Đề ra kế hoạch cụ thể cho từng năm; phân công Tỉnh ủy viên phụ trách xã; cử thành viên ban chỉ đạo theo dõi giúp đỡ từng hộ gia đình xây dựng phương án làm ăn, phát triển kinh tế,... Từ những biện pháp đồng bộ đó đã giúp các hộ thoát nghèo bền vững, đó là cách xóa đói, giảm nghèo ở Tuyên Quang, vùng quê giàu truyền thống cách mạng.Cán bộ Nhữ Hán (Yên Sơn) cùng vợ chồng ông Sầm Văn Như trước ngôi nhà mới đang hoàn thiện. Trên đường xuống Nhữ Hán (Yên Sơn, Tuyên Quang), Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Chúc cho biết, năm nay toàn xã tập trung giúp 32 hộ gia đình nghèo làm nhà mới, đưa tổng số hộ được giúp làm mới và sửa nhà của xã trong năm năm trở lại đây lên 164, mỗi gia đình được Nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu đồng, phần còn lại là của gia đình. Khi triển khai xây dựng, các gia đình trong thôn, xóm, anh em họ mạc còn thay nhau giúp nhiều công lao động vận chuyển vật liệu, san nền... Ông Sầm Văn Như (dân tộc Cao...
Đề ra kế hoạch cụ thể cho từng năm; phân công Tỉnh ủy viên phụ trách xã; cử thành viên ban chỉ đạo theo dõi giúp đỡ từng hộ gia đình xây dựng phương án làm ăn, phát triển kinh tế,… Từ những biện pháp đồng bộ đó đã giúp các hộ thoát nghèo bền vững, đó là cách xóa đói, giảm nghèo ở Tuyên Quang, vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
Cán bộ Nhữ Hán (Yên Sơn) cùng vợ chồng ông Sầm Văn Như trước ngôi nhà mới đang hoàn thiện.
Trên đường xuống Nhữ Hán (Yên Sơn, Tuyên Quang), Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Chúc cho biết, năm nay toàn xã tập trung giúp 32 hộ gia đình nghèo làm nhà mới, đưa tổng số hộ được giúp làm mới và sửa nhà của xã trong năm năm trở lại đây lên 164, mỗi gia đình được Nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu đồng, phần còn lại là của gia đình. Khi triển khai xây dựng, các gia đình trong thôn, xóm, anh em họ mạc còn thay nhau giúp nhiều công lao động vận chuyển vật liệu, san nền… Ông Sầm Văn Như (dân tộc Cao Lan) ở thôn Đồng Rôm là một trong những hộ nghèo được giúp làm nhà đợt này. Ông Như có sáu người con, ruộng thì ít nên cảnh nghèo đeo đẳng theo gia đình suốt bao năm. Mấy năm gần đây các con ông đã lớn, ruộng thì được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chuyển sang trồng lúa lai có năng suất cao nên cũng đã bớt khó khăn hơn. Đầu năm 2011, gia đình ông được ưu tiên xếp vào danh sách hỗ trợ tiền làm nhà mới (năm 2004 gia đình ông cũng đã được hỗ trợ tấm lợp để sửa nhà). Cùng sự hỗ trợ của Nhà nước và tích lũy của gia đình, gần dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, cả nhà ông đã dọn đến ở trong căn nhà mới.
Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình chị Trần Thị Việt từ Phú Thọ lên đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Cần cù, chịu khó nhưng thiếu vốn và chưa biết tính toán làm ăn nên mãi vẫn nghèo. Năm 2005, được cán bộ xã và các đoàn thể tư vấn, chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua máy sơ chế chè. Vừa làm vừa học hỏi để nâng cao chất lượng nên sản phẩm chè sơ chế của gia đình chị được các cơ sở chế biến đánh giá cao, vì vậy vườn chè gần một ha của gia đình chị cho thu nhập gần gấp hai lần so với bán chè búp tươi. Nhờ được vay vốn ưu đãi lãi suất thấp nên từ diện thiếu ăn của xã chị dần dần trả nợ vay và có tích lũy để mua sắm máy đốn chè, máy hái chè. Ngoài ra chị còn hướng dẫn cho các hộ trong xóm cùng làm, đến nay xóm chị đã được bà con trong xã gọi vui là tổ hợp cùng phát triển kinh tế.
Ngay sau khi rà soát số hộ nghèo, tỉnh đã xây dựng chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 và kế hoạch triển khai thực hiện hằng năm. Đồng thời phối hợp với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể tập trung huy động nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để tổ chức thực hiện.
Với chủ trương “trao cần câu cho người nghèo”, từ năm 2005 đến 2010 tỉnh đã có 421 hộ được hỗ trợ đất sản xuất để cải thiện đời sống, đồng thời hỗ trợ về vốn, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với các hộ thiếu đất; 102.718 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn với lãi suất ưu đãi, doanh số cho vay hơn 1.000 tỷ đồng, số hộ nghèo được vay vốn đạt 95%; 176 hộ nghèo được hỗ trợ để triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo, từ đó nhân rộng; 278.516 lượt người nghèo được tập huấn kỹ thuật khuyến nông, hướng dẫn cách làm ăn. 3.000 người nghèo được đào tạo nghề; đầu tư hơn 161 tỷ đồng từ Chương trình 135 giai đoạn II để xây dựng cơ sở hạ tầng các xã.
Hiện nay, người nghèo và người dân tộc thiểu số sống tại các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho 28.298 lượt học sinh nghèo, 24.239 học sinh con hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg, ngày 20-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II với kinh phí hơn 24,3 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở cho 187 hộ, diện tích 3,99 ha từ nguồn vốn Chương trình 134; thực hiện hơn 42,8 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 76 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 2.767 giếng bể nước cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; các cấp chính quyền đã tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ vận động, huy động được hơn 180 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo từ Quyết định 167/QĐ-TTg gần 74 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp hơn 4,9 tỷ đồng, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ hơn 10 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 25 tỷ đồng) để hỗ trợ 12.144 hộ nghèo làm nhà và sửa chữa nhà ở… Thực hiện trợ giúp đột xuất hơn 33.426 lượt hộ, với hơn 125.902 nhân khẩu bị thiếu đói giáp hạt, kinh phí hơn 13,1 tỷ đồng, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ trợ giúp thường xuyên đối với các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định…
Công tác giám sát, kiểm tra thực hiện Chương trình giảm nghèo được triển khai thực hiện thường xuyên, thông qua kiểm tra, giám sát kịp thời tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh kịp thời các sai sót của cơ sở, giúp cho Ban chỉ đạo các cấp chỉ đạo kịp thời. Các hoạt động vận động nhân dân, xã hội tham gia Chương trình giảm nghèo, giúp đỡ người nghèo được MTTQ các cấp tích cực phối hợp chính quyền triển khai bằng nhiều hình thức qua đó đã vận động được 15,9 tỷ đồng Quỹ “Vì người nghèo”. Từ những biện pháp đồng bộ đó đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 35,64% (năm 2005) xuống 13,34% (năm 2010).
Theo Nhandan
Ý kiến ()