Xét tuyển đại học bằng học bạ: Những điều lưu ý
Kể từ tháng 3, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố phương thức tuyển sinh, trong đó xét học bạ là phương thức được nhiều trường chú trọng.
Trong tuyển sinh năm 2022, xét tuyển học bạ là một trong những phương thức được nhiều trường Đại học (ĐH) lớn lựa chọn: ĐH Ngoại thương, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Kiến trúc Hà Nội…
Năm 2022, Trường ĐH Luật Hà Nội dự kiến tuyển sinh 2.265 chỉ tiêu hệ đại học, với phương thức xét học bạ, trường xét tuyển 50% chỉ tiêu (so với 40% của năm 2021) theo kết quả học tập loại Giỏi của 5 học kỳ bậc THPT (theo học bạ) – ưu tiên học sinh các trường THPT chuyên/năng khiếu quốc gia/cấp tỉnh, trường trọng điểm quốc gia chất lượng cao (dự kiến sẽ cộng thêm 1-1,5 điểm vào tổng điểm xét tuyển).
Với 4.050 chỉ tiêu, Trường ĐH Ngoại thương năm nay dự kiến sẽ tiếp tục giữ nguyên 6 phương thức tuyển sinh như năm 2021. Trong đó, trường sẽ xét tuyển học bạ dành cho 3 nhóm đối tượng: Thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia (hoặc tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp điểm xét tuyển của trường); thí sinh đạt giải (Nhất, Nhì, Ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12; thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.
Trường ĐH Thủy lợi năm 2022 dự kiến sẽ xét tuyển 5.000 chỉ tiêu bao gồm Cơ sở chính Hà Nội và cơ sở tại Phân hiệu Miền Nam – TPHCM. Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học bạ, trường ĐH Thủy lợi xét tuyển dựa vào tổng điểm trung bình 3 năm các môn trong tổ hợp xét tuyển.
Trường ĐH Thương mại năm nay dự kiến sẽ tuyển 4.150 chỉ tiêu tuyển sinh theo 5 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét học bạ dự kiến chiếm 5-6%, trường cũng ra yêu cầu chỉ áp dụng phương thức này đối với các thí sinh là trường THPT chuyên toàn quốc hoặc học sinh các các trường THPT trọng điểm quốc gia.
Không đánh giá sai lệch năng lực học sinh
Xét tuyển đại học bằng học bạ là phương thức tuyển sinh tốt vì học tập là cả quá trình, đòi hỏi học sinh phải phát huy được các phẩm chất, năng lực trong cả một thời gian chứ không chỉ phụ thuộc vào một kỳ thi.
Thường tiêu chí để xét học bạ là kết quả học tập 5 kỳ của bậc THPT. Với phương thức xét học bạ, thí sinh sẽ dễ dàng nắm bắt cơ hội vào ĐH bằng những tổ hợp môn thế mạnh của mình.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, phương thức xét học bạ cũng có thể gián tiếp dẫn đến các vấn đề tiêu cực như xin điểm, mua điểm…
Vì vậy, để phương thức xét học bạ phát huy ưu điểm, các trường nên xếp vào tiêu chí phụ cùng yếu tố hạnh kiểm, thành tích nổi bật… Bên cạnh đó, để giảm thiểu tối đa những tiêu cực trong việc xét tuyển đại học bằng học bạ, ngành giáo dục cũng cần ban hành bộ tiêu chí chung trong xét tuyển ĐH bằng học bạ và quan trọng là cần bảo đảm để các trường không chạy theo thành tích mà đánh giá sai lệch năng lực học sinh.
Những lưu ý khi xét tuyển ĐH bằng học bạ
Xét tuyển học bạ và xét tuyển nguyện vọng là hai phương thức hoàn toàn độc lập nên thí sinh dù đã xét học bạ vào một trường thì vẫn có thể đăng ký nguyện vọng vào một trường khác; hoặc ở cùng một trường thì vẫn có thể đăng ký nguyện vọng vào một ngành khác, với một tổ hợp môn khác… Sĩ tử có thể đăng ký xét tuyển học bạ vào một trường dù không đăng ký nguyện vọng vào trường đó.
Với phương thức xét tuyển học bạ không giới hạn số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Do đó, thí sinh có thể nộp hồ sơ vào nhiều ngành và nhiều trường khác nhau, vì đây là hình thức xét tuyển riêng. Nếu trúng tuyển nhiều ngành thì sẽ được chọn ngành yêu thích nhất.
Tùy từng trường ĐH lại có cách thức xét tuyển học bạ riêng. Có trường năm trước xét học bạ nhưng năm nay lại không xét học bạ và cũng có trường năm ngoái không xét nhưng năm nay lại xét học bạ. Thí sinh cần tham khảo kỹ thông tin của từng trường trước khi quyết định.
Ở một số trường đại học, số lượng hồ sơ đăng ký phương thức xét học bạ rất lớn ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên. Ở đợt sau có thể điều kiện xét tuyển sẽ cao hơn. Do đó, thí sinh nộp hồ sơ càng sớm càng tốt để có khả năng trúng tuyển cao hơn.
Để nắm chắc cơ hội trúng tuyển và không phí thời gian, thí sinh cần hiểu rõ kết quả học tập THPT của mình cũng như điều kiện xét tuyển của trường ĐH.
Ý kiến ()