Xóa phòng học tạm ở Văn Quan: Khó khăn bộn bề
LSO-Là huyện khó khăn ở tỉnh Lạng Sơn, trong những năm qua, ngành giáo dục Văn Quan bằng nhiều giải pháp đã xây dựng được một số trường, phòng học kiên cố để tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các em học sinh các xã vùng sâu, vùng khó khăn. Tuy nhiên, do quy mô trường lớp tăng, cộng thêm kinh phí còn hạn chế nên tình trạng sử dụng phòng học tạm (bao gồm các phòng học tranh tre, các phòng học được làm bằng các vật liệu khác nhau quá xuống cấp) ở Văn Quan vẫn còn. Xóa hết phòng học tạm là bài toán khó vẫn chưa có đáp án.
Huyện Văn Quan vẫn còn khá nhiều phòng học tạm |
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, hiện trên địa bàn huyện có 62 trường, trong đó có 14 trường mầm non, 27 trường tiểu học, 20 trường trung học cơ sở và 1 trường phổ thông cơ sở. Tổng số phòng học hiện có là 516 phòng, tuy nhiên, số phòng học kiên cố chỉ có 285 phòng. Ông Đổng Tiến Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết, do ngân sách của ngành cấp có hạn, cộng với khả năng kinh tế của địa phương không nhiều nên việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp ở vùng khó gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do tại sao trên địa bàn huyện hiện vẫn còn 44 phòng học tạm, 157 phòng học là nhà cấp 4. Đấy là chưa kể hiện tại hệ thống trường lớp tại huyện còn thiếu 131 phòng học.
Vừa qua, thông qua một tổ chức từ thiện, Trường Tiểu học Nà Lốc, xã Tú Xuyên (có 9 phòng tạm bợ) đã được hỗ trợ xây dựng 8 phòng học mới, kiên cố. Với hơn 200 triệu đồng hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cùng với 200 triệu của ngành giáo dục huyện, năm học mới này Trường Tiểu học Nà Lốc đã có phòng học kiên cố để phục vụ công tác dạy và học. Tuy nhiên, do kinh phí chỉ bó hẹp trong khoảng 400 triệu đồng, nên ngôi trường vẫn còn thiếu khá nhiều thứ. Các phòng chức năng, phòng công vụ, nhà vệ sinh…, đặc biệt là hệ thống bàn ghế, bảng đã xuống cấp những đến nay thầy trò vẫn phải sử dụng vì chưa có kinh phí tăng cường. Không chỉ vậy, hiện nay trường vẫn chưa có điện lưới quốc gia, điều này cũng khiến việc dạy và học còn rất nhiều khó khăn.
Muốn có chất lượng giáo dục phải có điều kiện dạy và học tối thiểu, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục. Thời gian qua, mặc dù huyện Văn Quan đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng trường, lớp học từ nhiều nguồn vốn như: Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; vốn xây dựng cơ bản tập trung, vốn chương trình các xã 135; vốn xã hội hóa. Nhưng số phòng học được xây mới cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo số liệu của phòng GD&TĐ huyện, thời gian qua ngành và địa phương đã tiến hành tu sửa được 74 phòng học, 2 phòng chức năng; xây mới được 35 phòng học, trong đó có 22 phòng kiên cố, 13 phòng bán kiên cố. Tuy nhiên, do kinh phí cấp hàng năm cho mọi nhiệm vụ chỉ dừng ở vài tỷ đồng thì thật khó có thể tính đến việc “xóa” tất cả các phòng học tạm trong 1 thời gian ngắn, chứ chưa tính đến việc xây bổ sung các phòng học còn thiếu (131 phòng).
Thực trạng khó khăn trên ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi mỗi năm số học sinh mầm non, tiểu học lại tăng hơn so với năm trước. Với điều kiện kinh phí khó khăn như huyện Văn Quan, giải pháp đầu tiên và lâu dài trong công tác xóa phòng học tạm là phải tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội trong khi nguồn xã hội hóa chưa nhiều. Đây chính là áp lực, là bài toán nan giải cho việc xóa phòng học tạm, học nhờ ở Văn Quan cũng như nhiều huyện khác trên địa bàn.
Ý kiến ()