Xu hướng tăng lãi suất dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới
Đại diện của EU cảnh báo nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương buộc phải hành động theo các đợt tăng lãi suất của Fed để ngăn tiền mất giá.
Xu thế tăng lãi suất do Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dẫn đầu gây nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đưa ra cảnh báo này trên báo Finacial Times ngày 11/10.
Ông Borrell cho rằng các ngân hàng trung ương buộc phải hành động theo các đợt tăng lãi suất nhiều lần của Fed để ngăn đồng tiền của họ mất giá so với đồng USD.
Ông chỉ trích EU không lắng nghe các nước ngoài khối và tìm cách “xuất khẩu” mô hình và tiêu chuẩn quản trị cho các nước khác, đồng thời thừa nhận rằng EU đã không lường trước được xung đột Ukraine kéo dài, bất chấp những cảnh báo của Mỹ.
Cảnh báo của ông Borrell được đưa ra trước khi Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bắt đầu nhóm họp tại Washington (Mỹ). Tại đây, các quan chức tài chính ngân hàng sẽ thảo luận về nhiều mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu.
IMF dự kiến sẽ hạ các dự báo kinh tế toàn cầu trong quý thứ tư liên tiếp. Fed đang tranh luận về việc có nên đưa ra mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp vào cuộc họp vào tháng 11 tới hay không, một động thái khả năng sẽ nâng lãi suất cơ bản lên 3,75%-4%.
Nhằm đối phó với lạm phát đang ở mức 10%, Ngân hàng trung ương châu Âu đã tăng lãi suất huy động thêm 1,25 điểm phần trăm tại hai cuộc họp chính sách gần đây và dự kiến tăng thêm 0,75 điểm phần trăm vào ngày 27/10 tới.
Các quan chức hàng đầu của Fed gần đây thừa nhận việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế yếu hơn. Nhưng Fed nhấn mạnh rằng mối quan tâm chính của ngân hàng là kiểm soát lạm phát của Mỹ.
WB gần đây cũng đã cảnh báo rằng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2023 đã tăng lên khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đồng loạt tăng lãi suất để đối phó với lạm phát.
Xu hướng này có thể dẫn đến một loạt cuộc khủng hoảng tài chính giữa các nền kinh tế đang phát triển với nhiều người vẫn chưa hết bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 mang lại./.
Ý kiến ()