Xu hướng lãi suất cuối năm 2015
Theo số liệu khảo sát tháng 12-2014, trong 2 quý đầu năm 2015, lãi suất huy động bình quân giảm 0,11%, xuống 5,93%/năm so với mức 6,04%/năm và giữ nguyên so với cuộc khảo sát tháng 1-2015. Lãi suất cho vay trung hạn giữa các ngân hàng có biên độ biến động khá hẹp (9-10,6%) với biên độ chênh giữa lãi suất cao nhất và thấp nhất là 1,6%.
Tháng 2-2015, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn gần như không thay đổi so với tháng liền trước. Lãi suất cho vay doanh nghiệp ở mức 8-11%/năm, bình quân 9,59%/năm tại thời điểm cuối tháng 2-2015, thấp hơn bình quân 9,88%/năm trong tháng 1-2015 và thấp hơn bình quân 10,04%/năm trong tháng 12-2014.
Agribank công bố áp dụng lãi suất mới đối với tiền gửi bằng VNĐ kể từ ngày 2-3-2015 với mức giảm 0,2-0,4% các kỳ hạn, trong đó sẽ áp dụng mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 4 tháng giảm 0,2% và lãi suất huy động cao nhất là 6,3% thay vì 6,5%/năm như trước đây. BIDV cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động 1 tháng từ 4,55%/năm xuống còn 4%/năm, 6 tháng từ 5,55%/năm xuống còn 5,3%/năm…
Tuy nhiên, từ tháng 5-2015, mặt bằng lãi suất tăng nhẹ cả trên thị trường liên ngân hàng và thị trường dân cư, tổ chức kinh tế. Cuối tháng 5, đầu tháng 6-2015, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng tăng khoảng 0,2-0,5%/năm, mức tăng cao hơn chủ yếu là các kỳ hạn dài.
Cụ thể: HDBank tăng lãi suất từ 5,5%/năm lên 5,7%/năm cho kỳ hạn từ 6 – 11 tháng và từ 6,5%/năm lên 7%/năm kỳ hạn 12 tháng. Ngân hàng Đông Á tăng từ 5,6%/năm lên 6%/năm kỳ hạn tháng. Eximbank tăng từ 5,2%/năm lên 5,4%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và từ 5,8%/năm lên 6,2%/năm kỳ hạn 12 tháng. Mức tăng 0,05-0,5% lãi suất huy động ngắn hạn cũng được ghi nhận tại VietinBank, Agribank, BIDV, MB, OCB, Sacombank, DongABank, HDBank, MaritimeBank…
Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức từ 6,4-7,2%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay duy trì ở mức cũ (từ năm 2014), cụ thể: lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11-12,5%/năm đối với trung và dài hạn; trong đó một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, sản xuất kinh doanh hiệu quả, lãi suất cho vay chỉ 6-7%/năm.
Theo tính toán của HSC, vào thời điểm cuối tháng 6-2015, lãi suất huy động bình quân ở mức 5,76% và lãi suất cho vay bình quân cũng tăng 0,02%. Trong đó, một số ngân hàng như Vietcombank đã tăng lãi suất cho vay ngắn hạn, Eximbank hạ lãi suất cho vay ngắn hạn, nhưng nâng lãi suất cho vay dài hạn. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất chưa tác động tiêu cực tới trần lãi suất cho vay đối với năm lĩnh vực ưu tiên.
Nhìn chung, theo số liệu thống kê của NHNN, trong sáu tháng đầu năm 2015, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 0,3%/năm; tăng trưởng tín dụng bốn tháng đầu năm 2015 đạt 2,78% và năm tháng đạt 4,8% và sáu tháng đạt 6,28% so với cuối năm ngoái – mức cao nhất so với cùng kỳ ba năm qua và gấp hơn ba lần so với mức 2,03% cùng kỳ năm 2014); huy động vốn tăng 4,58%; tổng phương tiện thanh toán tăng 5,09% so với cuối năm 2014.
Lãi suất kỳ hạn trên sáu tháng vẫn tương đối ổn định. Lãi suất huy động giảm đã làm giảm nhẹ mức huy động, cụ thể trong sáu tháng đầu năm, huy động vốn của các NHTM tăng 4,58% (thấp hơn mức tăng 5,26% của cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, về tổng thể, thanh khoản của hệ thống NHTM tiếp tục được cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống. Trạng thái vốn khả dụng của toàn hệ thống hiện vẫn dư thừa, NHNN vẫn phải liên tục hút bớt tiền về (đã hút ròng khoảng 16,5 nghìn tỷ đồng qua repos và tín phiếu từ ngày 22-6 đến ngày 3-7-2015).
Về cơ cấu, điểm đáng chú ý nhất so với hai năm qua là tín dụng của các NHTM đã bớt tập trung vào kênh trái phiếu Chính phủ và gia tăng nguồn cung cho khu vực doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế xã hội. Đồng thời, tính đến cuối tháng 6-2015, tín dụng bất động sản tăng 11% (chiếm tỷ trọng 8,3% trong tổng dư nợ tín dụng toàn ngành) cao gần gấp đôi mức tăng dư nợ tín dụng chung và chủ yếu là cho vay xây dựng nhà ở và cho thuê, góp phần kích thích tiêu dùng đối với các nhóm hàng vật liệu xây dựng. Tuy vậy, Nghị quyết phiên họp tháng 6-2015 của Chính phủ vừa ban hành đã đề cập đến nội dung yêu cầu “Giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”, cụ thể là bất động sản, dự án có thời gian thu hồi vốn dài.
Nửa cuối năm 2015,xu hướng ổn định lãi suất hiện hành sẽ là chủ đạo; đồng thời, lãi suất tiền gửi cũng như cho vay, cả bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ cần được điều chỉnh theo diễn biến lạm phát; thu hẹp bớt khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay xuống đến mức thấp nhất có thể và phụ thuộc nhiều vào diễn biến của lạm phát và kết quả cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nói riêng, cơ cấu lại thị trường tài chính và bất động sản nói chung.
Việc tăng lãi suất huy động để bảo đảm phù hợp hơn với diễn biến thị trường cũng như bảo đảm cân đối nguồn vốn, bắt nguồn trực tiếp từ thực tế huy động vốn của nhiều NHTM có dấu hiệu chững lại, trong khi cầu và trần tín dụng tăng gắn với sự phục hồi kinh tế và ấm lên thị trường bất động sản.
Đặc biệt, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay sẽ thu hẹp, trong khi lãi suất cho vay có xu hướng tăng nhẹ gắn với xu hướng truyền thống sẽ tăng lạm phát và nhu cầu vốn vay vào cuối năm, đồng thời gắn với một số nhân tố mới, như tăng nhập siêu, lãi suất USD và quy mô tín dụng thời gian tới.
Thị trường bất động sản đang ấm lên cũng tác động tới lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng theo hướng buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để vừa giữ chân người gửi tiền, vừa tăng khả năng huy động và đáp ứng nhu cầu vốn cho thị trường này. Lãi suất cho vay cũng vì thế sẽ phải tăng lên để bảo đảm tỷ suất lợi nhuận cho ngân hàng.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, dù lãi suất huy động có tăng dần, song lãi suất cho vay khó tăng mạnh, do sức chịu đựng của doanh nghiệp và áp lực cạnh tranh tín dụng đầu ra giữa các NHTM.
Thực tế cho thấy, sự lên xuống của lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, có tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế-xã hội, cũng như trong việc thực thi mục tiêu của chính sách tiền tệ. Việc tăng lãi suất cũng được sử dụng như một công cụ để bảo vệ tỷ giá hối đoái trước sự biến động nhanh chóng của các luồng vốn trên thị trường quốc tế và trước những thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế. Nâng lãi suất sẽ kích thích hạn chế tiêu dùng và sử dụng tiết kiệm các khoản vay, làm giảm cầu tín dụng, thu hẹp nhập khẩu. Lãi suất cho vay quá cao sẽ hạn chế đầu tư xã hội, dẫn đến tăng đình trệ suy thoái, thất nghiệp và phá sản. Ngoài ra, mức lãi suất cho vay cao “ở đầu vào” sẽ được người vay tự động chuyển vào giá cả “ở đầu ra”, làm tăng mức giá chung. Bởi vậy, lãi suất cho vay cần ổn định trong trung – dài hạn hoặc suốt vòng đời của dự án để tạo thuận lợi và kích thích doanh nghiệp tăng vay để đầu tư lâu dài.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()