Xét xử cựu cảnh sát kinh tế buôn lậu 1.287 container thiết bị, máy móc
Theo cáo trạng, từ tháng 9/2019 đến 24/5/2021, Hoàng Duy Tiến và đồng phạm đã thực hiện hành vi nhập lậu số lượng đặc biệt lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam.
Ngày 25/5, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 26 bị cáo trong vụ án buôn lậu 1.287 container thiết bị, máy móc đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam, với tổng giá trị hơn 217 tỷ đồng.
Đây là vụ án do Hoàng Duy Tiến (sinh năm 1985, cựu cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hồ Chí Minh) chủ mưu và các đồng phạm thực hiện.
Theo cáo trạng, từ tháng 9/2019 đến 24/5/2021, Tiến và đồng phạm đã thực hiện hành vi nhập lậu số lượng đặc biệt lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam.
Tiến móc nối với các chủ hàng để nhập khẩu trái pháp luật máy móc, thiết bị cũ tại Nhật Bản, Trung Quốc vào Việt Nam để kinh doanh mua bán, nhằm hưởng lợi bất chính.
Để thực hiện hành vi của mình, Hoàng Duy Tiến và các nhân viên đã thành lập 47 công ty, rồi trực tiếp sử dụng pháp nhân của 45 công ty để làm thủ tục mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.287 container.
Toàn bộ hợp đồng ngoại thương, hóa đơn, chứng từ liên quan đến các lô hàng hóa đều được Tiến và đồng phạm điều chỉnh nội dung, làm giả, lập khống trở thành đủ điều kiện theo quy định.
Sau đó để hàng hóa đủ thủ tục thông quan, Hoàng Duy Tiến đã móc nối với Công ty cổ phần giám định Đại Minh Việt (gọi tắt là Công ty Đại Minh Việt) để lập các biên bản hiện trường giám định hàng hóa, cấp chứng thư có nội dung khống để cung cấp cho cơ quan Hải quan cho đủ thủ tục thông quan theo quy định.
Các bị cáo là nhân viên Công ty Đại Minh Việt mặc dù không thỏa thuận với Hoàng Duy Tiến về việc nhập khẩu hàng hóa máy móc, thiết bị cũ về Việt Nam để tiêu thụ nhưng các bị cáo là Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng Phòng giám định, Giám định viên đã bất chấp quy định của pháp luật, lập khống biên bản cũng như cấp khống chứng thư giám định, bỏ mặc hậu quả xảy ra để Hoàng Duy Tiến và nhân viên của Tiến hợp thức hóa hồ sơ thông quan hàng hóa trót lọt.
Bị cáo Võ Văn Đông (sinh năm 1967, cựu cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hồ Chí Minh) vào khoảng tháng 2/2021 đã gặp Tiến nói là có người bạn có nhu cầu cần nhập khẩu các container hàng máy móc cũ từ nước ngoài vào Việt Nam nên gợi ý hỏi Tiến để thỏa thuận nhận làm.
Tiến đồng ý nhận nhập khẩu các container hàng từ nước ngoài về Việt Nam cho Đông với chi phí 90 triệu đồng/container, đã bao gồm chi phí vận chuyển.
Hoàng Duy Tiến trực tiếp nhận thông tin của container hàng máy móc thiết bị cũ từ Võ Văn Đông, sau đó chỉ đạo nhân viên làm hồ sơ, thủ tục nhập khẩu các container hàng đó.
Sau mỗi lần nhập container hàng vào Việt Nam và giao về kho thành công, Võ Văn Đông gặp mặt Hoàng Duy Tiến tại cơ quan hoặc tại quán cà phê, đưa tiền mặt chi phí nhập hàng cho Tiến như thỏa thuận.
Phiên tòa dự kiến xét xử tới ngày 30/5.
Vụ án trên được lực lượng Cảnh sát kinh tế – PC03, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện qua công tác nắm tình hình địa bàn, xác định được có một nhóm đối tượng buôn lậu một lượng hàng hóa đặc biệt lớn là thiết bị, máy móc cơ giới cũ từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) về Việt Nam tiêu thụ.
Ngày 24/5/2021, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 kiểm tra phát hiện 6 container hàng hóa là thiết bị, máy móc cũ từ Nhật Bản, Đài Loan. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm theo khai báo là 816 triệu đồng.
Làm việc với những đối tượng đi làm thủ tục thông quan, giao nhận lô hàng trên, Cơ quan Công an xác định toàn bộ các doanh nghiệp đứng tên mở 6 tờ khai hải quan là Hoàng Duy Tiến, cán bộ thuộc Đội chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế./.
Ý kiến ()