Xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế: Cú hích cho dạy và học ngoại ngữ
Theo lãnh đạo các trường đại học, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển đầu vào cũng là cách để thúc đẩy hơn nữa việc học ngoại ngữ của học sinh phổ thông.
Lãnh đạo các trường đại học khuyên thí sinh nên đầu tư thời gian nhiều hơn cho môn ngoại ngữ vì đây là yếu tố quan trọng để có cơ hội việc làm sau khi học xong đại học.
Chứng chỉ ngoại ngữ lên ngôi
Mùa tuyển sinh đại học năm 2021, số trường ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nhất là tiếng Anh, tăng lên so với các năm trước đó. Cả trường công lập lẫn trường tư, trường tốp dưới đến trường tốp đầu, khối dân sự đến an ninh đều sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ là một công cụ trong tuyển sinh.
Theo thông báo của Cục Đào tạo (Bộ Công an), bên cạnh việc duy trì phương thức tuyển sinh truyền thống, khối trường công an lần đầu tiên sử dụng chứng chỉ quốc tế để kết hợp xét tuyển cho một số đơn vị.
Cụ thể, Học viện Quốc tế, Học viện Chính trị Công an nhân dân, ngành Nghiệp vụ An ninh, Nghiệp vụ Cảnh sát sẽ xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (chứng chỉ IELTS Academic hoặc chứng chỉ TOEFL iBT hoặc chứng chỉ HSK) với kết quả học tập trung học phổ thông.
Dù chưa có phương án chính thức nhưng Đại học Y Hà Nội cũng cho hay đơn vị này dự kiến sẽ đưa chứng chỉ ngoại ngữ vào xét tuyển.
Chia sẻ với thí sinh tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2021 vừa được tổ chức, tiến sỹ Lê Đình Tùng, Trưởng phòng quản lý đào tạo đại học Đại học Y Hà Nội cho biết nhà trường dự kiến dành 10% chỉ tiêu đào tạo tại Hà Nội ngành Bác sỹ đa khoa cho hình thức xét tuyển có thêm tiêu chí có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
“Dự kiến ngành Bác sỹ đa khoa tuyển 400 chỉ tiêu năm 2021. Như vậy Trường Đại học Y Hà Nội dành khoảng 40 chỉ tiêu có thêm tiêu chí chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Dự kiến, với thí sinh có chứng chỉ này theo quy định của Trường, điểm trúng tuyển tổ hợp ba môn thi có thể thấp hơn thí sinh không có chứng chỉ khoảng từ 2 đến 3 điểm,” tiến sỹ Lê Đình Tùng nói.
Tại Học viện Tài chính, phó giáo sư Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng Ban Quản lý đào tạo Học viện cho hay năm nay, Học viện vẫn ưu tiên các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, xét tuyển kết hợp với điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và nâng điểm quy đổi chứng chỉ.
Cụ thể, năm 2020, điểm quy đổi điểm chứng chỉ IELTS từ 5.0 đến dưới 6.0 sẽ được quy đổi thành 9 điểm, năm nay quy đổi thành 9,5 điểm. Từ 6.0 trở lên sẽ tương đương 10 điểm.
Các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thủy lợi, Học viện Tài chính, Đại học Phenikaa… cũng công bố tiếp tục sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển.
Nên đầu tư cho ngoại ngữ như với toán, văn
Trước việc các trường sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển, có ý kiến cho rằng sẽ thiệt thòi về cơ hội cho thí sinh các vùng nông thôn, vùng khó khăn do các em không có điều kiện để học ngoại ngữ, thi chứng chỉ quốc tế như học sinh thành phố.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường đại học, cơ hội dành cho thí sinh các thí sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vẫn rất rộng mở do việc xét tuyển theo các chứng chỉ này chỉ chiếm chỉ tiêu nhỏ so với quy mô. Bên cạnh đó, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng là cách để thúc đẩy hơn nữa việc học ngoại ngữ của học sinh.
Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa cho hay, chỉ tiêu cho việc xét tuyển có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của trường khoảng 25%.
Cũng theo ông Hiếu, khi thí sinh tập trung vào học ngoại ngữ để có được chứng chỉ quốc tế thì các em sẽ phải giảm bớt thời gian học các môn khác. “Các em ở nông thôn không có nhiều điều kiện để chinh phục chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng các em có thời gian để tập trung vào các môn khác nên tôi nghĩ cũng không hẳn là không công bằng,” giáo Nguyễn Văn Hiếu nói.
“Tôi từng nói với sinh viên của mình: Các em học đại học mà không học ngoại ngữ thì ra trường chỉ có đi Grab. Ở Đại học Phenikaa, chúng tôi cũng tạo áp lực cho sinh viên phải học tiếng Anh, chẳng hạn như Khoa Điện, giáo trình được soạn bằng tiếng Anh. Nếu các em có IELTS từ 6 đến 7. 0 cơ hội việc làm rất lớn vì các công ty nước ngoài rất nhiều,” ông Hiếu chia sẻ.
Cùng quan điểm này, phó giáo sư Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng Ban Quản lý đào tạo Học viện Tài chính cho rằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế rất cần thiết cho các chủ nhân tương lai của đất nước. Các trường chú trọng vào chứng chỉ tiếng Anh quốc tế không có nghĩa là gạt bỏ những thí sinh không có điều kiện tham gia học ngoại ngữ. “Những thí sinh không có điều kiện học và thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có thể dùng thế mạnh của mình ở những môn khác để cạnh tranh,” ông Thạch chia sẻ.
Nhìn ở góc độ khác, tiến sỹ Trần Khắc Thạc, Phó phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng đa số các trường không đưa ra ngưỡng điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế quá cao, chỉ từ 5.0 trở lên, là mức mà các em học sinh nếu thực sự cố gắng hoàn toàn có thể đạt được.
“Để lên mức điểm cao hơn, như từ 6.0 IELTS trở lên thì cần môi trường tốt nhưng nếu ở trình độ từ trung bình đến khá thì tôi nghĩ dù ở môi trường nào các em cũng chỉ cần cố gắng là có thể đạt được, đặc biệt trong điều kiện công nghệ thông tin và Internet phát triển như hiện nay,” ông Thạc nhấn mạnh.
“Tôi khuyên các em học sinh phổ thông hãy có định hướng học chú trọng ngoại ngữ ngay từ sớm, hãy quan tâm đến tiếng Anh như cách chúng ta vẫn dành thời gian cho toán, văn hay lý, hóa. Đây là việc chuẩn bị cho các em, cho xã hội trong tương lai vì khi thị trường lao động ASEAN mở, nếu không có ngoại ngữ, các em sẽ bị thất bại trong cuộc cạnh tranh ngay trên sân nhà,” tiến sỹ Trần Khắc Thạc nói./.
Ý kiến ()