Xét nghiệm nhanh COVID-19: Người dân không chủ quan, hoang mang khi có kết quả
– Bên cạnh phương pháp xét nghiệm Realtime RT-PCR, ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh để đáp ứng kịp thời cho công tác truy vết, khoanh vùng dịch bệnh. Tuy nhiên, do độ nhạy của các test nhanh, theo khuyến cáo của nhà sản xuất chỉ đạt từ 80% trở lên nên vừa qua, vẫn xảy ra một số trường hợp dương tính giả và âm tính giả.
Theo báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 6/5 đến ngày 23/9/2021, tổng số mẫu xét nghiệm COVID -19 đã được thực hiện trên địa bàn tỉnh là hơn 430.000 mẫu, trong đó, có 280.768 mẫu xét nghiệm RT-PCR, 151.476 mẫu test nhanh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác truy vết, sàng lọc, kịp thời phân lập các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm cho công dân trở về từ các vùng có dịch
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xét nghiệm nhanh COVID-19, đã có nhiều trường hợp được xét nghiệm cho kết quả dương tính (dương tính giả), sau đó, các đơn vị thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR thì cho kết quả âm tính. Đơn cử như trong tháng 8/2021, qua việc test nhanh tại các huyện, thành phố như: thành phố Lạng Sơn, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn… đã có 5 trường hợp cho kết quả dương tính giả. Gần đây nhất, vào ngày 22/9/2021, trên địa bàn huyện Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn đã có 2 trường hợp tương tự xảy ra. Sự việc trên đã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.
Chị Phạm Thị Hiền, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn bày tỏ: Tôi và gia đình khi thấy thông tin trên mạng xã hội về có ca bệnh xét nghiệm test nhanh ban đầu dương tính đều rất lo lắng và nghi ngờ về việc sử dụng test nhanh có được đảm bảo hay không?!
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Xét nghiệm test nhanh là phương pháp để phát hiện kháng thể vi rút chứ không dùng để khẳng định người được lấy mẫu xét nghiệm có bị mắc bệnh hoặc không bị nhiễm SARS-CoV-2. Việc các mẫu xét nghiệm test nhanh cho kết quả dương tính giả là bình thường. Vì theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, độ nhạy của test nhanh COVID-19 dao động từ trên 80% trở lên nên vẫn có trường hợp dương tính giả hoặc âm tính giả. Khi có trường hợp cho kết quả dương tính sẽ được thực hiện xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR để cho kết quả chính xác nhất.
Hiện nay, Lạng Sơn chủ yếu sử dụng các sản phẩm test nhanh kháng nguyên thông qua hình thức đấu thầu tập trung. Quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cung ứng vật tư y tế bao gồm các mẫu test nhanh kháng nguyên được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, các sản phẩm test nhanh đều được Bộ Y tế cấp phép nên không có việc các đơn vị y tế sử dụng các sản phẩm test nhanh kém chất lượng.
Thực tế cho thấy, sau khi tất cả các trường hợp test nhanh ban đầu cho kết quả dương tính, lực lượng chức năng và các đơn vị y tế đều triển khai các biện pháp nhanh chóng, triệt để kịp thời khoanh vùng, điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm khẳng định… Qua đó, góp phần không để dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.
Đơn cử như trường hợp dương tính giả tại Phòng khám Đa khoa Minh Tuyết, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn ngày 22/9/2021. Bác sĩ Đinh Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về kết quả test nhanh dương tính với COVID-19, Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch cao nhất như: thực hiện phong tỏa khu vực có test nhanh dương tính; lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR và lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp liên quan trực tiếp để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện nay, biến thể mới của SARS-CoV-2 có tốc độ, khả năng lây lan nhanh, nhiều người khi mắc bệnh thường không có triệu chứng cụ thể. Đặc biệt, có rất nhiều trường hợp đã thực hiện xét nghiệm đến lần thứ 8 (bằng 2 phương pháp test nhanh và xét nghiệm RT-PCR) mới có kết quả dương tính vì thời gian ủ bệnh lâu. Do vậy, những người có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh nói riêng, xét nghiệm bằng RT-PCR nói chung tuyệt đối không được chủ quan, không nên suy nghĩ rằng mình chắc chắn không mắc COVID-19.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, cần đồng thuận, tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan chức năng, đừng chủ quan và hoang mang trước dịch bệnh. Có như vậy, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn mới đạt hiệu quả cao…
Ý kiến ()