Xu hướng ly khai ở EU
Biểu tình ở Bác-xê-lô-na đòi tách khỏi Tây Ban Nha. Sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu sụp đổ hồi đầu những năm 90 của thế kỷ 20, nhiều nước châu Âu xin gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU), tạo ra hai xu hướng trái ngược trong xã hội lục địa già này: ly tâm và hướng tâm. Nay, EU đắm chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, Vương quốc Anh bày tỏ mong muốn sẽ rút khỏi EU và một số vùng lãnh thổ muốn tách ra lập quốc gia riêng.Là một trong những quốc gia sáng lập EU, đồng thời có nền kinh tế phát triển và giàu có, nhưng Vương quốc Anh vẫn "từ chối" tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Đã vậy, Luân Đôn tỏ ra ít quan tâm giải quyết những khó khăn về kinh tế và tài chính chung của EU, thậm chí còn đưa ra những ý kiến làm rắc rối thêm cuộc khủng hoảng của khối. Hồi đầu tháng 11 vừa qua, nhà lãnh đạo đảng Độc lập nước Anh (UKIP), ông Ni-gien Pha-ra-giơ chính thức kêu...
Biểu tình ở Bác-xê-lô-na đòi tách khỏi Tây Ban Nha. |
Là một trong những quốc gia sáng lập EU, đồng thời có nền kinh tế phát triển và giàu có, nhưng Vương quốc Anh vẫn “từ chối” tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Đã vậy, Luân Đôn tỏ ra ít quan tâm giải quyết những khó khăn về kinh tế và tài chính chung của EU, thậm chí còn đưa ra những ý kiến làm rắc rối thêm cuộc khủng hoảng của khối. Hồi đầu tháng 11 vừa qua, nhà lãnh đạo đảng Độc lập nước Anh (UKIP), ông Ni-gien Pha-ra-giơ chính thức kêu gọi về một cuộc “ly hôn thân thiện” giữa EU và Anh. Trong khi đó, một số nghị sĩ đảng Bảo thủ của ông Ca-mê-rôn đã cùng với Công đảng đối lập thông qua kiến nghị yêu cầu Thủ tướng có ý kiến cắt giảm ngân sách của EU tại Hội nghị cấp cao EU vào cuối tháng 11 này. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Công ty YouGov tiến hành và công bố ngày 8-11, trong số 1.637 người Anh được hỏi ý kiến, có tới 49% muốn Anh rời khỏi EU, chỉ có 28% cho rằng Anh nên ở lại EU, 17% chưa quyết định. Kết quả thăm dò của YouGov tương tự kết quả một số cuộc thăm dò trước đó tại Anh về khả năng Anh rời khỏi ngôi nhà chung EU. Giám đốc bộ phận nghiên cứu về xã hội và chính trị của YouGov, ông Giô Ti-man cho rằng, kết quả cuộc thăm dò càng bộc lộ những bất đồng trong nội bộ chính phủ mà Thủ tướng Ca-mê-rôn đang phải đối mặt.
Tại Anh, chính quyền Luân Đôn đang đau đầu trong vấn đề thống nhất đất nước. Bên cạnh vấn đề đòi độc lập ở Bắc Ai-len, người dân xứ Xcốt-len yêu cầu tách ra khỏi Vương quốc Anh để thành lập quốc gia riêng. Và ngày 15-10, Thủ tướng Anh Ca-mê-rôn và Thủ hiến Xcốt-len A-lếch Xan-môn đã ký thỏa thuận tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào mùa thu năm 2014 về nền độc lập của Xcốt-len. Tuy nhiên, Thủ tướng Ca-mê-rôn cho rằng, khả năng Xcốt-len ở lại trong Vương quốc Anh vẫn mạnh hơn. Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, có 28% số người ở Xcốt-len được hỏi ủng hộ tách khu vực này khỏi Vương quốc Anh, trong khi tỷ lệ phản đối là 53%. Ông Ca-mê-rôn đang phải chịu sức ép ngày càng tăng của cử tri Anh và ngay trong chính đảng của mình. Thái độ né tránh vai trò đối với EU của Luân Đôn có nguy cơ gây chia rẽ giữa Anh và các đồng minh ở lục địa.
Không chỉ có Vương quốc Anh, một số vùng lãnh thổ tại một số nước khác ở EU, như I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bỉ… đang có kế hoạch đòi tách ra lập quốc gia riêng, khiến chính quyền nước sở tại và EU đau đầu. Nguyên nhân chính được cho là do cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính kéo dài ở EU. Tại Tây Ban Nha, vì không muốn phải “liên lụy” đến khoản nợ công của chính phủ trung ương, xứ Ca-ta-lăng đóng góp một phần năm thu nhập quốc gia, đang xúc tiến chủ trương độc lập. Hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình tại Bác-xê-lô-na kêu gọi tách ra khỏi Vương quốc Tây Ban Nha. Người dân xứ Ba-xcơ ở phía bắc đang yêu cầu chính quyền trung ương sửa đổi Hiến pháp cho phép xứ Ba-xcơ độc lập. Tại I-ta-li-a, người dân khu vực Vơ-ni-dơ đang nỗ lực thành lập nước “Cộng hòa Vê-nê-tô”, gồm các vùng tự trị Vơ-ni-dơ, Vê-nê-tô và Lôm-bác-đi, vì không muốn chịu thiệt thòi khi nằm trong gia đình CH I-ta-li-a. Đơn cử, khu vực Vơ-ni-dơ mỗi năm giao nộp cho chính phủ Rô-ma 70 tỷ ơ-rô, nhưng chỉ được nhận lại từ chính phủ 50 tỷ ơ-rô, nghĩa là mỗi năm người Vơ-ni-dơ bị tổn thất 20 tỷ ơ-rô.
Bày tỏ quan ngại về xu hướng ly khai này, Thủ tướng I-ta-li-a M. Mon-ti đã đề nghị lãnh đạo EU triệu tập một hội nghị cấp cao không chính thức để thảo luận và đưa ra biện pháp giảm “nguy cơ đòi độc lập”. Đại diện cho EU, Thủ tướng Đức A.Méc-ken ngày 7-11 vừa qua đã có chuyến thăm Vương quốc Anh, hội đàm với Thủ tướng Ca-mê-rôn về những vấn đề của EU. Tại buổi họp báo chung sau cuộc hội đàm kéo dài một giờ, Thủ tướng A.Méc-ken cảnh báo việc Anh rút khỏi EU không có lợi cho nước Anh, đồng thời kêu gọi phía chính phủ Anh hợp tác nhằm tránh Hội nghị cấp cao EU sắp tới rơi vào bế tắc. Trước đó, phát biểu ý kiến tại Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Đức cũng đã bày tỏ “mong muốn Anh ở lại trong EU”. Bà A.Méc-ken nêu rõ, sẽ là tốt cho “xứ sở sương mù” nếu Luân Đôn quyết tâm ở lại trong khối, bởi vì trong một thế giới bảy tỷ người, trong đó một thế hệ mới với các nền kinh tế đang nổi lên, nước Anh sẽ trở nên lạc lõng và đơn độc nếu ở ngoài EU. Khuynh hướng đòi độc lập đang gia tăng ở EU càng làm cho cuộc khủng hoảng tại EU thêm phức tạp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()