Xín Mần quan tâm bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Ðảng
Huyện Xín Mần (Hà Giang) là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc thiểu số, Xín Mần còn thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.Theo thống kê của Ban Tổ chức Huyện ủy thì toàn đảng bộ huyện hiện có 3.084 đảng viên, sinh hoạt tại 66 chi, Đảng bộ trực thuộc. Trong đó, có 19 Đảng bộ xã, thị trấn và hai Đảng bộ cơ quan. Do thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 900 quần chúng ưu tú vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Các đảng viên trẻ sau khi được kết nạp đã khẳng định được vai trò hạt nhân chính trị và được nhân dân tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ nòng cốt tại các thôn, bản.Trao...
Huyện Xín Mần (Hà Giang) là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc thiểu số, Xín Mần còn thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Theo thống kê của Ban Tổ chức Huyện ủy thì toàn đảng bộ huyện hiện có 3.084 đảng viên, sinh hoạt tại 66 chi, Đảng bộ trực thuộc. Trong đó, có 19 Đảng bộ xã, thị trấn và hai Đảng bộ cơ quan. Do thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 900 quần chúng ưu tú vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Các đảng viên trẻ sau khi được kết nạp đã khẳng định được vai trò hạt nhân chính trị và được nhân dân tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ nòng cốt tại các thôn, bản.
Trao đổi với đồng chí Sin Văn Đức, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Xín Mần, chúng tôi được biết: Để nâng cao chất lượng TCCSĐ và đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng bộ huyện luôn xác định công tác phát triển đảng là một nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ (2006-2010) đặt ra mục tiêu kết nạp được 800 đảng viên. Song, khi bắt đầu thực hiện, nhiều đảng viên trong Đảng bộ băn khoăn, cho rằng để đạt được mục tiêu đó sẽ không dễ dàng. Sự băn khoăn của các đảng viên xuất phát từ thực tế là huyện Xín Mần có 15 dân tộc thiểu số cùng sinh sống như Mông, Tày, Nùng, Dao… đông nhất là người Nùng chiếm 43%. Đời sống của bà con ở nhiều thôn, bản còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ sinh con thứ ba ở các hộ gia đình còn cao; nhiều quần chúng dự định bồi dưỡng kết nạp chưa tốt nghiệp tiểu học hoặc THCS; một số giáo viên dạy giỏi, đủ tiêu chuẩn kết nạp Đảng nhưng cấp ủy cơ sở không có điều kiện đi xác minh lý lịch cho quần chúng…
Hiểu rõ những khó khăn trên và dựa trên những yêu cầu của T.Ư, Tỉnh ủy về tiêu chuẩn kết nạp đảng viên, Thường vụ Huyện ủy đã đề ra nhiều giải pháp để tạo nguồn, phát triển Đảng như: chú trọng tạo nguồn từ các đối tượng là trưởng thôn, công an viên, dân quân tự vệ, dự bị động viên, giáo viên ở các điểm trường, y tế thôn bản, tổ trưởng phụ nữ, bí thư chi đoàn thôn; tập trung phát triển Đảng ở những chi bộ còn ít đảng viên và các chi bộ trực thuộc Đảng ủy bốn xã biên giới là Xín Mần, Pà Vầy Sủ, Nà Xỉn, Chí Cà. Điều kiện kết nạp Đảng cũng linh hoạt hơn đối với quần chúng ưu tú tại các xã đặc biệt khó khăn. Với những quần chúng chưa tốt nghiệp hoặc đang học THCS cũng được xem xét kết nạp nhưng sau khi kết nạp sẽ phải hoàn thành chương trình học tập tại Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện. Việc xác minh lý lịch của các giáo viên dạy giỏi tại các xã khó khăn sẽ được huyện hỗ trợ kinh phí…
Do thực hiện tốt các giải pháp trên, đến nay, toàn huyện không còn thôn, bản trắng đảng viên, số chi bộ có đảng viên sinh hoạt ghép còn rất ít, chủ yếu là các điểm trường học. Mỗi năm, huyện kết nạp được 170 đến 190 đảng viên. Kết thúc nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 929 đảng viên, vượt 15% so mục tiêu đặt ra, nâng tổng số đảng viên trong toàn huyện từ 2.155 đồng chí lên 3.084 đồng chí. Trong đó, 70% số đảng viên được kết nạp là người dân tộc thiểu số và là đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tốt nghiệp THPT. Một số Đảng bộ xã luôn dẫn đầu về công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng là xã Bản Díu, Bản Ngò, Nà Chì…
Đến xã Nấm Dẩn, chúng tôi được biết ngoài việc làm tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng thì Đảng ủy xã luôn trăn trở đi tìm lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Vấn đề này đã nhiều lần được Đảng ủy đưa ra bàn bạc trong các cuộc họp. Sau mỗi lần họp, một số giải pháp khả thi được nêu ra. Trong đó, giải pháp tăng cường cán bộ nòng cốt của xã xuống làm Bí thư chi bộ tại các thôn được nhiều đồng chí đảng ủy viên ủng hộ. Tại một số thôn như: thôn Nấm Chanh, đồng chí Sin Thìn Tiến, Chủ tịch MTTQ của xã được cử xuống làm Bí thư Chi bộ thôn; thôn Nấm Trà, đồng chí Lù Minh Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã được cử làm Bí thư chi bộ thôn; thôn Lùng Mở, đồng chí Lèng Minh Tiến, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã được cử làm Bí thư chi bộ thôn. Cũng theo đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Xín Mần, để giữ gìn và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại các xã được toàn diện, ngoài việc các xã tăng cường cán bộ nòng cốt tham gia sinh hoạt chi bộ tại các thôn thì Thường vụ Huyện ủy cũng đã luân chuyển nhiều đồng chí là trưởng, phó các phòng, ban của huyện xuống làm Bí thư hoặc Chủ tịch các xã như Nà Chì, Pà Vầy Sủ… Tại bốn xã biên giới, ngoài hai Phó Bí thư Đảng ủy tại mỗi xã, huyện đã phối hợp với cán bộ các đồn biên phòng, tăng cường thêm bốn đồng chí sĩ quan biên phòng xuống làm Phó Bí thư Đảng ủy các xã này. Một việc làm khác được coi là linh hoạt và sáng tạo của Huyện ủy khi chi bộ Xóm Mới của xã biên giới Chí Cà có một đảng viên từ trần do tuổi cao, chỉ còn lại hai đảng viên. Trước tình hình đó, Ban Tổ chức Huyện ủy đã tham mưu cho Đảng ủy xã Chí Cà luân chuyển một đảng viên từ chi bộ khác xuống cùng sinh hoạt. Sau khi ổn định số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt, chi bộ đã lựa chọn được quần chúng ưu tú và quan tâm bồi dưỡng kết nạp Đảng tại chỗ.
Qua thực tế cho thấy, biện pháp tăng cường đảng viên là cán bộ nòng cốt của huyện xuống xã và xã xuống các thôn đã mang lại hiệu quả rất lớn. Tại những xã có cán bộ của huyện tăng cường xuống xã làm Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch UBND; các thôn có cán bộ xã xuống làm Bí thư chi bộ, chất lượng sinh hoạt chi bộ của các thôn được nâng lên rõ rệt. Nền nếp sinh hoạt chi bộ được bảo đảm, đảng viên tham gia thảo luận sôi nổi các nội dung với tinh thần dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao; khắc phục tận gốc tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt Đảng; nghị quyết của các chi bộ được đề ra sau mỗi lần sinh hoạt luôn bám sát với tình hình thực tiễn địa phương; công tác phát triển đảng được duy trì thực hiện tốt…
Trong những ngày ở nơi địa đầu Tổ quốc, chúng tôi phần nào thấu hiểu sự tâm huyết và trăn trở của các cán bộ làm công tác xây dựng Đảng. Để giúp bà con nơi đây thoát nghèo, có cuộc sống ấm no thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra là phải giữ vững hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; phát hiện và bồi dưỡng kịp thời các quần chúng ưu tú cho Đảng. Những việc làm đó đã góp phần nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên; bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở một huyện còn nhiều khó khăn như Xín Mần.
Theo Nhandan
Ý kiến ()