Thứ 2, 25/11/2024 18:18 [(GMT +7)]
Xi măng Lạng Sơn gặp khó trong khâu tiêu thụ
Thứ 5, 05/04/2012 | 08:59:00 [(GMT +7)] A A
Để tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm xi măng cho các nhà máy xi măng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, bên cạnh sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp trong quá trình vận hành và tìm hướng tiêu thụ sản phẩm thiết nghĩ, Nhà nước cần cụ thể hóa các chính sách thúc đẩy chương trình tiêu thụ xi măng như xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông lớn bằng vật liệu bê tông xi măng, tiếp tục đẩy mạnh chương trình làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế xã hội hóa
LSO-Tính đến năm 2012, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất xi măng gồm; Công ty cổ phần xi măng Lạng Sơn quản lý 2 dây chuyền xi măng lò đứng Hồng Phong công suất trên 160 nghìn tấn/năm, nhà máy xi măng Hồng Phong công nghệ lò quay đang chạy thử với công suất 350 nghìn tấn/năm; Công ty Cổ phần xi măng Đồng Bành đầu tư quản lý vận hành nhà máy xi măng với công suất thiết kế là 910 nghìn tấn/năm và Công ty cổ phần xi măng ACC 78 quản lý nhà máy xi măng lò đứng có công suất thiết kế khoảng 100 nghìn tấn/ năm. Tổng công suất của các nhà máy này có khả năng cung ứng cho thị trường tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh bạn khoảng 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư xây dựng của các thành phần kinh tế đang có dấu hiệu chững lại làm cho các doanh nghiệp gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Nhà máy xi măng công nghệ lò quay Hồng Phong đang trong giai đoạn chạy thử
Trong 3 tháng đầu năm 2012, sản lượng sản xuất của nhà máy xi măng Hồng Phong đạt khoảng 15 nghìn tấn, lượng tồn kho khoảng 2 nghìn tấn. Năm 2011 nhà máy này sản xuất đạt gần 101 nghìn tấn xi măng thương phẩm, chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2010 và chỉ bằng 50% so với công suất thiết kế của nhà máy. Nguyên nhân bởi thị trường bị thu hẹp và chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm xi măng cùng loại. Năm 2011 nhà máy xi măng Hồng Phong tiêu thụ được khoảng 20 nghìn tấn cho chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn và chương trình kiên cố hóa các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Còn lại nguồn tiêu thụ dựa vào khoảng 50 đại lý lớn nhỏ của doanh nghiệp nằm ở trong và ngoài tỉnh nhưng tình hình tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, dự kiến tháng 5/2012 dây chuyền xi măng lò quay công suất 350 nghìn tấn/năm sẽ chính thức đi vào sản xuất đại trà lại tạo thêm áp lực mới về tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhà máy xi măng lò đứng ACC 78 cũng trong tình trạng tương tự. Có công suất thiết kế sau cải tạo đạt khoảng 100 nghìn tấn/năm, năm 2011 nhà máy sản xuất chỉ đạt 50% công suất. Trong 3 tháng đầu năm 2012, nhà máy hoạt động rất cầm chừng, sản lượng sản xuất và tiêu thụ được 7 nghìn tấn xi măng, lượng cli nker và xi măng thương phẩm tồn kho khoảng 2 nghìn tấn. Ông Vũ Tiến Thiều, Giám đốc Công ty cổ phần xi măng ACC 78 cho biết, để bảo đảm nhà máy tiếp tục hoạt động và giữ chân khách hàng truyền thống, công ty đang tập trung mạnh vào khâu chăm sóc khách hàng, mở rộng lĩnh vực hoạt động cũng như tích cực tìm kiếm các bạn hàng mới từ các công trình dân dụng nhỏ và vừa phù hợp với sản phẩm của công ty. Hiện 60% lượng sản phẩm của nhà máy được tiêu thụ tại các tỉnh bạn và thị trường tỉnh Lạng Sơn chỉ chiếm 40%. Tình hình hoạt động của nhà máy xi măng Đồng Bành cũng đang gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm bởi sản phẩm của nhà máy là mới trên thị trường và đang trong giai đoạn xây dựng phát triển thương hiệu.
Để tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm xi măng cho các nhà máy xi măng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, bên cạnh sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp trong quá trình vận hành và tìm hướng tiêu thụ sản phẩm thiết nghĩ, Nhà nước cần cụ thể hóa các chính sách thúc đẩy chương trình tiêu thụ xi măng như xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông lớn bằng vật liệu bê tông xi măng, tiếp tục đẩy mạnh chương trình làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế xã hội hóa
Công Quân
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()