Xóa lỗ hổng miễn dịch: Nỗ lực của ngành y tế
(LSO) – Năm 2020, tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm 8 loại vắc xin miễn dịch cơ bản đạt trên 96%, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của ngành y tế trong việc đảm bảo xóa lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng, giúp trẻ có thể phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch nguy hiểm.
Bác sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết: Có thể khẳng định, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội nhưng năm 2020, công tác tiêm chủng đạt kết quả cao với 96% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin miễn dịch cơ bản và công tác tiêm chủng vẫn đảm bảo mục tiêu kép là “an toàn trong tiêm chủng và an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19”. Có được thành công này là do công tác tuyên truyền được đẩy mạnh từ hệ thống y tế cơ sở; cán bộ y tế thực hiện tốt công tác an toàn tiêm chủng.
Cán bộ Trạm Y tế phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn tiêm phòng cho trẻ em trên địa bàn
Cụ thể, công tác tuyên truyền chương trình tiêm chủng mở rộng được các đơn vị y tế đặc biệt quan tâm. Ông Đặng Văn Năm, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Văn Quan cho biết: Năm qua, các cán bộ y tế tại 17 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn đã tích cực tuyên truyền lồng ghép chương trình tiêm chủng qua các buổi khám sức khỏe cho người dân tại trạm, các bà mẹ mang thai khi đến khám thai về lợi ích của việc tiêm chủng. Đặc biệt, đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng. Mỗi khi đến lịch tiêm, các gia đình đều được thông báo trực tiếp hoặc nhắn tin, gọi điện thoại để tránh các trường hợp bỏ tiêm. Chính vì vậy, năm 2020, tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ 8 loại vắc xin miễn dịch cơ bản của huyện Văn Quan đạt 98,9%, cao nhất trên địa bàn tỉnh.
An toàn tiêm chủng và đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch chính là phương châm luôn được các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Theo đó, trước khi tiêm, trẻ được cán bộ tại các trạm y tế xã, thị trấn khám sàng lọc, trường hợp trẻ bị ho, sốt được hoãn tiêm và bố trí tiêm nhắc lại đợt sau. Khi đến trạm, các bà mẹ và trẻ đều được yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và được đo thân nhiệt. Các trạm y tế cũng bố trí vị trí chờ tiêm chủng, khu vực theo dõi sau tiêm chủng đảm bảo thông thoáng và thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch. Bác sĩ Hoàng Thị Hiếu, Trưởng Trạm Y tế xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình cho biết: Năm 2020, toàn xã có 51/53 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 8 loại vắc xin, đạt 96%. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, trạm bố trí mỗi đợt tiêm chia làm 2 buổi với số lượng trẻ được tiêm không quá 30 người.
Không chỉ có các giải pháp trên, năm qua, nhận thức của người dân về tiêm chủng cho trẻ cũng đã được nâng lên, các bậc cha mẹ đã đưa con em mình đi tiêm đầy đủ, đúng lịch hơn, góp phần vào thành công chung của công tác tiêm chủng toàn tỉnh. Chị Lâm Thị Hằng, thôn Phai Vài, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình cho biết: Tiêm vắc xin là phương pháp phòng ngừa bệnh an toàn và hiệu quả nhất dành cho trẻ em. Con trai tôi mới hơn 1 tuổi nhưng năm qua, cháu đã được tiêm đủ 8 loại vắc xin miễn dịch cơ bản. Tôi yên tâm vì cháu đã được tiêm phòng đầy đủ, tạo miễn dịch phòng, chống các bệnh tật nguy hiểm.
Có thể khẳng định, tiêm chủng là một trong những cách tốt nhất giúp trẻ em có thể phòng, chống và giảm tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch nguy hiểm. Đồng thời, giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức chăm sóc trẻ bị bệnh. Qua đó còn thiết thực góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Phát huy kết quả đạt được, năm 2021, ngành y tế Lạng Sơn phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa công tác tiêm chủng với quyết tâm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra là từ 95% trở lên trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 8 loại vắc xin.
Ý kiến ()