Xóa đói, giảm nghèo nơi đất mũi Cà Mau
Cà Mau, vùng đất nhiều huyền thoại luôn để lại trong lòng mọi người những cảm nhận mới lạ mỗi lần ghé thăm. Lần này, trở lại những địa danh thân thuộc: Đất Mũi, Ngọc Hiển, Năm Căn... trên chiếc ca-nô 115 mã lực, xé gió, dọc theo các cửa sông lớn Ông Đốc, Cái Tàu, Cửa Lớn, tôi chứng kiến dân cư bên bờ sông có cuộc sống bình an, sung túc hơn trước. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã lan tỏa, khiến mảnh đất tận cùng Tổ quốc tưởng heo hút này biến đổi từng ngày... Lấn biển làm giàu Thiên nhiên ưu đãi tặng Cà Mau diện tích tự nhiên hơn năm nghìn km2, ba mặt giáp biển, khí hậu ôn hòa, trữ lượng thủy hải sản dồi dào mà sao một bộ phận nhân dân trong tỉnh, nhất là bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn phải đối mặt những điều kiện sống gian khó? Số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho thấy, theo tiêu chí mới, toàn tỉnh có hơn 34 nghìn hộ nghèo, chiếm 12% và hơn 17 nghìn hộ cận nghèo,...
Lấn biển làm giàu
Thiên nhiên ưu đãi tặng Cà Mau diện tích tự nhiên hơn năm nghìn km2, ba mặt giáp biển, khí hậu ôn hòa, trữ lượng thủy hải sản dồi dào mà sao một bộ phận nhân dân trong tỉnh, nhất là bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn phải đối mặt những điều kiện sống gian khó? Số liệu từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho thấy, theo tiêu chí mới, toàn tỉnh có hơn 34 nghìn hộ nghèo, chiếm 12% và hơn 17 nghìn hộ cận nghèo, chiếm 6% số hộ dân của tỉnh.
Trên hành trình từ thành phố Cà Mau về huyện Năm Căn, anh bạn đồng nghiệp báo Cà Mau cho biết: Huyện vừa hoàn tất các thủ tục trình Bộ Xây dựng đề nghị công nhận thị trấn Năm Căn đạt tiêu chí đô thị loại 4. Năm Căn đang được “hưởng thụ” nhiều công trình do Trung ương và tỉnh đầu tư: Đường Hồ Chí Minh đi qua nội ô thị trấn, Khu kinh tế Năm Căn được Chính phủ phê duyệt, cùng cảng biển, sân bay, nhà máy đóng tàu… Đúng hôm khánh thành đường và cầu Đầm Cùng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Cà Mau xây dựng tiếp cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn, nối Năm Căn với Ngọc Hiển, huyện cuối cùng của Tổ quốc. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng đất xa xôi này sớm hoàn thành.
Là huyện xa trung tâm tỉnh lỵ, hạ tầng đô thị, công nghiệp thiếu và yếu, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, Năm Căn còn chịu một địa hình chia cắt khá mạnh bởi hệ thống sông, rạch, kênh mương chằng chịt, diện tích nước nhiễm mặn cao… Việc nuôi trồng thủy sản trong những năm qua gặp nhiều khó khăn do tôm chết kéo dài, giá tôm nguyên liệu thường xuyên biến động, ảnh hưởng sự phát triển kinh tế của huyện. Không cam chịu đói nghèo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Thanh Phương cho biết: “Năm Căn đã có bước đột phá đáng kể trong việc chuyển đổi sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp. Toàn huyện triển khai nhiều mô hình điểm mang tính đột phá, như mô hình nuôi đa con, trồng đa cây trên cùng diện tích. Mô hình nuôi cua mật độ dày, cho thu nhập không kém nuôi tôm, đang được xuất khẩu sang các nước. Đáng chú ý cần kể tới mô hình nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm quảng canh cải tiến, mô hình rừng – tôm kết hợp nhằm tăng năng suất, chất lượng nhưng vẫn bảo đảm độ che phủ của rừng. Tất cả những nỗ lực trên tạo nên sự đa dạng về chủng loại cây trồng, vật nuôi trên vùng đất mặn, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân một cách bền vững”.
Việc nuôi tôm quảng canh truyền thống thường gặp nhiều rủi ro về thời tiết, dịch bệnh. Đầu năm 2012, theo Nghị quyết đảng bộ huyện, chính quyền xã Hàng Vịnh (Năm Căn) phát động nhân dân thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao. Sau một thời gian chuyển đổi, mô hình này đã minh chứng tính khả thi cao, được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh Võ Văn Hành cho biết: “Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, toàn xã có 30 hộ đăng ký với diện tích 25 ha. Những mô hình này được Trung tâm dạy nghề, Trạm khuyến ngư, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện trực tiếp hỗ trợ về kỹ thuật”. Chúng tôi đến thăm nơi làm điểm của gia đình ông Nguyễn Văn Ngọt. Người nông dân chân chất này vui vẻ giãi bày: “Vụ đầu thất bại, không nản, tui bắt tay vào vụ hai trên diện tích năm nghìn m2 với 30 nghìn con giống. Sau ba con nước, tui thu lãi hơn hai chục triệu đồng. Ông cho biết, vụ tôm này, gia đình vẫn đang tiếp tục thu hoạch với khả năng lãi cao. Từ thành công của mô hình gia đình ông Ngọt, bà con trong vùng thấy yên tâm và mạnh dạn từ bỏ cách nuôi tôm quảng canh bao đời chuyển sang cách làm mới, tránh rủi ro, đạt hiệu quả kinh tế hơn…
Người dân Cà Mau không chỉ biết khai thác có hiệu quả các loài thủy sản nước mặn mà còn biết “lấn sân” sang những cây, con ngọt hóa, đem lại giá trị kinh tế cao. Đất không phụ lòng người, với đôi bàn tay cần mẫn của người nông dân, cùng sự đầu tư thích đáng về khoa học kỹ thuật, vùng đất mặn giờ như được tái sinh. Đến thăm ông Phạm Văn Ánh ở ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông (Năm Căn), người hơn hai chục năm đạt Danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, chúng tôi thật sự khâm phục tinh thần vượt khó làm giàu của ông.
Vợ ông, bà Mai Kim Bạc nhớ lại: “Hai thập kỷ trước, nơi này trên là trời, dưới là nước và bụi rậm, quạnh hiu, chẳng lấy một bóng người nhưng ông nhà tôi nhất định nói rằng đây là mảnh đất màu mỡ để làm giàu. Bây giờ ngẫm lại, ông nhà tôi quả không sai”. Theo chủ trương của địa phương, hơn mười năm trước, ông Hai Ánh tiến hành phát dọn cây tạp trên phần đất của mình để trồng đước, xây dựng mô hình “con tôm ôm gốc đước”. Ông Hai Ánh cho biết: Nuôi tôm dưới tán đước ít rủi ro. Mỗi năm, nhà tôi nuôi tôm và cua dưới rừng đước thu nhập khoảng 500 triệu đồng”. Ở vùng đất phèn mặn chuyên tôm, diện tích bờ thửa bỏ hoang nhiều, ông Hai Ánh đã biến điều tưởng như không thể thành có thể. Đó là việc cải tạo năm ao nước mặn, mỗi ao diện tích từ 500 đến 1.200 m2 thành nước ngọt, thả hơn chục loại cá, hàu các loại. Nhìn tấm gương làm giàu của ông Hai Ánh, bà con quanh vùng tìm đến tận nơi, học hỏi cách sản xuất, nuôi trồng, cách cải tạo nước phèn thành nước ngọt, nuôi cá tăng thu nhập…
Vươn lên thoát nghèo
Bên cạnh những lợi thế thiên nhiên ban tặng, Cà Mau đã và đang phải đối mặt nhiều hệ lụy. Một bộ phân dân cư gắn với cuộc sống lênh đênh trên sông nước, dân nhập cư tự do ồ ạt đổ về lập nghiệp, việc làm không ổn định, không đất canh tác, không phương tiện sản xuất. Những hộ nghèo ở đây thường thiếu nguồn vốn đầu tư cho sản xuất mà lại đông con. Trình độ học vấn thấp, thiếu kiến thức về sản xuất, chăn nuôi, thiếu kinh nghiệm làm ăn… là những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo triền miên. Nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau tập trung huy động vốn xóa đói, giảm nghèo, tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nghèo… kết hợp giáo dục ý thức cho người nghèo về tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo, đi lên bằng chính sức lao động của mình, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước và cộng đồng. Hằng năm, tỉnh giúp cho từ 20 đến 25 nghìn hộ nghèo và cận nghèo vay khoảng 200 tỷ đồng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho kinh tế gia đình. Trợ giúp nhà ở cho từ hai nghìn hộ nghèo trở lên cải thiện nhà ở để an cư lạc nghiệp. Ở từng ấp khóm, khu dân cư, chính quyền và đoàn thể vận động một số hộ khá, giàu nhận giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức: Cho mượn đất bờ liếp, ao đìa chưa sử dụng để hộ nghèo sản xuất, nuôi trồng; cho mượn vốn, giống hoặc thuê công lao động của hộ nghèo… Cán bộ, đảng viên và đoàn thể có trách nhiệm phân công, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc làm ăn của hộ nghèo, có sơ kết đánh giá từng giai đoạn để giúp đỡ phù hợp.
Trước đây, gia cảnh bà Nguyễn Thị Nguyệt, ở ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển gặp nhiều khó khăn. Không vốn, không đất sản xuất, quanh năm cả gia đình đi làm thuê, sự nghèo đói tưởng như chẳng bao giờ dứt được. Kể từ khi được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, hai ông bà miệt mài với công việc sản xuất của gia đình. Trên mảnh đất chỉ hơn 100 m2, bà Nguyệt cải tạo nước nhiễm mặn thành ba ao nước ngọt nuôi cá, vịt. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, biết tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, cộng thêm có đầu ra sản phẩm ổn định, gia đình bà không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn của để. Bà Nguyệt chân thành nói: “Những đồng vốn ưu đãi từ chương trình tạo việc làm do Hội Phụ nữ xã đến kịp thời đã giúp gia đình tôi chấm dứt cảnh kiếm sống quanh năm trên những bãi bồi, cơ cực lắm. Gia đình tôi đã trả lại sổ hộ nghèo, tạo điều kiện cho gia đình khác được hưởng trợ cấp”. Không chỉ bà Nguyệt, những năm qua, Hội Phụ nữ xã Đất Mũi hỗ trợ hàng trăm gia đình nhận vốn ưu đãi. Khi được làm chủ đồng vốn, thay vì đi làm thuê, làm mướn, lênh đênh trên sông nước quanh năm ngày tháng, bà con ở tại nhà, nuôi lợn, cá nước ngọt, trồng rau màu, ổn định cuộc sống. Việc hỗ trợ vốn kịp thời, chuyển đổi ngành nghề hợp lý đã giúp hàng trăm hộ gia đình vùng Đất Mũi thoát nghèo bền vững.
Một bộ phận dân cư là dân di cư tự do từ nhiều nơi đến, sinh sống tạm bợ theo các cửa sông, tuyến ven biển, nơi thường xuyên tiềm ẩn thiên tai sạt lở đất, triều cường, giông bão, đe dọa tính mạng. Với mong muốn giúp dân an cư lạc nghiệp, UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc đã tạo điều kiện để Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ xây dựng dự án làng tái định cư Hố Gùi tại xã Tam Giang Đông (Năm Căn). Dẫn chúng tôi đi trên con đường trải bê-tông sạch sẽ, Bí thư chi bộ ấp Nguyễn Duy Minh khoe: “Hiện đã có hơn 200 hộ an cư tại nơi này. Trước kia, không có đất làm nhà, sản xuất, quanh năm chỉ đi vác đá mướn, làm ghe mướn không đủ ăn. Khó ai có thể hình dung nổi họ từng có thu nhập bình quân gần 10 nghìn đồng/ngày. Chỉ sau hai năm, hơn chục hộ đã trả lại sổ hộ nghèo. Ngoài căn nhà, mỗi gia đình được cấp từ 280 đến 360 m2, xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi”.
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Lây, một trong những điển hình thoát nghèo khi được an cư. Anh Lây cho biết, gia đình được Hội Phụ nữ đứng ra tín chấp ngân hàng, vay 20 triệu đồng, đầu tư vào nuôi lợn, gà, mỗi lứa thu hoạch hơn 20 triệu đồng. Chỉ sau hai năm dọn về khu tái định cư, căn nhà tài trợ nay được xây thêm một phòng rộng rãi, khang trang, đầy đủ tiện nghi. Cùng với số tiền tích lũy, vợ chồng anh vay thêm tiền từ họ hàng, mua tàu 20 CV đánh bắt cá, tạo việc làm cho ba nhân công. Điều phấn khởi nhất là từ khi dọn về nơi ở mới, con cái của anh chị được cắp sách tới trường. Anh Lây tâm sự: “Nếu không vào khu tái định cư, chắc chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ sẽ có ngày được ở trong ngôi nhà khang trang như thế này. Ngoài ra còn được dùng điện, nước, vệ sinh sạch sẽ như ở thị trấn. Lũ trẻ không bị các dịch như sốt xuất huyết, tiêu chảy như ngày còn vất vưởng trên các bãi bồi”. Điều mà anh Lây và đông đảo nhân dân trong khu tái định cư mong muốn là được tiếp cận hơn nữa các nguồn vốn để phát triển sản xuất. Hiện nay, tại đây mới có một cơ sở bóc tôm, tạo việc làm cho khoảng năm mươi lao động. Số còn lại, tuy đã an cư nhưng vẫn đang loay hoay tìm cách tiếp cận đồng vốn, phát triển sản xuất hoặc mong muốn có công việc tại chỗ ổn định.
Sự thay da, đổi thịt ở mảnh đất này, không ai cảm nhận rõ hơn chính con người ở nơi đây. Chúng tôi nhớ mãi giây phút tạm biệt Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thanh (khóm 4, thị trấn Năm Căn), người mẹ có ba con là liệt sĩ. Ở tuổi 102, mẹ vẫn còn tinh tường lắm, mẹ bảo: “Được sống trong căn nhà tình nghĩa, được Huyện đội nhận phụng dưỡng, còn được chính quyền, đoàn thể, bà con chòm xóm luôn quan tâm, động viên, mẹ thấy, Năm Căn giờ đã được bảy phần tươi đẹp rồi các con ạ. Mẹ sẽ cố gắng sống đến ngày được mười phần rạng rỡ, để mẹ yên tâm đi gặp ông nhà và những đứa con của mẹ”.
Một mùa xuân nữa lại sắp về trên vùng đất “từng ngày lấn biển”. Chắc chắn, một ngày không xa, nhân dân Cà Mau sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn như mong ước của mẹ Thanh cũng như những người từng sinh ra, lớn lên, gắn bó và yêu thương mảnh đất này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()