Xu hướng mới đầu tư ra nước ngoài
Thay vì tập trung đầu tư các dự án (DA) quy mô lớn ra nước ngoài như giai đoạn trước, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang hướng vào các DA có quy mô trung bình hoặc nhỏ, địa bàn đầu tư cũng đa dạng. Đây là bước chuyển quan trọng hướng đến giá trị gia tăng cao hơn trong các lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ, phù hợp khả năng về vốn, năng lực quản lý và kinh nghiệm đầu tư quốc tế của mình.
Góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT), tính lũy kế đến cuối năm 2019, có 1.321 DA đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 20,6 tỷ USD. Vốn thực hiện đến cùng thời điểm là 9,49 tỷ USD. Ðầu tư của các DN Việt Nam xuất hiện ở 78 quốc gia/vùng lãnh thổ của cả năm châu, địa bàn lớn nhất là Lào, Nga, Cam-pu-chia, Vê-nê-xu-ê-la, Mi-an-ma,… và đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực chủ yếu. Trong đó tập trung vốn lớn nhất là ngành dầu khí, chiếm 38,4% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 15,3%; viễn thông và công nghệ thông tin 12,8%; thủy điện 7,2%,… Nếu tính theo năm, số lượng DA có quy mô vừa và nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân tăng dần trong khi số lượng DA có quy mô vốn lớn trong lĩnh vực khai thác, thăm dò dầu khí, viễn thông, trồng cây công nghiệp, thủy điện của DN nhà nước hoặc DN có vốn nhà nước giảm mạnh. Vốn chuyển ra nước ngoài để thực hiện các hoạt động đầu tư có xu hướng giảm dần từ năm 2015-2017 do giảm mạnh số lượng DA có quy mô lớn. Bộ KH và ÐT cũng ghi nhận, lợi nhuận và vốn chuyển về nước lũy kế đến nay khoảng ba tỷ USD, lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư đạt khoảng 363,4 triệu USD, số lao động đưa ra làm việc tại nước ngoài khoảng gần 10 nghìn người. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam đã hình thành một khối lượng tài sản đáng kể gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất ở nước ngoài với giá trị ước tính hàng tỷ USD. Ðây là điều kiện thuận lợi để DN Việt Nam mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài thời gian tới trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ðáng lưu ý, hoạt động đầu tư ra nước ngoài năm 2019 hoàn toàn do khu vực kinh tế tư nhân thực hiện, không có dự án nào của DN nhà nước, trong đó xu hướng cá nhân đầu tư ra nước ngoài gia tăng. Ngày càng có nhiều tập đoàn tư nhân lớn và công ty cổ phần trong nước đầu tư ra nước ngoài ở các nước phát triển nhằm mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu như Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Thaco, T&T, Vinamilk, FPT,… Ðịa bàn đầu tư ngày càng đa dạng, hướng đến các đối tác phát triển và có thêm địa bàn mới như Ru-ma-ni, Áo, Ai Cập, I-ta-li-a,… Hình thức đầu tư ngày càng đa dạng với số lượng dự án đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần tại các DN nước ngoài có xu hướng gia tăng. Bộ trưởng KH và ÐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: Có DN Việt Nam chi từ ba đến năm triệu USD tham gia mua cổ phần của các DN nước ngoài, đến nay định giá lên đến cả trăm triệu USD. Những thay đổi lớn trên toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19 đã kéo theo sự xuất hiện của làn sóng mua bán, sáp nhập DN thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần tại những công ty tiềm năng với giá rất rẻ. DN Việt Nam cần có suy nghĩ lớn để tham gia vào thị phần này, đẩy nhanh quá trình vươn ra thế giới và mang lại giá trị tầm cỡ tỷ USD cho đất nước.
Bổ sung “chốt chặn” rủi ro
Ðến nay, có năm DN đầu tư ra nước ngoài có vốn đăng ký vượt một tỷ USD, gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội, Tập đoàn Cao-su Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai, Công ty cổ phần Golf Long Thành. Bên cạnh những kết quả đạt được khá ấn tượng, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam cũng nảy sinh những hạn chế như tình trạng cho vay đầu tư ra nước ngoài gia tăng; tại một số địa bàn và lĩnh vực xuất hiện rủi ro về mặt pháp lý, có nguy cơ dẫn đến các vụ kiện, tranh chấp quốc tế. Một số DA đầu tư chậm tiến độ, đầu tư không hiệu quả, nhất là dự án đầu tư của DN nhà nước trong khi tiến độ xử lý các DA này còn chậm do có quy mô lớn, liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp,…
Theo các chuyên gia kinh tế, sự thay đổi trong xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam những năm gần đây mang tính thị trường và phù hợp tổng thể của tiến trình tự do hóa đầu tư thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế. Dư địa và tiềm năng thị trường quốc tế còn rất lớn, quan trọng nhất đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài là cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện nhiều hơn cho DN tư nhân dễ dàng đầu tư nguồn lực ra nước ngoài để chuyển lợi nhuận về nước. Về phía các DN cần có năng lực quản trị, khả năng nắm bắt thị trường của DN và dòng tiền đủ mạnh. Luật Ðầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 đã hoàn thiện pháp luật, chính sách đầu tư ra nước ngoài theo hướng cập nhật rõ các trường hợp cấm đầu tư ra nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài có điều kiện; bổ sung quy định về vấn đề cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho tổ chức kinh tế thành lập ở nước ngoài gắn với DA đầu tư ra nước ngoài; sửa đổi chế độ báo cáo đầu tư ra nước ngoài của các cơ quan quản lý nhà nước; bổ sung nội dung cho phép được sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài để góp vốn đầu tư DA tại nước ngoài,…
Ðể bổ sung “chốt chặn” rủi ro trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Bộ KH và ÐT kiến nghị Chính phủ giao cơ quan chức năng rà soát, đánh giá xu hướng đầu tư ra nước ngoài đối với một số lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư của cá nhân, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để có giải pháp quản lý và xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước có nhiều hoạt động đầu tư của DN Việt Nam hoặc đối tác tiềm năng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy hợp tác đầu tư thuận lợi, an toàn và hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước rà soát tình hình vay và cho vay để đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm thủ tục đúng quy định về cơ chế cho vay nói chung và cơ chế cho vay bằng ngoại tệ nói riêng. Rà soát đề xuất danh mục một số địa bàn nhạy cảm, rủi ro trong hợp tác đầu tư thương mại để cảnh báo, lưu ý DN, nhà đầu tư Việt Nam khi có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 252,9 triệu USD, bằng 91,2% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 80 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt 206,3 triệu USD, tăng 14,5%, và 17 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 46,6 triệu USD, bằng 47,9% so cùng kỳ. Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 lĩnh vực, trong đó dẫn đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp theo là dịch vụ lưu trú, ăn uống, thông tin truyền thông, bán buôn bán lẻ,… Có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong bảy tháng năm 2020.
(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Ý kiến ()