Xu hướng tăng trung và dài hạn vẫn hiện hữu
Khép lại tuần giao dịch thứ 2 của năm mới, thị trường chứng khoán tại TP.HCM và Hà Nội diễn ra trong trái chiều, tuy nhiên thanh khoản trên sàn đã được cải thiện hơn so với tuần trước đó. Theo nhận định của giới chuyên gia, mặc dù trong ngắn hạn thị trường thiếu khả quan, nhưng xu hướng tăng trung và dài hạn vẫn hiện hữu. Vì vậy, sang tuần nhà đầu tư có thể tiếp tục mua, nắm cổ phiếu. Trên thế giới, hàng loạt thông tin xấu lại hiện về khi niềm tin vào các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ tháng 12 đã giảm lần đầu tiên trong 5 tháng, vì vậy dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế cần phải có thời gian. Chỉ số lạc quan của khu vực kinh doanh độc lập liên bang giảm xuống còn 92,6 so với 93,2 trong tháng 11. Bốn trong số 10 chỉ số thành phần cũng giảm, đưa ra một viễn cảnh kinh tế u ám. Cùng với đó, lạm phát của 17 quốc gia trong khu vực Eurozone tăng 2,3% trong tháng 12/2010, vượt quá mục tiêu dưới 2% và đây là con...
|
Khép lại tuần giao dịch thứ 2 của năm mới, thị trường chứng khoán tại TP.HCM và Hà Nội diễn ra trong trái chiều, tuy nhiên thanh khoản trên sàn đã được cải thiện hơn so với tuần trước đó. Theo nhận định của giới chuyên gia, mặc dù trong ngắn hạn thị trường thiếu khả quan, nhưng xu hướng tăng trung và dài hạn vẫn hiện hữu. Vì vậy, sang tuần nhà đầu tư có thể tiếp tục mua, nắm cổ phiếu.
Trên thế giới, hàng loạt thông tin xấu lại hiện về khi niềm tin vào các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ tháng 12 đã giảm lần đầu tiên trong 5 tháng, vì vậy dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế cần phải có thời gian. Chỉ số lạc quan của khu vực kinh doanh độc lập liên bang giảm xuống còn 92,6 so với 93,2 trong tháng 11. Bốn trong số 10 chỉ số thành phần cũng giảm, đưa ra một viễn cảnh kinh tế u ám.
Cùng với đó, lạm phát của 17 quốc gia trong khu vực Eurozone tăng 2,3% trong tháng 12/2010, vượt quá mục tiêu dưới 2% và đây là con số cao nhất trong hai năm.
Tuy nhiên, bất chấp những thông tin bất lợi của nên kinh tế, trong phiên giao dịch cuối tuần, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ lại đều bật khá mạnh, nhờ sự đi lên của nhóm cổ phiếu tài chính.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch đêm qua (14/1), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 55,48 điểm ( 0,47%) lên 11.787,38 điểm. S&P 500 tăng 9,48 điểm ( 0,74%) lên 1.293,24 điểm. Nasdaq tăng 20,01 điểm ( 0,73%) lên 2.755,30 điểm.
Khu vực chứng khoán châu Âu có sự xáo trộn vào cuối phiên. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,59% xuống 5.988,12 điểm. Ở chiều ngược lại, DAX của Đức tăng nhẹ 0,01% lên 7.075,70 điểm, CAC 40 của Pháp tăng 0,21% lên 3.938,28 điểm.
Tại thị trường trong nước, tuần qua thị trường tiếp tục thiếu vắng những thông tin kinh tế vĩ mô khả quan để hỗ trợ chứng khoán đi lên mạnh. Vì vậy, kết thúc tuần, chỉ số tại 2 sàn đã có sự xáo trộn.
Cụ thể, trên sàn Hose, trong tuần qua chỉ số Vn-Index đã có 2 phiên tăng điểm và 3 phiên giảm điểm, đóng cửa tại mốc 489,22 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số này đã tăng thêm 7,36 điểm, tương đương 1,53% so với phiên cuối tuần trước. Thanh khoản trên sàn cũng đã được cải thiện hơn cả về khối lượng lẫn giá trị giao dịch.
Theo đó, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt đã 890,38 tỷ đồng, tăng 12,47% so với tuần giao dịch trước. Khối lượng giao dịch bình quân cũng đạt 35,32 triệu cổ phiếu, tăng 11,3%.
Việc đi lên của sàn Hose trong tuần qua không thể không nhắc đến sự tích cực của dòng vốn ngoại, với 1 phiên bán ròng và 4 phiên mua ròng. Tính chung cả tuần, tổng giá trị mua ròng là 277,3 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt gần 22,02 triệu đơn vị mua vào và hơn 11,12 triệu đơn vị bán ra.
Trong khi đó, trên sàn Hà Nội chỉ số HNX- Index cũng có 2 phiên tăng điểm và 3 phiên giảm điểm, nhưng tính chung cả tuần chỉ số này đã tiếp tục giảm tuần thứ 2 liên tiếp. Đóng cửa tuần, HNX-Index đứng tại mốc 108,05 điểm, giảm 1,99 điểm, tương đương 1,81% so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, thanh khoản trên đã được cải thiện hơn, giao dịch mỗi phiên đứng ở mức 503,33 tỷ đồng, tăng 5,77% so với cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên duy trì ở mức 27,49 triệu cổ phiếu, tăng 12,45%.
Theo nhận định của công ty chứng khoán FPTS, nguyên nhân dẫn đến biến động trái chiều của 2 chỉ số trong tuần qua, xuất phát từ đà tăng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa chấm dứt. Hầu hết các cổ phiếu được đỡ giá đều niêm yết tại sàn Hose.
Vì vậy, dự báo thị trường tuần sau sẽ tiếp tục biến động trong biên độ hẹp.
Còn theo công ty chứng khoán Âu Việt – AVSC, sự tăng điểm trong phiên cuối tuần qua đã phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư phần nào được cởi bỏ, khi có tín hiệu dòng tiền quay trở lại các mã cổ phiếu lớn một thời.
Vì vậy, xu hướng tăng trung và dài hạn vẫn đang được giữ vững, tuy nhiên xu hướng ngắn hạn tạm thời gặp khó khăn tại vùng kháng cự 497-500 điểm.
Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư có tâm lý nghỉ ngơi trước dịp nghỉ lễ dài như hiện nay thì dòng tiền vào thị trường trong các tuần giáp Tết khả năng là không cao. Do vậy những nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời khi Vn-Index có dấu hiệu suy yếu khi vào vùng kháng cự nêu trên và duy trì tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu ở mức độ hợp lý. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục mua và nắm giữ cổ phiếu.
Theo VnMedia
Ý kiến ()