Xem trước bức tranh sơn dầu lớn nhất Việt Nam
Bức tranh sơn dầu được coi là lớn nhất của lịch sử mỹ thuật VN, với kích thước 2,15×9,3m, đã hoàn thành song có thể không kịp triển lãm vào dịp đầu xuân năm Canh Dần do những khó khăn về tài chính.
Là góc nhìn của một người trẻ về Hà Nội trong cuộc kháng chiến toàn quốc mùa đông 1946, bức tranh liền khổ “Hà Nội, Chiến lũy và Hoa” của họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn đã cơ bản được hoàn thành vào cuối tháng 12/2009, sau hơn 3 năm miệt mài sáng tác.
Hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn. |
Bức tranh là một tác phẩm lớn, bao gồm 5 trích đoạn.
“ Trận chiến trên phố”: Là trích đoạn miêu tả một góc phố cổ Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống Pháp của quân và dân Thủ đô Hà Nội năm 1946.
“ Em bé giao liên”: Hình ảnh một em bé tuổi từ 10-12, với gương mặt bầu bĩnh, mắt sáng, thông minh, lanh lợi. Em có thể là một cậu bé đánh giày, một cậu bé con nhà nghèo thích phiêu lưu tham gia Cách mạng để thỏa chí mạo hiểm. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của Dân tộc Việt Nam, chúng ta có thể gặp bất cứ nơi nào trên mọi miền đất nước những em bé như thế: hồn nhiên sống và sẵn sàng đón nhận ngay cả cái chết. Tổ quốc sẽ mãi mãi không quên các em!
“ Bên trong chiến lũy”: Trích đoạn thể hiện tâm trạng của nhiều tuyến nhân vật nhất. Những giây phút bình yên hiếm hoi trong cuộc chiến đem đến cho những người lính, có thể chỉ là dân quân tự vệ, những khoảnh khắc thật đặc biệt. Mỗi người đeo đuổi một tâm trạng riêng: có thể trầm lắng ưu tư, có thể say sưa thả hồn theo một bài hát, cũng có thể sôi nổi với những dòng thơ quyết tử… nhưng trên hết người ta vẫn nhìn thấy sự đoàn kết, sự đầm ấm của tình đồng chí đồng bào.
“ Chiến lũy và hoa”: Hai nhân vật chính trong trích đoạn là cô gái bán hoa và anh tự vệ. Đó là những khoảng lặng trong cuộc chiến. Tuy nhiên, thông điệp quan trọng của trích đoạn này lại là phần nền của hai nhân vật chính bao gồm gần như toàn bộ các hiện vật khai quật ở Hoàng Thành Thăng Long. Chàng trai và cô gái họ còn quá trẻ, nhưng họ phải gánh vác sứ mệnh gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống của hàng ngàn hàng vạn con người, mà trên hết là sứ mệnh của ngàn năm lịch sử. Và rồi liệu sau cuộc chiến họ có còn gặp lại nhau? Ai mà biết được? Nhưng cái khoảnh khắc đẹp ấy thì mãi mãi cần được lưu lại.
“Mẹ”: Mẹ lưng còng, tóc bạc tay cầm ngọn đèn. Mẹ giống như biểu tượng của sự yếu đuối cần con cái chăm sóc. Thế nhưng khi đất nước cần chúng ta, những tài sản quý nhất của mẹ, chỗ dựa của mẹ, lại xa mẹ lên đường chiến đấu.
Hoạ sĩ Doãn Sơn cho biết, bức tranh hoàn thiện có rất nhiều thay đổi so với phác thảo ban đầu, bởi anh là người rất cầu thị, trong lúc vẽ luôn nhờ những bạn bè trong giới phê bình, trong ngành đến tham gia đóng góp ý kiến.
Mời bạn đọc chiêm ngưỡng sớm tác phẩm đặc biệt “Hà Nội, Chiến luỹ và Hoa” sau khi được tác giả hoàn thiện, và sẽ được trưng bày trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội:
Nhiều chi tiết trong bức tranh đã được chỉnh sửa rất nhiều so với phác thảo ban đầu. |
Ý kiến ()