XRI LAN-CA là quốc đảo nằm ở ngoài khơi phía nam Ấn Độ, phía tây nam của Vịnh Ben-gan và phía đông nam biển A-rập. Tiếng Việt xưa gọi quốc đảo này là Tích Lan. Hòn đảo này nằm trên đường nối hàng hải chiến lược giữa Tây Á và Đông-Nam Á.
Vì vậy, từ thời cổ đại, Xri Lan-ca luôn là một cảng biển và đầu mối thương mại quan trọng của thế giới. Đây cũng từng là trung tâm tôn giáo và văn hóa Phật giáo từ thời xa xưa… Vẻ đẹp tự nhiên của những cánh rừng nhiệt đới, các bãi biển và phong cảnh nơi đây, cũng như sự giàu có về những di sản văn hóa nổi tiếng, khiến Xri Lan-ca còn được gọi là Hòn ngọc Ấn Độ Dương.
Từ Mum-bai (Ấn Độ), chúng tôi đến quốc đảo tươi đẹp này vào chiều ngày 13-10, khi nắng đã dịu nhẹ và biển cả đã chuyển sang mầu xanh thẫm. Lễ đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam, được các bạn Xri Lan-ca tổ chức trọng thể ngay tại sân bay Ban-đa-ra-nai-kê, tên của nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước này hồi đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Tổng thống nước chủ nhà, ông Ma-hin-đa Ra-gia-pắc-xê và Phu nhân nồng nhiệt đón các vị khách quý Việt Nam với những nghi lễ trọng thể nhất, có cả những vũ điệu dân gian đặc sắc trong tiếng trống truyền thống thật rộn ràng… Từ sân bay về tới trung tâm Thủ đô Cô-lôm-bô, xe chúng tôi đi mất khoảng một tiếng đồng hồ trên con đường trải nhựa phẳng lỳ. Hai bên đường là những vườn cây, hàng dừa, những mái chùa, cửa hiệu tạp hóa, quán ăn sáng ánh đèn nê-ông trong ráng chiều chạng vạng, cứ ngỡ như đang đi qua một vùng nào đó ở miền Tây Nam Bộ vậy…
Việt Nam và Xri Lan-ca có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Xri Lan-ca luôn ủng hộ nước ta trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Giống như Việt Nam, Xri Lan-ca cũng có một truyền thống bất khuất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quốc đảo chỉ rộng có 65.610 km2 này, với dân số hơn 20 triệu người, ngay từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước đã tạo dựng được cho mình một vai trò tích cực trong các nước thế giới thứ ba. Xri Lan-ca là một trong các nước đề xướng ra Hội nghị Băng-đung năm 1955 nổi tiếng, lập ra năm nguyên tắc chung sống hòa bình, mà giá trị của nó vẫn còn mãi đến ngày nay. Đây cũng là nước tiền thân và có vai trò tích cực xây dựng Phong trào Không liên kết, sự đoàn kết của các nước trong thế giới thứ ba. Nhiều người Việt Nam chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh hàng chục nghìn người dân Xri Lan-ca đứng chật hai bên đường đón chào Đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đến thăm đất nước này năm 1978, khi Việt Nam mới hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Ngày đó, Tổng thống Xri Lan-ca Giu-ni-ơ-xơ Ri-chát Giây-ê-uốt-đơ-nê đã phát biểu chân tình: “Về phía Xri Lan-ca, mọi chính đảng, mọi Chính phủ đều đứng về Việt Nam”…
Có thể nói, lãnh đạo các thế hệ ở Xri Lan-ca đều có cảm tình với Việt Nam, đánh giá cao vị thế của Việt Nam trong Phong trào Không liên kết và tại LHQ, đặc biệt là sự ủng hộ của Việt Nam đối với Xri Lan-ca trong chiến dịch chống lực lượng Những con hổ giải phóng Ta-min (LTTE). Ngay sau khi giành chiến thắng, tiêu diệt hoàn toàn lực lượng LTTE (tháng 5-2009), Việt Nam là nước đầu tiên mà Tổng thống Ra-gia-pắc-xê báo tin vui. Hiện nay, Chính phủ Xri Lan-ca đang tập trung các nỗ lực nhằm thực hiện hòa hợp dân tộc và đẩy mạnh các chương trình cải cách, phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là tại khu vực đông bắc và các vùng do LTTE kiểm soát trước đây. Chính phủ cũng tiến hành năm vòng đối thoại với đảng TNA (liên minh dân tộc Ta-min) trong nỗ lực hòa giải dân tộc và giải quyết các yêu sách của người Ta-min tại Xri Lan-ca, song chưa chấp thuận đòi hỏi tự trị của người Ta-min. Mới đây, ngày 28-8, Tổng thống Ra-gia-pắc-xê đề nghị hủy bỏ tình trạng khẩn cấp áp dụng từ tháng 8-2005, do tình hình nước này đã ổn định, không còn mối đe dọa khủng bố trong nước. Quyết định này được các lực lượng đối lập trong nước và nhiều nước khác hoan nghênh…
Năm 2010, GDP bình quân đầu người của quốc đảo này đạt khoảng 2.435 USD, tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 9,1%, lạm phát 5,9% (theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế – IMF). Xri Lan-ca về cơ bản vẫn là nước nông nghiệp, nhưng có ba sản phẩm xuất khẩu đứng đầu thế giới là chè đen, xơ dừa và cao-su bán thành phẩm. Về chè đen, nước này có các thương hiệu nổi tiếng như Dilmah, Lipton và chè đen xứ này được cung cấp thường xuyên cho Hoàng gia Anh. Điều đáng chú ý, để thành công như vậy, ngoài chất lượng chè đen, các nhà xuất khẩu ở đây rất quan tâm xây dựng thương hiệu, mẫu mã bao bì và các dịch vụ, sản phẩm “ăn theo”… Hiện nay, quan hệ thương mại của Xri Lan-ca với các bạn hàng truyền thống như Ấn Độ, Mỹ, các nước phương Tây, Trung Cận Đông, Nhật Bản ngày càng phát triển. Thực hiện chính sách hướng Đông, nước này ngày càng chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với Trung Quốc và các nước Đông – Nam Á, đặc biệt là Xin-ga-po. Chính phủ Xri Lan-ca chủ trương phát triển kinh tế – xã hội công bằng, hài hòa và tập trung xây dựng một nền kinh tế tự cường. Đất nước này đã có điều kiện hòa bình để đẩy mạnh chương trình tái thiết và phát triển. Hiện, Xri Lan-ca là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực Nam Á, chỉ sau Man-đi-vơ và Bu-tan.
Tại cuộc hội đàm chính thức giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ra-gia-pắc-xê, Tổng thống nước chủ nhà thông báo, sau 30 năm nội chiến, Xri Lan-ca đã giành được hòa bình, ổn định chính trị, tiến hành xong quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc. Mục tiêu đặt ra là đưa Xri Lan-ca trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2016, trở thành trung tâm hàng hải, hàng không kết nối khu vực Trung Đông và châu Á. Về các lĩnh vực hợp tác cụ thể, hai bên đều hài lòng về quan hệ song phương giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971. Hai bên nhất trí cho rằng, việc mở lại Đại sứ quán Việt Nam tại Xri Lan-ca từ tháng 4-2011 và việc hai bên ký tám thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành trong chuyến thăm này là biểu hiện sinh động của nguyện vọng tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Hai bên nhất trí phấn đấu đạt mục tiêu một tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều trong những năm tới; đánh giá cao việc hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, quốc phòng; quyết tâm đẩy mạnh và phát huy những tiềm năng sẵn có trong các lĩnh vực để tiến tới xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Trong không khí thân mật, thắm tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, nhân dịp này, Tổng thống Xri Lan-ca công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và ủng hộ Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2013-2016,…
Cô-lôm-bô là thành phố lớn nhất và là Thủ đô của Xri Lan-ca, nằm ở bờ tây của quốc đảo này. Phần lớn các công ty, tập đoàn kinh tế của Xri Lan-ca có trụ sở tại đây, tập trung các ngành nghề như dệt may, đồ gỗ và đồ trang sức… Cô-lôm-bô có kiến trúc mô tả các phong cách khác nhau. Nhiều tòa nhà thời thuộc địa bị ảnh hưởng bởi phong cách Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh, cùng tồn tại với những kiến trúc theo kiểu Phật giáo, Hin-đu, Hồi giáo và các kiểu kiến trúc đương đại… Rõ nhất là ở trung tâm thành phố, khu vực Fort. Ở đây có thể thấy các tòa nhà cao chọc trời đời mới, cùng những tòa nhà có niên đại cách đây hàng trăm năm. Nhưng cũng ghi nhận điều đáng quý của thành phố là có những công viên cây xanh rộng lớn và những hồ nước ngay trong trung tâm… Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự lễ khai trương trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam ở Xri Lan-ca cùng với Thủ tướng nước chủ nhà Đ.M. Giây-a-rát-nê, như một biểu hiện ở tầm cao quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực, cho tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp.
XRI LAN-CA, một quốc đảo tươi đẹp với những con người hiền hòa, mến khách. Với 70% dân số theo đạo Phật và vốn là một trung tâm Phật giáo, khi đến đây, ấn tượng dễ gặp là đi đâu cũng có thể nhìn thấy tượng Phật. Tại các vòng xoay, các ngã tư trên đường phố hoặc hai bên đường thường có cây bồ đề với một gian chùa nhỏ để người qua đường có thể đến lễ bái. Đất nước này có thể tự hào với những di sản văn hóa Phật giáo có ở nhiều nơi, với mật độ dày đặc và rất nổi tiếng như Chùa Nha Phật, “Tam giác văn hóa” gồm ba thành phố cổ, có nơi như là Thánh địa Phật giáo của quốc đảo này, với la liệt những di tích cổ… Sự giàu có của những di sản văn hóa, vẻ đẹp của đất nước được thiên nhiên ban tặng, cùng với sự chăm sóc giữ gìn của người dân sở tại, đã thu hút hàng triệu du khách mỗi năm đến hòn đảo ấm áp này.
Ý kiến ()