Xu hướng mới trong làm phim về đề tài lịch sử
Một cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên.
Không ngại thử thách
Truyền thuyết về Quán Tiên là bộ phim đề tài chiến tranh do Nhà nước đặt hàng Hãng HongNgat Film nhân dịp kỷ niệm 70 năm Bộ đội Trường Sơn, 70 năm Cục Vận tải và 70 năm Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân Việt Nam. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Xuân Thiều có nội dung xoay quanh câu chuyện xúc động về các nữ thanh niên xung phong ở binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Dự án thu hút nhiều tên tuổi uy tín trong giới điện ảnh. Ngoài giám đốc sản xuất, NSƯT Nguyễn Thị Hồng Ngát – Trịnh Ðức Việt còn có biên kịch Ðoàn Minh Tuấn, đạo diễn Ðinh Tuấn Vũ, quay phim NSƯT Vũ Quốc Tuấn, họa sĩ Ðào Ngọc Hùng, âm nhạc Lê Cát Trọng Lý. Chia sẻ về dự án, NSƯT Nguyễn Thị Hồng Ngát cho hay, bà từng có mặt tại bối cảnh ở Quảng Bình cách đây khoảng hơn 50 năm, khi đang là diễn viên chèo thuộc Ðoàn chèo Trung ương vào chiến trường biểu diễn. Ðạo diễn Truyền thuyết về Quán Tiên Ðinh Tuấn Vũ năm nay 30 tuổi, từng làm năm bộ phim lớn, trong đó phim Cuộc đời của Yến đoạt nhiều giải thưởng: Bông sen bạc, Cánh diều bạc, giải Ðạo diễn điện ảnh xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc, Phim quốc tế hay nhất tại Liên hoan phim (LHP) lần thứ 9 do Hội đồng Ðiện ảnh Phi-li-pin tổ chức… Chọn đề tài chiến tranh, cụ thể là câu chuyện về nữ thanh niên xung phong từng được nhiều đạo diễn khai thác thành công, giới chuyên môn cho rằng đoàn phim sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn trong việc khẳng định chất lượng nghệ thuật.
Phượng khấu (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) là dự án phim khác đang được triển khai quy tụ dàn diễn viên uy tín như: NSND Hồng Vân, các NSƯT Lê Thiện, Thành Lộc, Minh Trang, nghệ sĩ Hồng Ðào, Kiều Trinh và dàn diễn viên trẻ triển vọng: Jun Phạm, Diễm My, Thanh Tú, Ngọc Lan Vy… Nội dung phim đặc tả câu chuyện chốn hậu cung của Từ Dụ thái hậu, bối cảnh khoảng năm 1840 – 1847, giai đoạn bà là phi tần của hoàng đế Thiệu Trị, vượt qua sự phức tạp chốn hậu cung để đưa con trai lên kế vị, bản thân được tấn tôn làm Hoàng Thái hậu. Phim gồm ba phần, mỗi phần sáu tập, mỗi tập 60 phút, dự kiến ra mắt trên các kênh trực tuyến đầu năm 2020. Trong vai trò cố vấn lịch sử cho đoàn làm phim, các nhà sử học Lê Văn Lan, Nguyễn Khắc Thuần đánh giá cao tinh thần dấn thân của đội ngũ làm phim, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ. Phim lịch sử lâu nay chủ yếu do đạo diễn nhiều kinh nghiệm làm, khai thác câu chuyện về phái nam, nên đây là một trong những dự án phim khác biệt. Về khó khăn khi chọn đề tài lịch sử, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết, ngoài kêu gọi đầu tư cho dự án phim (mức kinh phí khoảng 36 tỷ đồng) thì khâu triển khai cũng rất hóc búa. Riêng việc thực hiện đại cảnh hoàng cung; các cảnh lễ nghi, điển chế, trò chơi, ẩm thực, thơ văn, nhạc họa cung đình… của triều đại nhà Nguyễn đã đòi hỏi sự công phu, kỹ lưỡng. Ðối với trang phục, chi tiết luôn bị coi là nhược điểm của nhiều bộ phim lịch sử, ê-kíp phải tập hợp 300 trang phục, trong đó 50% là thêu thủ công truyền thống do nghệ nhân Vũ Kim Lộc nghiên cứu, thiết kế và chế tác phỏng dựng. Chưa kể, phim công chiếu đúng thời điểm nhiều bộ phim cổ trang nước ngoài đang phát sóng nên khó khăn trong cạnh tranh đã được đoàn làm phim xác định.
Chủ động đổi mới
Ngoài hai phim nêu trên, nhiều dự án điện ảnh hướng tới lịch sử đã được triển khai trong năm 2019 – 2020 như: Trạng Quỳnh (đạo diễn Ðức Thịnh), Sơn Tinh – Thủy Tinh (đạo diễn Victor Vũ), Những cánh én đầu tiên (nhóm làm phim Trường đại học Duy Tân, Ðà Nẵng)… Phim lịch sử thường có kinh phí cao gấp bốn đến năm lần so với các thể loại khác, song đội ngũ làm nghề khẳng định, mức phí ấy vẫn thấp khi so sánh với phim lịch sử của nước ngoài. Hiện nay, các nhà làm phim quốc tế đều phải chủ động tìm nguồn đầu tư, phát hành thay vì trông chờ đơn đặt hàng hoặc khán giả tự tìm đến.
Nắm bắt xu hướng, ê-kíp phim Phượng khấu kêu gọi kinh phí từ nhiều nguồn, áp dụng các cách thức tiết kiệm như: thuê phòng thu để dựng bối cảnh, sử dụng công nghệ kỹ xảo, quyết định chiếu song song trên nền tảng truyền hình trả phí cùng với YouTube. Những cánh én đầu tiên, phim tài liệu lịch sử về lực lượng không quân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước áp dụng công nghệ kỹ xảo hiện đại gây bất ngờ khi tất cả các suất chiếu ở cụm rạp CGV Vincom đều “cháy vé”. Tại buổi họp báo, nhà sản xuất chia sẻ, không ít thành viên rời bỏ dự án vì thu nhập, nhưng cũng có người tìm đến vì yêu thích sự đổi mới, thể nghiệm với điện ảnh. Chẳng hạn, không có điều kiện dựng phòng quay buồng lái phi công tiêm kích, ê-kíp sáng tạo dựng phòng quay bằng bìa các-tông, đạt hiệu quả khả quan. Ngoài ghi nhận từ giới điện ảnh, phim còn chiếm được cảm tình từ đội ngũ phi công, trong đó có nguyên mẫu là Trung tướng Trần Hanh – Biên đội trưởng máy bay tiêm kích Mig-17 trong trận đánh ngày 4-4-1965 trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa).
Theo giới chuyên môn, kinh phí vẫn chưa phải vấn đề khó khăn nhất với phim lịch sử mà chính là thiếu kịch bản tốt. Các tác phẩm văn học, nhất là tiểu thuyết lịch sử đã xuất bản, tạo dấu ấn tốt hoàn toàn có khả năng chuyển thể thành kịch bản và thời kỳ vàng son của điện ảnh nước nhà từng giữ nhịp phối hợp đó. Tuy nhiên, giới làm phim hiện tại chưa chú trọng, dẫn tới sự hạn hẹp đề tài, nhiều dự án lớn vẫn phải Việt hóa kịch bản nước ngoài. Bên cạnh đó, việc ứng dụng kỹ thuật, kỹ xảo, lồng ghép nội dung quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người thông qua điện ảnh còn là điểm hạn chế của đội ngũ làm phim.
Ý kiến ()