bộ thì quân Trịnh Tùng đóng chặt như nêm cối. Vua Mạc hỏi thổ dân thì biết có lối lên núi Yên Tử rất gần song phải đi qua khe núi ở gần đó quanh co khuất khúc, gọi là đường “Mật lộn” (có nghĩa ai đi qua cũng phải sợ lộn mật mà chết), ngoài ra không còn đường nào nữa. Bí quá, vua tôi đành đi con đường đó đến đóng quân ở một cái miếu. Tục truyền là đến canh ba đêm đó, nhà vua mơ màng thấy có người gọi bảo: “Ở Lạng Sơn có một cái thành do các Tiên đắp sẵn, mau lên đóng, kẻo quân Trịnh chiếm mất!”.
Sáng hôm sau tỉnh dậy vua Mạc một mình lẳng lặng cưỡi ngựa đi trước thăm dò, thấy trên núi có một tòa cổ miếu, vào xem thấy có pho tượng y hệt người gặp hôm qua, dưới bệ có khắc chữ “Lã Tiên chân dung”. Nhà vua ngẫm nghĩ có lẽ nơi Lạng Sơn có thánh thật nên mới được thần báo mộng. Vua Mạc quay về mật gọi ba em kéo lên thành Lạng Sơn đóng quân.
Sợ Trịnh Tùng đuổi theo, nhà vua phải dẫn quân đi lối rừng, mười ngày mới tới nơi. Quả nhiên có tòa thành rất kiên cố, song chỉ có ba mặt, còn một mặt có quả núi chắn ngang. Hỏi thổ dân, họ nói: “Đêm trước có một tiều phu ngủ dưới gốc cây, canh khuya thấy hàng ngàn Tiên khuân gạch đá ở Quỷ Môn Quan (thuộc xã Chi Lăng, châu Ôn) đến xây thành, bảo nhau để giúp vua Mạc. Mới xây được ba mặt, Sơn thần giả tiếng gà gáy, quần Tiên tưởng gần sáng vội khiêng một quả núi trấn vào mặt chưa xây rồi bay về trời!”
Ngài cả mừng, thưởng cho thổ nhân, rồi đóng trong thành, yết bảng mộ quân, không bao lâu mộ được 6 – 7 vạn. Các tôn thất nhà Mạc cùng văn võ bá quan cũng kéo về đến 200 người. Nhà Mạc lại tính khôi phục đất Đông Đô” (Hợp biên thế phả họ Mạc, trang 109).
Qua tư liệu trên, chúng ta thấy rõ: truyền thuyết “thành Tiên xây” lâu nay vẫn lưu truyền là để chỉ việc xây thành Nhà Mạc (ở phường Tam Thanh) chứ không phải để chỉ xây Đoàn Thành (thành cổ Lạng Sơn), nhất là Đoàn Thành lại có thể do “Trương Phụ, tướng nhà Minh xây” thì không thể có chuyện “Tiên xây trợ giúp” như vẫn lưu truyền, và địa danh “Thành Tiên xây” cũng được xuất hiện từ đời Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn nhà Mạc (khoảng năm 1592, 1593).
Ý kiến ()