Xem xét bảy dự án luật để thực hiện ngay lời hứa với cử tri
Bảy dự án luật đầu tiên trong chương trình lập pháp của Quốc hội (QH) khóa XV tuần vừa qua được Chủ tịch QH Vương Ðình Huệ, các Phó Chủ tịch QH cùng Thường trực các ủy ban rà soát và tiếp tục đưa ra thảo luận tại các phiên họp Ủy ban Thường vụ QH tuần này và sắp tới.
Tinh thần xuyên suốt ngay từ thời điểm về tiếp xúc, gặp gỡ cử tri, báo cáo chương trình hành động của từng đại biểu QH trước cuộc bầu cử, là cam kết mạnh mẽ phấn đấu và cống hiến vì một QH đổi mới, hành động. Vấn đề được đông đảo cử tri và đại biểu QH qua nhiều nhiệm kỳ rất quan tâm, là xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật thích ứng nhanh chóng yêu cầu thực tiễn đời sống và quá trình phát triển.
Ðiều đó đòi hỏi quá trình xây dựng pháp luật bảo đảm chất lượng cao nhất và đại biểu QH, các cơ quan của QH phải giữ đúng kỷ cương lập pháp. Bất kể xây dựng dự án luật nào cũng cần thể hiện bằng được tính cần thiết, sự công khai, minh bạch, yếu tố thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Sáu dự án luật thuộc diện sửa đổi, bổ sung một số điều hoặc sửa đổi toàn diện, một dự án luật được xây dựng mới hoàn toàn được đưa ra xem xét kỹ lưỡng, căn cơ, “từ sớm, từ xa”, để khi đáp ứng đủ các điều kiện, “đủ chín” thì mới trình ra QH tại kỳ họp tới.
Chủ tịch QH lưu ý, mỗi lần sửa đổi, bổ sung luật là cơ hội để khắc phục những vướng mắc, bất cập, hạn chế như tình trạng “luật khung, luật ống”, “luật vừa sửa xong đã không đáp ứng được yêu cầu, luật chồng chéo, thiếu khả thi, tuổi thọ luật thì ngắn”. Vì vậy, cần phải tập trung đánh giá, sửa đổi thật căn cơ, bảo đảm cao nhất chất lượng dự án luật.
Chủ tịch QH cũng nhắc lại những kinh nghiệm các kỳ họp vừa qua, theo đó “để rút ngắn thời gian tổ chức nhóm họp, trong khi phải nâng cao chất lượng hoạt động, QH không có cách gì tốt hơn là phải chuẩn bị từ sớm, soát xét kỹ lưỡng các nội dung trình”.
Kiểm tra bước đầu tiến độ chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, công tác chuẩn bị thẩm tra của các ủy ban và một số nội dung lớn của bảy dự án luật, Chủ tịch QH đặc biệt lưu ý các ủy ban tiếp tục rà soát các nội dung, tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá tác động của chính sách, xem xét tổ chức hội nghị, hội thảo bằng hình thức phù hợp bối cảnh phòng, chống dịch, từ đó mở rộng nghiên cứu, trao đổi, lấy ý kiến các bên một cách cầu thị, bảo đảm trình ra QH dự án luật chất lượng cao nhất; khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia, khai thác trí tuệ toàn dân tham gia đóng góp xây dựng luật.
Chẳng hạn như đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), cho biết đây là dự án luật khó, mang tính chuyên môn đặc thù, phạm vi sửa đổi bổ sung rộng đến 90% tổng số điều của luật hiện hành, Chủ tịch QH chỉ rõ, dự án luật cần được đánh giá tác động từ cả doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng và vấn đề quản lý nhà nước.
Nguyên tắc chung xây dựng luật phải thể chế hóa đúng, đầy đủ chủ trương của Ðảng, đáp ứng mục tiêu yêu cầu của phát triển và tuân thủ đúng các cam kết quốc tế. Về nội dung cụ thể trong luật, Chủ tịch QH yêu cầu rà soát các quy định cho phù hợp thông lệ quốc tế như: Ðiều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, gia nhập thị trường, quản trị nội bộ… Ban soạn thảo hết sức lưu ý nội dung quy định phải rõ ràng, thuận lợi về trình tự, thủ tục, nêu rõ trách nhiệm công bố thông tin, bảo đảm công khai, minh bạch nhưng cũng phải bảo đảm quyền bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp; tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, trái với quy định của Luật Doanh nghiệp…
Có thể thấy rõ sự quyết tâm mạnh mẽ của Chủ tịch QH, các đại biểu QH đã sớm thực hiện lời hứa, những nội dung trong chương trình hành động đã cam kết trước cử tri bằng hành động, việc làm cụ thể. Ðó là bắt tay ngay vào công việc trong nỗ lực tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, mở rộng dân chủ trong xây dựng pháp luật, bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng và thẩm tra luật.
Ðịnh hướng lớn xuyên suốt trong công tác lập pháp cho cả nhiệm kỳ đã được Chủ tịch QH nhiều lần khẳng định. Ðó là cần đổi mới mạnh mẽ về cách thức, phương thức lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH, huy động sự tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học. Ðó là phải đánh giá thực tiễn đầy đủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, của đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của dự luật để bảo đảm tính phản biện, khách quan. Yêu cầu nữa là nghiên cứu xây dựng cơ chế pháp luật để điều chỉnh hoạt động vận động chính sách trong xây dựng pháp luật bảo đảm khách quan, minh bạch, có kiểm soát, giám sát chặt chẽ…
Bảy dự án luật đưa ra thảo luận, xem xét qua nhiều vòng, nhiều bước tại các phiên họp sẽ là những dự án luật đầu tiên, có tính “khởi đầu”, “mở hàng” cho chương trình lập pháp dài hơi, rất công phu của QH khóa XV đang được đông đảo cử tri, nhân dân kỳ vọng, đón chờ.
Ý kiến ()