Xu hướng hoạt động mua bán, sáp nhập trên thị trường bán lẻ
Ở nước ta, từ khi thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, hội nhập kinh tế thế giới cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp cũng dần được hình thành và phát triển nhanh chóng cả về số lượng và quy mô.
Đi đầu trong xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) hiện nay có lẽ là ngành bán lẻ Việt Nam. Toàn ngành đang chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường nội địa. Đây là xu hướng tất yếu của quá trình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Xuất phát từ nhu cầu hội nhập của nền kinh tế trong nước, các cam kết WTO về mở cửa hoàn toàn thị trường phân phối, cũng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTAs) và khi cam kết về thực hiện khu vực mậu dịch tư do giữa các nước thành viên ASEAN có hiệu lực đầy đủ, tất cả 10 quốc gia thành viên sẽ hội nhập kinh tế toàn diện vào một thị trường chung thống nhất thì thị trường Việt Nam và hàng Việt Nam sẽ hướng đến một sân chơi thương mại không biên giới với rất nhiều cạnh tranh. Mặt khác, trong bối cảnh thị trường bán lẻ các nước trong khu vực đang tiệm cận điểm bão hòa, thị trường Việt Nam với hơn 91 triệu dân, trong đó có tới 60% là tiêu dùng trẻ, tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ là 25% trong các kênh phân phối, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%), Phillippines (33%), Trung quốc 51%, Singapore 90%… Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành thương mại Việt Nam thì đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm, phấn đấu đạt tỷ lệ bán lẻ hiện đại khoảng 45% trong tổng số các kênh phân phối bán lẻ trên thị trường. Do vậy, ngành bán lẻ Việt Nam đang trở thành điểm đến vô cùng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới các hãng bán lẻ nước ngoài sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường bán lẻ của Việt Nam, cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt và M&A trong lĩnh vực bán lẻ là không tránh khỏi và sẽ ngày càng sôi động.
Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy M&A tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia đang giảm dần cả về số lượng và giá trị trong các năm gần đây, trong khi M&A của Việt Nam lại đang tăng dần. Như vậy, giai đoạn tới, khi các chính sách trở nên thông thoáng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam trở nên hấp dẫn, cùng với xu hướng mua bán thuận lợi thì thông qua M&A, Việt Nam cũng được hưởng lợi khi dòng vốn ngoại sẽ tăng cường đổ vào thị trường bán lẻ.
Triển vọng M&A sẽ tiếp tục được đẩy mạnh bởi sự thay đổi về chính sách, nỗ lực tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước thông qua Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Cùng với đó, Chính phủ ban hành Nghị định 60/NĐ-CP năm 2015 cho phép nới tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, với những cam kết cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước lớn, sự trỗi dậy của các công ty tư nhân trong nước, sự quan tâm của các dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A tại Việt Nam… được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy làn sóng M&A trong thời gian tới.
Các tác động từ chính sách có thể thấy là sự an toàn cho các khoản đầu tư theo Luật Doanh nghiệp mới sẽ được cải thiện. Việt Nam hiện xếp hạng 116/188 quốc gia về mức độ bảo vệ nhà đầu tư, nhưng với luật mới thì thứ hạng này của Việt Nam sẽ tăng lên tương đương các nước ASEAN – 6, tức có thể tăng 50 bậc, xếp vị trí 60-70 trong bảng xếp hạng nếu các nước khác không có thay đổi. Điều này có tác động mạnh mẽ tới niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp mới không hạn chế thực hiện M&A, sáp nhập các công ty khác loại hình như luật cũ, tức một công ty cổ phần có thể sáp nhập với một công ty TNHH, mà không cần thực hiện thêm bước chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Đồng thời, sự thay đổi trong Luật Đầu tư, xét về thủ tục thì M&A dễ dàng, đơn giản hơn so với việc nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp. Chẳng hạn, một nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp phải thực hiện ít nhất 30 thủ tục, nhưng theo luật mới, khi mua cổ phần, góp vốn dưới 51% không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì họ không phải làm thủ tục đầu tư mà chỉ cần thực hiện đăng ký thay đổi thành viên. Thủ tục đơn giản hơn sẽ kích thích hoạt động M&A.
Bên cạnh cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn từ ASEAN là rất lớn, thì cũng không tránh khỏi sự thâm nhập của hàng ngoại. Xu hướng doanh nghiệp bán lẻ ngoại ồ ạt vào đồng nghĩa với việc hàng nội bị lép vế, khó khăn trong việc xuất hiện tại các siêu thị của nước ngoài mặc dù hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết mà nhà phân phối đưa ra. Trên thực tế, hàng hóa ngoại nhập tràn vào với thuế suất bằng 0% thì các doanh nghiệp cũng không thể đi trái với quy luật của thị trường là chỉ ủng hộ hàng Việt mà không lựa chọn hàng ngoại nhập có chất lượng tốt, giá cả thích hợp, nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo về mọi mặt cho người tiêu dùng. Do vậy, để cạnh tranh với hàng ngoại nhập và có chỗ đứng bền vững thì vấn đề nằm ở chỗ các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành, các doanh nghiệp bán lẻ cần xây dựng được sản phẩm bán lẻ với dịch vụ cung ứng chất lượng cao, cũng như tận dụng tốt các cơ hội để nắm bắt thị trường.
Với vấn đề này, Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề tiếp tục hoàn thiện hệ thống các luật, văn bản quy phạm pháp luật về M&A, các văn bản hướng dẫn về M&A. Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục thực hiện một cách hiệu quả hơn quy hoạch tái cơ cấu của ngành công thương về xây dựng các nhà bán lẻ hàng đầu cũng như quy hoạch hệ thống bán lẻ khoa học, hợp lý tại các địa phương trên toàn quốc và kiên quyết thực hiện đúng theo quy hoạch.
Về phía doanh nghiệp bán lẻ cũng cần khẩn trương nâng cao chất lượng cung ứng, hạ giá bán hàng hóa, muốn vậy phải tìm cách liên kết với các nhà sản xuất, chế biến, hoặc cũng có thể đầu tư sản xuất sản phẩm, hàng hóa cho hệ thống cung ứng của mình, mặt khác liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và sau bán hàng. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng cần vượt qua các thách thức từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới. Xây dựng thương hiệu và tham gia mạnh mẽ vào các mô hình bán hàng thông qua thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên truyền hình, điện thoại…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()