Xem xét, cho ý kiến về Ðề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế
Ngày 19-4, tiếp tục Phiên họp thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, các đại biểu tiến hành xem xét, đánh giá Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế do Chính phủ trình.Mục tiêu của đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế nhằm từng bước và liên tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, tiến tới hình thành mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu, bảo đảm tốc độ tăng trưởng bình quân từ 7% đến 8%/năm trong giai đoạn 2011- 2020. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh; góp phần bảo đảm an ninh tài...
Mục tiêu của đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế nhằm từng bước và liên tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, tiến tới hình thành mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu, bảo đảm tốc độ tăng trưởng bình quân từ 7% đến 8%/năm trong giai đoạn 2011- 2020. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh; góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, từng vùng. Từng bước và liên tục cải thiện, nâng cao trình độ phát triển các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung, qua đó các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp và giá trị gia tăng thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực. Hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn, góp phần đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội mà Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đã xác định.
Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được đề cập trong bản đề án bao gồm: tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh. Bản đề án cũng đưa ra 13 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu đạt hiệu quả cao nhất.
Đóng góp ý kiến đối với bản đề án của Chính phủ, số đông đại biểu phát biểu ý kiến đồng tình với quan điểm cho rằng, việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững, cải thiện các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường được đề cập trong đề án là đúng đắn và phù hợp. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung định hướng những lĩnh vực sẽ được tái cơ cấu, phù hợp với ba đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm năm 2011-2015, sắp xếp thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm cả chi phí kinh tế – xã hội, thời gian, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực hạn chế, cả về tài chính và nhân lực. Việc tính toán chi phí sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, những tính toán về chi phí xã hội như sắp xếp lại việc làm cho lao động dôi dư do tái cơ cấu là cần thiết để có giải pháp phù hợp như bồi dưỡng, đào tạo lại.
Cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là một đề án lớn, cần có sự đánh giá toàn diện tác động của quá trình tái cơ cấu đến kinh tế – xã hội, môi trường có tính đến các yếu tố mới như biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chủ tịch QH đề nghị, cơ quan soạn thảo hết sức tránh xu hướng quay trở lại với nền kinh tế kế hoạch bao cấp trước đây. Nhà nước chỉ can thiệp trong những trường hợp hết sức cần thiết bằng những công cụ thị trường, tránh áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính.
Bản đề án sẽ được tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện, trước khi trình QH trong kỳ họp tới.
Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến đối với Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH.
Theo Nhandan
Ý kiến ()