Xóa nghèo ở Mù Cang Chải
Là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, Mù Cang Chải (Yên Bái) có gần 49.000 nhân khẩu và HƠN 90% dân số là đồng bào Mông, sống rải rác ở các bản thuộc 14 xã, thị trấn. Trình độ dân trí thấp, địa hình phức tạp, tập quán canh tác lạc hậu... đang là những bước cản lớn cho sự phát triển. Vượt qua các trở ngại đó, dự án Chương trình 135 của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, từng bước đưa Mù Cang Chải thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK).Hiệu quả của Chương trình 135Nhìn vào chỉ số thoát nghèo của huyện Mù Cang Chải từ con số 72,71% năm 2005, đến năm 2010 còn 40,44%, với 2.689 hộ thoát nghèo là số liệu đáng ghi nhận của nỗ lực xóa đói, giảm nghèo nơi đây. Đến với các xã trong huyện miền núi mới thấy những đổi thay từ sự đầu tư của Chính phủ đối với đồng bào vùng cao. Đó là đường giao thông nông thôn đã đến được trung tâm các xã; đường điện hạ thế làm bừng sáng các bản về đêm, chấm dứt tình trạng heo hút đèn...
Hiệu quả của Chương trình 135
Nhìn vào chỉ số thoát nghèo của huyện Mù Cang Chải từ con số 72,71% năm 2005, đến năm 2010 còn 40,44%, với 2.689 hộ thoát nghèo là số liệu đáng ghi nhận của nỗ lực xóa đói, giảm nghèo nơi đây. Đến với các xã trong huyện miền núi mới thấy những đổi thay từ sự đầu tư của Chính phủ đối với đồng bào vùng cao. Đó là đường giao thông nông thôn đã đến được trung tâm các xã; đường điện hạ thế làm bừng sáng các bản về đêm, chấm dứt tình trạng heo hút đèn dầu lâu nay; các công trình thủy lợi gắn liền với việc khai hoang làm ruộng nước, nhất là một số diện tích ruộng hai vụ đã có năng suất tăng, cơ bản ổn định được an ninh lương thực tại chỗ.
Đặc biệt việc đưa trẻ đến trường đã có sự tiến bộ rõ nét nhờ có đầu tư đúng hướng cho giáo dục vùng cao, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Nậm Có cho biết: Thực hiện Quyết định số 122/2007/CP hỗ trợ các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số có con em đến lớp 70 nghìn đồng/tháng, người dân vui lắm và đều cho con đi học. Nhờ vậy mà xã Nậm Có đã có bảy lớp mầm non cắm bản, năm lớp tập trung tại trung tâm xã với 283 em theo học. Đây là cơ sở tiên quyết giúp con em đồng bào Mông biết tiếng phổ thông, biết chữ, làm quen với cộng đồng và tránh được mù chữ tồn tại bao đời nay. Đến thăm nơi học sinh bán trú tại xã Dế Xu Phình, tuy chưa thật sự đầy đủ về nơi ăn nghỉ, nhưng thật vui khi thấy các em cùng nhau sử dụng máy vi tính do Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái tặng theo Chương trình 30a, nhằm giúp đỡ các huyện nghèo sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Ở bản Nả Dề Thàng, xã Khau Mang, có bác Sùng A Giàng biết làm giàu cho gia đình, đi đầu trong việc vận động đưa giống mới vào sản xuất, xóa bỏ việc tái trồng cây thuốc phiện và được bà con trong bản tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Khau Mang. Trong ngôi nhà gỗ ba gian lợp phi-brô-xi-măng đã có đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt gia đình, bác Giàng nâng chén rượu ngô mời khách và bảo: Các thứ này có được từ tiền bán lợn và cá nuôi đấy, còn lúa năm nay đủ ăn vụ này không bị đói đâu! Các thửa ruộng bậc thang hai vụ của gia đình trên triền núi dốc đầy nước, lúa qua đợt giá lạnh đã bén rễ lên xanh. Ao nuôi cá được thả bèo hoa dâu giữ ấm cũng đồng thời làm thức ăn cho lợn; đất lúa nương nay chuyển sang trồng ngô Bi-ô-xít cho năng suất cao và giá trị hàng hóa nhiều hơn. Có ngô làm thức ăn, nên đàn lợn thịt hơn 10 con của gia đình béo đen, có con nặng hai tạ, ai đến mua cũng thích.
Từ truyền thống làm ruộng một vụ trên các triền ruộng dốc bậc thang, đến nay, toàn huyện đã đưa vào gieo cấy được 760 ha lúa xuân. Trên 1.600 ha đất dốc, cây ngô đã bén rễ và đứng vững trong nhiều năm nay, góp phần xóa đói và một phần bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ.
Đột phá trong luân chuyển cán bộ
Anh Trịnh Thế Bình, vốn trước công tác tại Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, năm 2010, được tăng cường làm Bí thư Đảng ủy xã Khau Mang, thạo tiếng Mông, tuổi mới 30, nên việc leo dốc lên 10 bản trong xã không có gì đáng ngại. Bình tâm sự: 'Cái khó nhất ở xã là làm sao chuyển đổi nhận thức cả về cách nghĩ, cách làm cho đồng bào. Muốn vậy, mỗi cán bộ nói phải đi đôi với việc làm, dù khó mấy cũng kiên quyết thực hiện bằng được thì dân bản mới tin'. Nhờ đoàn kết trong cấp ủy, bản thân gắn với công việc, coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật… nên xã Khau Mang đã có bước chuyển đáng kể: ruộng lúa cấy hai vụ từ 50 ha lên 120 ha; huy động trẻ ra lớp đạt 100%; các công trình xây dựng đường giao thông nông thôn, trường tiểu học, công trình thủy lợi Séo Mả Pán được giám sát chặt chẽ và phát huy hiệu quả; đưa bốn cán bộ trẻ của xã đi đào tạo đại học; tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm được 6%.
Xác định 'cán bộ là cái gốc của công việc', ở đâu có cán bộ tốt thì phong trào nơi đó phát triển. Tại các xã Dế Xu Phình, Khau Phạ, Hồ Bốn, La Pán Tẩn, Nậm Có, Kim Nọi… Huyện ủy bố trí đội ngũ cán bộ trẻ từ huyện xuống xã tăng cường các chức danh: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Phó bí thư Đảng ủy. Hầu hết các cán bộ đều phát huy vai trò lãnh đạo, điều hành và góp phần phát triển kinh tế ổn định chính trị tại địa bàn.
Trở ngại hiện nay là tỷ lệ hộ cận nghèo tại Mù Cang Chải còn cao; một số dự án do xã làm chủ đầu tư có nơi chưa phát huy hiệu quả; tình hình quản lý và bảo vệ rừng còn phức tạp… đang là những thách thức ở huyện vùng cao này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()