Xu-đăng thúc đẩy lộ trình hội nhập
Trải qua thời gian dài rơi vào khủng hoảng, Xu-đăng đang trong giai đoạn chuyển tiếp hướng tới thiết lập một nền dân chủ và phục hồi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Chính phủ mới của Xu-đăng đứng trước thách thức cùng những cơ hội nhằm tái thiết nền kinh tế đất nước, vốn kiệt quệ sau nhiều thập niên rơi vào nội chiến và phải chịu các lệnh trừng phạt.
Xu-đăng chứng kiến tình trạng tồi tệ của nền kinh tế do lạm phát tăng cao, chi phí sinh hoạt tăng vọt và sự khan hiếm các mặt hàng thiết yếu, vốn là những yếu tố dẫn tới cựu Tổng thống A.Ba-sia bị lật đổ năm 2019. Tỷ lệ lạm phát ở Xu-đăng hơn 300%, đặt ra thách thức lớn đối với chính phủ mới được bổ nhiệm với nhiệm vụ giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Cục Thống kê trung ương Xu-đăng nêu rõ, tỷ lệ lạm phát hằng năm đã lên tới 304,3% trong tháng 1-2021, tăng mạnh so với mức 269,3% trong tháng 12-2020, do giá cả leo thang, trong đó có giá lương thực, thực phẩm. Xu-đăng đứng trước bài toán an ninh lương thực. Nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi cho biết, khoảng 63% diện tích của Xu-đăng là đất nông nghiệp. Ðây là cơ hội cho đầu tư, vì nông nghiệp tưới tiêu quy mô lớn có tiềm năng tạo ra việc làm, tăng thu nhập và nguồn thu ngoại hối. Tại cuộc họp gần đây, người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp của Liên hợp quốc (LHQ) tại Xu-đăng (UNITAMS) khẳng định lại cam kết của LHQ ủng hộ nỗ lực của Xu-đăng nhằm đạt được chuyển đổi dân chủ, hòa bình và phục hồi kinh tế.
Việc Mỹ chính thức đưa Xu-đăng ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố giúp quốc gia Ðông Phi này tái hội nhập nền kinh tế toàn cầu và mở ra các cơ hội hợp tác quốc tế. A-rập Xê-út cam kết đầu tư ba tỷ USD vào một quỹ chung để đầu tư vào Xu-đăng và khuyến khích các bên khác tham gia. Xu-đăng cũng nhận được cam kết từ A-rập Xê-út đối với khoản tài trợ trị giá 1,5 tỷ USD mà nước này công bố lần đầu hồi tháng 4-2019. A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) cùng cam kết viện trợ ba tỷ USD cho Xu-đăng. Các tổ chức đa phương và các đối tác phát triển, trong đó có Ðức và Liên hiệp châu Âu (EU), cùng hợp lực để hỗ trợ Xu-đăng trong tiến trình chuyển đổi. Cuối năm ngoái, Mỹ cũng công bố một “khoản cho vay bắc cầu” trị giá một tỷ USD thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) để giúp giảm các khoản nợ cho Xu-đăng. Tháng 1 vừa qua, Anh cũng công bố khoản cho vay 465 triệu USD để giúp Khắc-tum thanh toán các khoản nợ với Ngân hàng Phát triển châu Phi.
Xác định vai trò quan trọng của Xu-đăng đối với sự ổn định của vùng Sừng châu Phi, Bắc Phi và khu vực Xa-hen, Quốc hội Ðức quyết định chính thức nối lại hợp tác phát triển với Chính phủ Xu-đăng, vốn bị gián đoạn trong thời gian dài. Trong chuyến thăm Xu-đăng mới đây, Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi cũng đánh giá cao những bước tiến mới trong quan hệ hai nước và nhấn mạnh điều này phản ánh ý chí chính trị nhằm tăng cường mối quan hệ này trong các lĩnh vực chiến lược khác nhau. Ông Xi-xi bày tỏ sự ủng hộ của Cai-rô đối với Khắc-tum trong mọi lĩnh vực và sẵn sàng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Tổng thống Xi-xi khẳng định, Ai Cập ủng hộ các nỗ lực nhằm tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển ở Xu-đăng trong giai đoạn quan trọng này. Ai Cập cũng kêu gọi tăng cường các nỗ lực khu vực và quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận ràng buộc pháp lý về việc tích nước và vận hành đập thủy điện Ðại phục hưng của Ê-ti-ô-pi-a (GERD).
Chính phủ chuyển tiếp ở Xu-đăng đang nỗ lực cải thiện hình ảnh, duy trì sự ổn định của đất nước thông qua việc củng cố thỏa thuận hòa bình được ký tháng 10-2020. Trước thách thức về phục hồi nền kinh tế, Chính phủ Xu-đăng sẽ tăng tốc nhằm thúc đẩy lộ trình hội nhập, thực hiện các cam kết cải cách trước khi các cuộc bầu cử quan trọng diễn ra.
Ý kiến ()