Xu hướng doanh nghiệp chủ động đào tạo vì khó tuyển dụng lao động đặc thù
Làm sao để hướng tới một thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, căn cơ là những vấn đề được đưa ra trao đổi, chia sẻ tại Tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 12/9.
Tọa đàm thu hút ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng và việc làm cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử sử dụng lao động quy mô lớn.
Bộ phận nhân sự Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, hiện Pouyuen đang cần và tuyển 1.000 lao động nhưng rất khó tuyển.
Bà Đặng Hồng Liên, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH PouYuen Việt Nam chia sẻ: “Thời gian nghỉ dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chấm dứt hợp đồng lao động một số lao động.
Nay kinh tế phục hồi, công ty đã có đơn hàng trở lại. Công ty có nhu cầu tuyển dụng 2.000 và tuyển được 1.000 người và hiện cần thêm 1.000 lao động. Doanh nghiệp cũng nhờ công nhân công ty kết nối giới thiệu hoặc qua các Trung tâm chuyên về việc làm”.
Việc khó tuyển dụng lao động ngành may mặc cũng được Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, Tổng Công ty Cổ phần May Nhà Bè thông tin tại Tọa đàm, nhất là sau khi xảy ra đại dịch Covid-19 lao động ngành may trở nên khan hiếm, thu nhập ngành may không bảo đảm mức sống nên người lao động rời bỏ thị trường.
Bà Lê Thị Đoan Trinh, Phó Tổng Giám đốc khối nhân lực Scommerce đánh giá: Khách hàng chính của giao hàng nhanh Ahamove là Tiktokshop, Shopee, một hình thức mới về thương mại điện tử…
Công ty hiện có 20.000 lao động, hầu hết đều tự tuyển dụng và tổ chức đào tạo vì thị trường lao động bên ngoài không thể đáp ứng được. Shipper tưởng là người lao động không tay nghề nhưng thực sự cần chuẩn chỉnh, quyết định ngành đào tạo hay không. Họ phải biết sử dụng điện thoại thông minh, phân loại hàng hóa, chăm sóc khách hàng.
“Công ty chỉ sử dụng được 1-2% lao động qua đào tạo. Thực tế, nhiều ngành nghề ở các cơ sở giáo dục đào tạo không đáp ứng kịp, như ngành thương mại điện tử, các ngành logistics, kho bãi…
Thực tế các ngành mới hiện nay phát triển rất nhanh buộc chúng tôi phải học cách quản trị nghề nghiệp”, bà Trinh bày tỏ.
Là doanh nghiệp chuyên về ẩm thực, Bộ phận nhân sự Công ty CP Pizza 4PS cho biết, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cao trong khi cung không đủ cầu.
Bình quân mỗi năm công ty cần tuyển trên 3.000 nhân sự làm việc toàn thời gian, như vậy mỗi tháng cần tuyển 300 nhân sự, để có được số lao động đó thì lượng hồ sơ nhận được rất lớn.
Bà Lâm Thị Ngọc Ngân, Giám đốc nhân sự Công ty CP Pizza 4PS chia sẻ: “Tỷ lệ đậu hồ sơ tuyển dụng chỉ khoảng 10%. Do đó, công ty quyết định chọn hình thức đào tạo ngay từ đầu, chú trọng đến trải nghiệm khách hàng nên hầu hết nhận các bạn tay ngang, từ 18 tuổi trở lên để đào tạo. Do vậy, ngoài tiền lương, điều doanh nghiệp hướng tới là tạo ra nhiều giá trị dài lâu hơn cho người lao động”.
Trao đổi về các giải pháp tuyển dụng lao động nhằm mang lại hiệu quả cao hơn, Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Anh Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Trong bối cảnh của nền công nghệ số, chuyển đổi số, chúng ta đang đối mặt với khó khăn trong tiếp cận người lao động. Một phần doanh nghiệp tự đào tạo cho người lao động sau khi tuyển dụng, song họ không có chức năng cấp bằng cấp, chứng chỉ cho người lao động đó.
Bên cạnh đó, một số nghề, lao động đang thu hút lao động nhưng chưa được định danh như chạy xe công nghệ, giao hàng…
Mặt khác, lao động đang có sự dịch chuyển về địa lý. Cụ thể người lao động đang có sự dịch chuyển dần về các địa phương, nhất là lao động ngành may mặc.
Do vậy, để đạt hiệu quả tuyển dụng, bên cạnh chính sách về tiền lương, doanh nghiệp phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ,.. song song với đó là họ phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển".
Thị trường lao động Việt Nam dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế như sự mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Nhu cầu của người lao động hiện nay cũng có nhiều thay đổi.
Theo đó, lương thưởng, môi trường, quan hệ với đồng nghiệp là top 3 tiêu chí lựa chọn công việc của người lao động. Xu hướng làm việc linh động cũng đang gia tăng ở một số nghề. Có khoảng 30% nhân sự chuyển sang hình thức bán thời gian, làm việc từ xa, lao động tự do.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân
Ý kiến ()