'Xứ Đoài mây trắng bay': Chốn dừng chân ven đô giàu trải nghiệm
Nhằm mang đến sức sống mới cho Xứ Đoài-Sơn Tây, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung kích cầu hoạt động ở những quần thể văn hóa tiêu biểu và các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn.
Năm du lịch Sơn Tây – xứ Đoài với điểm nhấn là sự kiện khai trương Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (Hà Nội) sẽ chính thức khai mạc vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới.
Giờ đây “Vùng đất hai vua” giàu giá trị lịch sử, văn hóa và trải nghiệm có cơ hội để trở nên gần gũi, sống động và mang tính khám phá hơn cho du khách, chứ không chỉ lãng đãng “xứ Đoài mây trắng bay” như trong thi ca ngày nào.
Chốn dừng chân ven đô
Hiện thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô, có tính chất là đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng (theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Lãnh đạo địa phương cho biết nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng về điều kiện tự nhiên, di sản văn hóa Sơn Tây-xứ Đoài cho phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch địa phương, Năm du lịch Sơn Tây-xứ Đoài sẽ tập trung khai thác tiềm năng du lịch, văn hóa kết hợp với các điểm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi trên địa bàn và các vùng lân cận.
Theo đó thời gian tới, địa phương sẽ tập trung kích cầu hoạt động ở những quần thể văn hóa tiêu biểu như: Thành cổ Sơn Tây, đền Và, chùa Mía, Làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây… cùng khu du lịch hồ Đồng Mô với sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam và các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn.
Sự kiện trọng tâm chính là hoạt động của tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (chính thức khai trương vào tối ngày 30/4) – một trong bốn tuyến phố đi bộ của Hà Nội, với kỳ vọng sẽ phát huy lợi thế khu di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, công trình văn hóa khu vực trung tâm nhằm tạo ra không gian mang tính cộng đồng có âm hưởng hiện đại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, khám phá ẩm thực của người dân địa phương và du khách mỗi dịp cuối tuần.
Tuy chỉ mở vào tối thứ Bảy và sáng Chủ Nhật hàng tuần, trước mắt thí điểm đoạn từ cổng cũ trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (ngã ba Quang Trung-Nguyễn Thái Học) nhưng Tuyến phố đi bộ Sơn Tây hứa hẹn sẽ là không gian giải trí, văn hóa, du lịch độc đáo, giàu bản sắc cho người dân và du khách.
Điểm hẹn cuối tuần giàu trải nghiệm
Tính đến ngày 30/4/2022, Hà Nội có 4 tuyến phố được khai thác phục vụ người dân, du khách tham quan gồm: Tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), không gian đi bộ phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) và không gian đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).
Trong số đó, phố đi bộ Sơn Tây có ý nghĩa đặc biệt riêng bởi được bao quanh là di tích kiến trúc quốc gia Thành cổ, lại nằm trên các con phố trăm năm tuổi như: phố Nguyễn Thái Học, Phan Chu Trinh, một phần phố Lê Lợi và Phó Đức Chính.
Điểm đầu của phố đi bộ là cổng cũ trụ sở Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây ở phố Phó Đức Chính, có tổng chiều dài khoảng 1,6 km. Bên cạnh đó, khu vực này còn là trung tâm trụ sở các cơ quan hành chính sự nghiệp thị xã, vườn hoa trung tâm, trung tâm văn hóa, quảng trường, chợ Nghệ Sơn Tây, bưu điện thị xã… với hoạt động kinh doanh các dịch vụ sôi động.
Để sớm trở thành điểm hẹn mới của Thủ đô, ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết trên tuyến phố đi bộ này sẽ có các hoạt động phong phú như biểu diễn văn nghệ, đua thuyền, câu cá, múa rối nước, đi cà kheo, các trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật đương đại, ca nhạc đường phố, dân vũ, vũ quốc tế, vẽ chân dung, ký họa, thư pháp, các giải đấu vật, cờ vua, cờ tướng; triển lãm tranh, ảnh, sinh vật cảnh, giới thiệu sách, báo, tạp chí và các hoạt động dành cho thiếu nhi; các hoạt động giao lưu văn hóa xứ Đoài và các vùng miền…
Bên cạnh đó còn có nhiều dịch vụ khác như ẩm thực đường phố, sản phẩm OCOP, đặc sản của xứ Đoài Sơn Tây và các địa phương, đặc biệt là dịch vụ mobile house (nhà di động)…
Được biết, Sơn Tây hiện đã triển khai phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch, trong đó tập trung xây dựng nhiều tour tuyến tham quan tại các di tích nổi tiếng và đã thu hút được đông đảo du khách. Riêng khu vực Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 5.000-7.000 lượt du khách tham quan mỗi năm.
Dù hấp dẫn với nhiều tiềm năng du lịch song thực tế đại diện một số đơn vị lữ hành đánh giá Sơn Tây mới chỉ dừng ở việc thu hút khách tham quan trong ngày chứ rất ít khách lưu trú qua đêm, đặc biệt là thiếu hoàn toàn các địa điểm vui chơi giải trí, hoạt động về đêm. Chính vì thiếu điểm nhấn, điểm dừng để níu chân du khách như vậy nên địa phương cần đẩy mạnh phát triển hơn nữa các loại hình du lịch hấp dẫn, dựa trên việc khai thác và lan tỏa vốn quý là các giá trị di sản./.
Ý kiến ()